Chiều 26/10, Bộ GD&ĐT dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa đã có buổi làm việc với các tổ chức quốc tế nhằm kêu gọi ủng hộ ngành Giáo dục các tỉnh miền Trung bị thiệt hại nặng nề trong 2 đợt lũ lụt vừa qua.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa đã thông báo tình hình hậu quả bão lụt của 3 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và biện pháp khắc phục hậu quả. Theo đó, sau đợt lụt, ngành giáo dục Hà Tĩnh ước tổng thiệt hại lên tới 405 tỷ đồng; Quảng Bình khoảng 212 tỷ đồng và ngành Giáo dục Nghệ An ước khoảng 88 tỷ đồng. Tổng thiệt của ngành GD&ĐT của 3 tỉnh miền Trung ước khoảng 705 tỷ đồng, riêng số lượng SGK bị mất đã lên tới 383.000 bộ, tương đương khoảng 27 tỷ đồng.
Ngay sau khi nước lũ bắt đầu rút, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các sở GD-ĐT theo phương châm 4 tại chỗ, chủ động phối hợp với chính quyền địa phương và gia đình HS thu dọn, làm vệ sinh trường học, cố gắng ổn định tình hình, sớm đưa các em học sinh đến trường; kêu gọi sự ủng hộ trong toàn ngành, đặc biệt, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXBGDVN) khẩn trương tổ chức in bổ sung SGK và sẵn sàng cung cấp SGK cho các học sinh, kiên quyết không để các em bỏ học vì không có SGK. Đến nay, NXBGDVN đã hoàn thành việc này, sẵn sàng cung cấp đủ SGK cho các tỉnh.
Ghi nhận những đóng góp của các tổ chức quốc tế ủng hộ cho ngành giáo dục trong thời gian qua, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa cũng kêu gọi các tổ chức này tiếp tục có những đóng góp, hỗ trợ để giúp các tỉnh miền Trung nhanh chóng ổn định việc giảng dạy, học tập, trong đó, nhấn mạnh ưu tiên hàng đầu là hỗ trợ SGK.
Tại buổi làm việc, đại diện các tổ chức quốc tế cam kết sẽ tiếp tục chia sẻ những khó khăn với ngành giáo dục sau những thiệt hại nặng nề của 2 đợt lũ lụt vừa qua, đồng thời sẽ hỗ trợ giúp đỡ cho ngành giáo dục các tