Cập nhật: 30/09/2010 16:26:49 Article Rating
Xem cỡ chữ

“Giáo dục nhân văn cho sinh viên đại học VIệt Nam trong thời đại mới” là chủ đề hội thảo được tổ chức tại Đại học Duy Tân (Đà Nẵng) ngày 29/9.

Hội thảo có sự tham gia của nhiều giáo sư, tiến sĩ đầu ngành như TS. Vũ Ngọc Hoàng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; GS.Viện sĩ Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục; GS.TSKH Bành Tiến Long, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ GD-ĐT; GS. Dương Phú Hiệp, nguyên Phó Viện trưởng Viện Triết học, nguyên Tổng thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương,....

 

Hội thảo được tổ chức nhằm xây dựng một nhà trường “Đào tạo gắn liền với nghiên cứu thực nghiệm trên nền nhân văn-hiện đại”, là tiền đề để Đại học Duy Tân hướng tới xây dựng một trường đại học hiện đại, dựa trên nền tảng nhân văn trong giai đoạn mới. Nhiều tham luận tại hội thảo cho rằng, trong tiến trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, nền kinh tế nước ta cần được cung cấp một lượng lớn nguồn nhân lực chất lượng cao. Vì vậy, trong những năm qua, hệ thống giáo dục Việt Nam đi theo xu hướng đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề và kỹ thuật cao nhưng chưa thực sự chú trọng đào tạo con người mang tính nhân văn. Giáo dục nhân văn cho sinh viên trong giai đoạn hiện nay là một nhu cầu cấp thiết nhằm góp phần xây dựng và vun đắp nên những thế hệ sinh viên Việt Nam hoàn thiện về mặt nhân cách với những giá trị nhân văn dân tộc và nhân loại phù hợp với khả năng tri thức được tiếp nhận từ thế giới.

 

Theo GS.Viện sĩ Phạm Minh Hạc, chủ đề của hội thảo là vấn đề rất thời sự, vừa lý luận cơ bản, vừa thực tiễn, vừa trước mắt, vừa lâu dài. Đặc biệt, trong thời đại cách mạng thông tin, công nghệ mới, nhất là từ khi có mạng Internet, các nhà giáo dục khắp nơi đều lo giáo dục nhân văn là mặt giáo dục ở đâu cũng thấy thiếu. Tại Việt Nam, ở bậc phổ thông phần lớn mới tập trung vào dạy chữ, ở đại học thì nhiều khi quá nhấn mạnh đào tạo kỹ năng nghề nghiệp. Đó là một cách tiếp cận phiến diện, thực dụng. GS.Viện sĩ Phạm Minh Hạc đề xuất triết lý giáo dục thời nay là giáo dục giá trị bản thân, bắt đầu từ tính người, tình người, tổ hợp năng lực của từng người thể hiện ra hoạt động của con người bằng trí tuệ, tay nghề, lương tâm nghề, với chí hướng tiến thủ, nhằm mục tiêu bảo đảm cuộc sống của chính mình cũng như gia đình, trên cơ sở đó làm phong phú cuộc sống vật chất và tinh thần, với ý thức gắn bó và có đóng góp với xã hội, có trách nhiệm với xã hội, trên tinh thần yêu nước, tinh thần cộng đồng, dân tộc.., đóng góp cho xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 

TS. Hồ Bá Thâm, nguyên Vụ trưởng, Giám đốc Nhà xuất bản Chính trị quốc gia vùng Đồng bằng sông Cửu Long cho rằng, cần có cái nhìn về chủ nghĩa nhân văn toàn cầu; hiện nay cần chú ý về chủ nghĩa nhân văn mới, toàn cầu, trước khi bàn về nội dung cần giáo dục. PGS.TS. Nguyễn Văn Mạnh - ĐH Khoa học Huế nêu ý kiến, để giáo dục đạo đức và lối sống cho sinh viên nên tập trung giáo dục tri thức khoa học toàn diện. Các trường đại học cần quan tâm đến các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, sinh hoạt đoàn đội, các hoạt động tổ chức chính trị khác, nhằm phát triển tâm hồn, tình cảm, năng khiếu thẩm mỹ cho sinh viên. Phải xây dựng môi trường học đường lành mạnh, hướng đến những chuẩn mực đạo đức và lối sống trong sáng; thường xuyên có những hoạt động phục dựng, chấn hưng truyền thống văn hóa, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Chú trọng giáo dục đạo đức lối sống cho sinh viên bằng việc nâng cao chất lượng các môn học giáo dục nhân cách đạo đức như Triết học, Lịch sử Đảng, Tư tưởng Hồ Chí Minh, Lịch sử văn minh Việt Nam./.

 

 

Theo TTXVN

Tệp đính kèm