Cập nhật: 06/08/2010 15:35:10 Article Rating
Xem cỡ chữ

Nhà Toán học Ngô Bảo Châu xuất hiện trong nhiều danh sách dự đoán các ứng viên giải Fields năm nay. Anh đứng đầu danh sách một dự đoán trên mạng mathoverflow.net; một bài trên mạng math.columbia.edu khẳng định: nhiều người nghĩ rằng “Ngô là người chắc chắn thắng nhờ công trình của ông về bổ đề cơ bản (Ngo is a shoo-in for his work on the fundamental lemma)”.

Tên tuổi các chủ nhân giải Fields 2010 sẽ được công bố trong phiên khai mạc Đại hội quốc tế các nhà toán học (ICM - International Congress of Mathematicians) lần thứ 26 họp tại Hyderabad, Ấn Độ ngày 19 tháng 8 năm nay.

 

Đưa ra một loạt tên tuổi các nhà toán học dưới 40 tuổi được mời đọc báo cáo tại phiên họp toàn thể Đại hội quốc tế các nhà toán học 2010, dự đoán người có nhiều khả năng đoạt giải Fields, các blogger Trung Quốc nhận định: Lĩnh vực đại số có Ngô Bảo Châu, người Việt Nam, có lẽ là nhà đại số học danh tiếng nhất hiện nay. Nếu dịch hết các trang mạng Việt Nam viết về Ngô Bảo Châu thì có thể thấy họ hết sức đề cao ông. Nhưng khả năng đoạt giải Fields của Ngô Bảo Châu thì tuyệt đối dựa vào thực lực của ông, chứ không phải do dư luận tâng bốc.

 

Các bloger Trung Quốc dù khá vất vả để có được những thông tin về Nhà Toán học này (họ phải dịch những bài viết về Ngô Bảo Châu từ tiếng Pháp, sang tiếng Anh rồi qua tiếng Trung), và khẳng định: đây là người có tài năng Toán học cực cao.

 

Cống hiến chính của GS.Ngô Bảo Châu là đã cùng thầy mình là Gerard Laumon chứng minh được bổ đề cơ bản cho các nhóm Unita kết quả này có thể dẫn tới việc chứng minh nhiều định lý quan trọng khác của đại số học. Công trình này đã được tờ The Time của Mỹ bình chọn là 1 trong 10 sự kiện khoa học năm 2009. Đây là công trình được đánh giá mang tính đột phá vì kết nối được hai lĩnh vực của toán học là số học và hình học, đồng thời đã chứng minh được điều mà nhiều nhà toán học nổi tiếng trên thế giới không thể giải quyết được trong suốt 30 năm qua.

 

Fields Medal được ví là giải “Nobel của toán học” được trao tối đa cho 4 nhà toán học không quá 40 tuổi. Tuy nhiên, Fields Medal có điều kiện trao giải nghiêm ngặt hơn Nobel vì có giới hạn độ tuổi, đồng thời Fields Medal thường được trao cho các nhà toán học có nhiều công trình nghiên cứu, trong khi giải Nobel thường được trao cho một công trình đơn lẻ.

 

Giải được trao tại Đại hội Toán học Quốc tế (ICM) của Hiệp hội Toán học Quốc tế (IMU) diễn ra 4 năm một lần. Đây được coi là giải thưởng toán học uy tín hàng đầu thế giới. Giải thưởng gồm huy chương Fields và tiền thưởng. Năm 2006, số tiền thưởng mà mỗi nhà toán học giành giải Fields Medal nhận được là 15.000 đô la Canada (15.000 USD hay 10.000 Bảng Anh).

 

Tính đến năm 2006, tổng cộng đã có 48 nhà toán học trên toàn thế giới nhận được giải Fields Medal. Trong đó, Mỹ dẫn đầu với 13 nhà toán học nhận giải, xếp thứ hai là Pháp với 9 giải, Liên Xô cũ và Nga với 8 nhà toán học được vinh danh. Thứ tự tiếp theo lần lượt là: Anh (6), Nhật Bản (3), Bỉ (2), Australia (1), Đức (1), Italia (1), Na Uy (1), New Zealand (1), Phần Lan (1), Thụy Điển (1). Như vây, trong suốt 74 năm qua, cả thế giới mới có 48 nhà toán học được tặng giải Fields, và cả châu Á chỉ mới có một quốc gia duy nhất có công dân được nhận giải này. Nếu Ngô Bảo Châu được trao giải Fields 2010 thì Việt Nam nghiễm nhiên trở thành quốc gia châu Á thứ hai sau Nhật Bản có công dân được nhận vinh dự này.

