Cập nhật: 23/09/2010 14:58:49 Article Rating
Xem cỡ chữ

Chúng ta đang sống trong Thập kỷ của Liên hợp quốc về giáo dục vì sự phát triển bền vững (2005 - 2014). Từ mùa thu Tháng Tám 65 năm về trước đến nay Nhà nước ta luôn xác định phát triển giáo dục - đào tạo là quốc sách hàng đầu nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, phát hiện và bồi dưỡng nhân tài cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Việt Nam đã hoàn thành nhiệm vụ phổ cập giáo dục tiểu học và hiện có 55/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã phổ cập trung học cơ sở.

 

Ở  nước ta mọi công dân không phân biệt dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, nam nữ, nguồn gốc gia đình, địa vị xã hội, hoàn cảnh kinh tế đều bình đẳng về cơ hội học tập. Ðặc biệt giáo dục tiểu học và trung học cơ sở là các cấp học phổ cập mà mọi công dân đều có nghĩa vụ và quyền lợi được học tập.

 

Nhiều thập kỷ nay phong trào thi đua Dạy tốt - Học tốt đã lan rộng trong ngành giáo dục, góp phần xây dựng đội ngũ nhà giáo ngày càng phát triển về số lượng, nâng cao về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Ðội ngũ nhà giáo trực tiếp đứng trên bục giảng đến nay là hơn một triệu người. Ở nhiều trường đại học, đội ngũ giảng viên tăng, trong đó tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ tăng đáng kể. Giáo dục dân tộc và giáo dục khuyết tật tiếp tục được quan tâm và ưu tiên. Cả nước có hơn 280 trường phổ thông dân tộc nội trú với gần 84.000 học sinh và có 1.657 trường phổ thông dân tộc bán trú do nhân dân địa phương hỗ trợ với khoảng 150.000 học sinh theo học.

 

Hệ thống nhiều trường trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng và đại học tiếp tục được đầu tư xây dựng ở nhiều vùng, miền mở rộng quy mô đào tạo nguồn nhân lực cho nhiều ngành, địa phương và khu công nghiệp góp phần phục vụ cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước...

 

Tuy nhiên, sự nghiệp giáo dục - đào tạo hiện cũng còn nhiều bất cập; chất lượng giáo dục, đào tạo còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước và không đồng đều giữa các vùng miền, giữa các khối trường và giữa các hình thức giáo dục, đào tạo. Nhiều lý do khác nhau, một bộ phận học sinh, sinh viên bỏ học, việc duy trì tỷ lệ học sinh đi học chuyên cần khó khăn; tỷ lệ học sinh tàn tật, khuyết tật đi học và hòa nhập với cộng đồng còn thấp. Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của nhiều trường ở nhiều địa phương, nhất là miền núi, vùng sâu, vùng xa còn thiếu thốn và lạc hậu nhiều, vệ sinh môi trường còn kém, thiếu nhà vệ sinh, nước sạch; thư viện nghèo nàn; phòng học bộ môn hạn chế; thiết bị dạy học thiếu, chưa đồng bộ, hiệu quả sử dụng còn thấp...

 

Việc đổi mới phương pháp dạy và học đến nay vẫn chưa tạo bước đột phá về chất, tình trạng dạy theo kiểu "đọc chép" phổ biến; chưa thống nhất, phương pháp và tài liệu phục vụ đổi mới phương pháp dạy và học. Một bộ phận nhà giáo trình độ ngoại ngữ, tin học hạn chế, việc sử dụng công nghệ thông tin trong dạy và học chưa được nhân rộng. Nhiều giáo viên trẻ mới vào nghề, lương thấp, gặp nhiều khó khăn, vừa lo toan cuộc sống hằng ngày vừa phải học thêm và giảng dạy nhiều tiết trong ngày.

 

Một số vấn đề của giáo dục, như học sinh bỏ học, bất bình đẳng trong hưởng thụ nền giáo dục cơ bản; chất lượng giáo dục - đào tạo chưa đáp ứng nhu cầu xã hội; cơ sở vật chất trường, lớp thiếu, thiết bị dạy và học lạc hậu; đời sống nhà giáo khó khăn... đang thật sự là thách thức, đòi hỏi đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục các cấp và cả cộng đồng cùng có trách nhiệm "tìm bài giải". Tính chủ động, tháo vát, khéo léo và khả năng giải quyết những tình huống thực tiễn... của học sinh phổ thông là yếu. Nhìn chung sau khi rời ghế trường phổ thông học sinh thiếu kỹ năng cần thiết để bước vào cuộc sống tự lập và khó có khả năng tự khẳng định mình trong đời sống thực tiễn.

 

Ðây đó đã xuất hiện xu thế "đại học hóa phổ thông" đưa những kiến thức ở bậc đại học vào chương trình phổ thông, chuyển từ phổ thông sang phân ban, chuyên sâu với lối dạy và học kiểu hàn lâm, thụ động, không phù hợp với lớp trẻ. Phương pháp dạy nặng về đọc - chép, ít điều kiện để thực hành.

 

Nhiều trường phổ thông nay đang dạy theo lối "khép kín", ít liên hệ với xã hội chung quanh. Mục tiêu dạy chú trọng tới học sinh khá, giỏi, những lớp chọn, trường điểm để có tỷ lệ đỗ cao. Tóm lại việc dạy và học nhằm để thi cử, nhất là thi đại học chứ chưa thực chất học những thứ cần cho cuộc sống. Phải chăng chúng ta cần nghiên cứu để có thể bổ sung những khiếm khuyết trong lối học phổ thông hiện nay bằng các buổi học ngoại khóa, chú trọng dạy kỹ năng sống và khả năng thực hành. Việc dạy cũng cần hướng tới đích đào tạo ra tài năng thật sự có ích cho đất nước trong tương lai. Học sinh Việt Nam đã chứng tỏ được khả năng kỳ diệu, thí dụ như mới đây các em Cao Hải Nam học sinh lớp 7 Trường THCS Amsterdam, Hoàng Minh Tuệ đoạt Huy chương Bạch Kim thi Toán châu Á - Thái Bình Dương 2010, Giấy chứng nhận tài năng công nghệ thông tin Ma-lai-xi-a 2009...

 

Hơn bao giờ hết cần tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua "Dạy tốt - Học tốt", "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực" và thực hành tốt các Cuộc vận động: "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", "Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo".

 

Nhà nước cần bổ sung chế độ chính sách ưu tiên với nhà giáo; nhất là với nhà giáo công tác ở miền núi, vùng sâu, vùng xa và giảng dạy ở các trường chuyên biệt, học sinh khiếm thị, khuyết tật. Ðẩy mạnh hơn nữa công tác xã hội hóa giáo dục, huy động các nguồn lực để tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục, xây dựng nhà trường xanh, sạch, đẹp; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý giáo dục, đổi mới phương pháp dạy và học, gắn với thực tiễn nhiều hơn quyết tâm nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo vì sự phát triển bền vững của đất nước. Xây dựng một xã hội học tập là tạo dựng hình ảnh một xã hội có tiền đồ.

 

 

Theo Nhandan Online

Tệp đính kèm