Theo kế hoạch, năm học này Bộ GD-ĐT sẽ triển khai dạy và học ngoại ngữ bắt buộc theo chương trình mới cho 20% học sinh (HS) lớp 3. Tuy nhiên, vào đầu năm học mới, lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết chỉ sẽ triển khai thí điểm trong năm nay.
PGS Nguyễn Lộc, Phó viện trưởng Viện Khoa học giáo dục VN đã có cuộc trao đổi với PV xung quanh vấn đề này.
Chỉ thí điểm chứ chưa bắt buộc
Thưa ông, vì sao Bộ GD-ĐT lại quyết định chỉ triển khai dạy tiếng Anh từ lớp 3 thí điểm chứ chưa bắt buộc với 20% như lộ trình mà đề án dạy học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân đặt ra?
- Trong thời gian qua, dù rất nỗ lực nhưng công việc chuẩn bị để triển khai một chương trình tiếng Anh kéo dài 10 năm vẫn còn khá bề bộn. Sau khi cân nhắc và được sự đồng ý của Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, khi đó còn là Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, chúng tôi đã quyết định năm nay sẽ chỉ triển khai thí điểm dạy ngoại ngữ chứ chưa bắt buộc đối với HS lớp 3 như lộ trình mà đề án đặt ra. Dự tính năm nay thí điểm xong thì năm học 2011-2012 sẽ triển khai chính thức và năm đó 20% HS lớp 3 trên cả nước sẽ tham gia vào học chính thức.
Việc thí điểm này sẽ được tiến hành ra sao, có bao nhiêu địa phương, bao nhiêu trường học được chọn, thưa ông?
- Dự kiến sẽ thu hút khoảng 100 trường của hơn 20 tỉnh, thành. Mỗi tuần HS được học 4 tiết tiếng Anh, mỗi tiết là 35 phút. Chúng tôi yêu cầu phải lựa chọn những trường có đủ điều kiện, đặc biệt là về giáo viên (GV). Bộ chỉ chọn những địa phương có đội ngũ GV đảm bảo. Mỗi tỉnh được chọn sẽ có khoảng từ 5-10 trường tiểu học triển khai dạy thí điểm.
Đề án này kéo dài đến năm 2020 nên những nơi khó khăn, xa xôi nhất chắc chắn sẽ “nhập cuộc” vào những năm cuối. Chúng tôi đã kết hợp với một đội ngũ chuyên gia quốc tế có cuộc khảo sát rất kỹ chất lượng GV, chỉ những GV đủ điều kiện mới được tham gia.
GV như thế nào được coi là đủ điều kiện, thưa ông?
- Về nguyên tắc phải có năng lực về ngoại ngữ, mức độ phải là B2 (tương đương với bậc 4 trong 6 bậc của ngoại ngữ) tất nhiên còn các kỹ năng sư phạm khác nữa.
Các năm tiếp theo cần lực lượng GV đông đảo trong khi nguồn tuyển không dồi dào thì việc khảo sát chất lượng có được tiến hành chặt chẽ nữa không, thưa ông?
- Các năm tiếp theo vẫn tiếp tục như vậy vì hiện nay tính quốc tế hóa trong giáo dục đã rất phổ biến, đặc biệt trong dạy ngoại ngữ và trong tiếng Anh. Tỷ lệ thực hiện dạy tiếng Anh bắt buộc mỗi năm một tăng, các nguồn có sẵn bớt đi thì sẽ có lực lượng GV được đào tạo chính quy bài bản từ trường CĐ sư phạm ra trường. Tôi khẳng định rằng sẽ không thiếu nguồn GV.
Hiện nay, do tiếng Anh chưa phải là môn học bắt buộc đối với bậc tiểu học nên các trường sư phạm cũng chưa có mã ngành đào tạo nguồn nhân lực này. Vậy việc chuẩn bị đội ngũ GV dạy tiếng Anh từ tiểu học đã được chuẩn bị ra sao, thưa ông?
- Từ 5-7 năm nay, môn tiếng Anh đã được đưa vào giảng dạy trong trường tiểu học như một môn học tự chọn. Chính vì vậy, ở nhiều địa phương đã hình thành một đội ngũ GV tiếng Anh cấp tiểu học với khoảng 3.000-4.000 người.
Tuy nhiên, sẽ phải xây dựng đội ngũ GV dạy tiếng Anh bậc tiểu học dưới nhiều hình thức khác nhau. Một mặt sẽ tận dụng đội ngũ GV đang giảng dạy tiếng Anh tự chọn ở tiểu học sau khi khảo sát chất lượng; thứ hai là những GV dạy tiếng Anh ở các cấp học như THCS, THPT đang dôi dư được bồi dưỡng thêm về phương pháp, kỹ năng dạy HS tiểu học cho phù hợp với tâm lý lứa tuổi.
Bên cạnh đó, sẽ bắt đầu triển khai đào tạo đội ngũ GV tiếng Anh ở cấp tiểu học ở các trường CĐ sư phạm. Trước mắt, đến năm 2011-2012 khi bắt đầu thực hiện dạy ngoại ngữ bắt buộc đối với 20% HS lớp 3 trên cả nước, sẽ cần khoảng 1.700-2.000 GV, các năm tiếp theo mỗi năm cần khoảng 2.000 GV.
Không thu học phí chương trình thí điểm dạy tiếng Anh
Hiện nay, mỗi nơi sử dụng một tài liệu tiếng Anh khác nhau để giảng dạy cho HS tiểu học. Vậy, trong thời gian tới Bộ GD-ĐT có quy định gì về sách giáo khoa đối với môn học này?
- Khi thực hiện dạy tiếng Anh là môn học bắt buộc thì chỉ có một bộ sách giáo khoa theo đúng quy định của Luật Giáo dục hiện hành. Tất nhiên, chúng tôi cũng khuyến khích sử dụng các tài liệu hỗ trợ nếu có điều kiện.
Những trường được chọn tiến hành dạy tiếng Anh theo chương trình thí điểm có được phép thu khoản tiền đóng góp nào của phụ huynh không?
- Như với tất cả các môn học chính khóa khác, việc đưa môn tiếng Anh vào giảng dạy thí điểm trong năm học này và trở thành môn học bắt buộc trong những năm học tiếp theo sẽ tuyệt đối không thu tiền đóng góp của phụ huynh. Đề án được đầu tư ngân sách nhà nước nên không có lý do gì để thu thêm tiền của phụ huynh.
Xin ông cho biết, chương trình ngoại ngữ 10 năm sẽ được bắt đầu từ lớp 3. Vậy những trường hiện đang dạy ngoại ngữ từ lớp 1 hoặc những trường có nguyện vọng dạy tiếng Anh từ lớp 1 có phải điều chỉnh gì không?
- Đề án được thiết kế phù hợp với điều kiện chung của cả nước ở một mức độ nhất định. Tuy vậy, những trường có nhu cầu, có điều kiện có thể dạy nhiều hơn, nhanh hơn. Như vậy nếu dạy từ lớp 1 mà thành công hoặc dạy cấp độ cao hơn thì chúng tôi hoàn toàn hoan nghênh.
Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT sẽ có giám sát chặt chẽ về chất lượng và tính phù hợp của những nơi này. Theo tôi, mức cao nhất cũng chỉ có thể là 8 tiết tiếng Anh/tuần. Ở những nước sử dụng tiếng Anh như một ngôn ngữ chính thức như Malaysia, Brunei, Philippines... hiện cũng chỉ dạy tiếng Anh 8 tiết/tuần.
Những nơi dạy tăng cường tiếng Anh như vậy có phải tổ chức kiểm tra đầu vào về khả năng học ngoại ngữ của học sinh hay không?