 

Nếu điều này trở thành sự thực thì đây sẽ là vinh dự thực sự cao quý nhất mà cộng đồng quốc tế dành cho Việt Nam. Giải Fields thừa nhận trí tuệ của người Việt Nam, một dân tộc không chỉ giỏi giữ gìn độc lập quốc gia mà còn giỏi làm toán. Đây cũng sẽ là món quà có ý nghĩa nhất dâng lên ngày kỷ niệm 1000 năm Thăng Long.

 

Dưới đây là đoạn trích mà tạp chí Time viết về cống hiến của nhà toán học Ngô Bảo Châu:

 

"Năm 1979, nhà toán học người Mỹ gốc Canada Robert Langlands đã đưa ra một lý thuyết đầy tham vọng và có tính chất cách mạng có liên quan tới hai bộ môn toán học được gọi là lý thuyết số và lý thuyết nhóm. Trong một tập hợp choáng ngợp các giả định và sự xuất thần, lý thuyết trên đã nắm bắt các cấu trúc cân đối sâu sắc kết hợp với các phương trình liên hệ tới toàn bộ các con số -sắp xếp trong cái gọi là chương trình Langlands. Langlands hiểu rằng nhiệm vụ chứng minh những giả thiết làm nền tảng cho lý thuyết của ông là công sức của các thế hệ sau.

 

Tuy nhiên, ông tin rằng bước cần phải được củng cố không hề quanh co, đó là "bổ đề cơ bản" . Bản thân ông, các đồng nghiệp và các sinh viên của ông đều có thể chứng minh các trường hợp đặc biệt của định lý cơ bản này. Nhưng chứng minh các trường hợp phổ biến lại khó khăn hơn nhiều so với những gì Langlands đã làm trước đó - rất khó, và thực tế là phải cần tới 30 năm để hoàn thành việc này.

 

Trong những năm qua, Ngô Bảo Châu - một nhà toán học của Việt Nam làm việc tại Đại học Paris-Sud (Pháp) và Viện Nghiên cứu cao cấp (IAS) tại Princeton, đã đưa ra một cách chứng minh vô cùng thông minh cho bổ đề cơ bản.

 

Khi cách chứng minh đó được kiểm chứng vào năm nay và được khẳng định là chính xác, các nhà toán học trên toàn thế giới đã thở phào nhẹ nhõm. Các nhà toán học làm việc trong lĩnh vực này trong suốt ba thập kỷ qua đều khẳng định một nguyên lý rằng bổ đề cơ bản là chính xác và một ngày nào đó sẽ được chứng minh.

 

Peter Sarnak nhà lý thuyết số tại IAS đánh giá: "Cứ như thể mọi người đang làm việc ở một bờ xa của dòng sông và chờ đợi ai đó bắc cây cầu ngang qua. Và giờ đây, đột nhiên công việc của mọi người ở bờ bên kia của dòng sông đã được chứng thực".”

 

Ngô Bảo Châu không phải là người xa lạ với toán học Việt Nam, các bạn có thể hiểu rõ hơn về ông qua wiki. Nói chung, ông là một người tư duy rất sắc sảo nhưng cũng rất khiêm tốn và đầy tâm huyết đối với đất nước. Gần 20 năm sống xa Tổ quốc, dù nhận được sự ưu đãi đặc biệt ở nước ngoài nhưng ông vẫn mang tấm hộ chiếu phổ thông của nước CHXHCN Việt Nam.

 

Với phép chứng minh cho bổ đề cơ bản (lemme fundamental), NBC trở thành ứng cử viên sáng giá cho giải thưởng Field cao quý (“Nobel” của Toán học) trong đại hội toán học thế giới 2010 (diễn ra tại Ấn Độ

 

 

 

Theo GD&TĐ Online

Tệp đính kèm