- Tôi khẳng định là sẽ không cho phép thi tuyển để vào học tiếng Anh đối với HS ở các trường. Khi nó đã trở thành môn học bắt buộc thì tất cả các môn học đều công bằng như nhau, mọi HS đều có quyền vào học. Không thể có thi tuyển hay kiểm tra năng lực dưới bất kỳ hình thức nào.
Các trường dạy thí điểm chương trình tiếng Anh tiểu học
TP Hà Nội: Vĩnh Ngọc (H.Đông Anh), Thành Công B (Q.Ba Đình), Quỳnh Mai (Q.Hai Bà Trưng), Quang Trung (Q.Hoàn Kiếm), Tân Mai (Q.Hoàng Mai), Dương Quang (H.Gia Lâm), Dịch Vọng B (Q.Cầu Giấy), Tràng An (Q.Hoàn Kiếm). TT Trúc Sơn (H.Chương Mỹ).
TP.HCM: Đuốc Sống (Q.1), Hồ Văn Cường (Q.Tân Phú), Phong Phú (Q.9), Nguyễn Minh Quang (Q.9), Nguyễn Thượng Hiền (Q.Gò Vấp), Hòa Bình (Q.1), Nguyễn Thái Sơn (Q.3), Phan Đình Phùng (Q.3).
TP Hải Phòng: Bạch Đằng (Q.Hồng Bàng), Đằng Giang (Q.Ngô Quyền), Nguyễn Thượng Hiền (Q.Ngô Quyền), Bàng La (Q.Đồ Sơn), Thái Phiên (Q.Ngô Quyền), Thủy Đường (H.Thủy Nguyên), Đinh Tiên Hoàng (Q.Hồng Bàng).
Hà Nam: Vĩnh Trụ (Lý Nhân), Minh Khai (TP Phủ Lý).
Nam Định: Nam Tân (Nam Trực), Trần Quốc Toản, Hùng Vương, Phạm Hồng Thái (TP Nam Định), TT Gôi (H.Vụ Bản).
Vĩnh Phúc: Tề Lỗ (H.Yên Lạc), Liên Minh (Vĩnh Yên), Vĩnh Tường, Hùng Vương (Phúc Yên), Nguyễn Thái học I (Vĩnh Tường).
Hải Dương: Ngọc Châu (TP Hải Dương), Đức Chính (H.Cẩm Giàng), Tân Kỳ (Tứ Kỳ), Phả Lại 2 (Chí Linh).
Thái Bình: TT Vũ Thư, Lý Tự Trọng, Đông Xuân, Diêm Điền.
Hòa Bình: Sông Đà, Lê Văn Tám, Võ Thị Sáu (TP Hòa Bình).
Thanh Hóa: Đông Thanh, Nguyễn Văn Trỗi, Hà Trung, Mỹ Lộc, Quảng Tân, TT Rừng Thông.
Nghệ An: Hồng Sơn. Nghi Hải, Cầu Giát, Hà Huy Tập 2, Quán Hành, Trung Đô, TT Yên Thành, Nghi Tân.
Hà Tĩnh: Đậu Liên, Nam Hồng, Trung Lương, Nam Hồng.
Thừa Thiên-Huế: Vỹ Dạ, Vĩnh Lợi, Trần Quốc Toản.
Đà Nẵng: Phù Đổng, Huỳnh Ngọc Huệ, Nguyễn Văn Trỗi, Hoàng Dư Khương.
Khánh Hòa: Tân Lập 1 (Nha Trang), Cam Lộc 2 (Cam Ranh), Thị trấn số 1 (Diên Khánh).
Đồng Nai: Kim Đồng, Lê Thị Vân, Hòa Bình, Tân Phong B.
Bà Rịa - Vũng Tàu: Lê Thành Duy, Bàu Sen, Long Liên, Trường Sơn. Cần Thơ: An Bình 3, Mạc Đĩnh Chi, Thị trấn Cờ Đỏ 2, Ngô Quyền.
Theo Thanh Niên Online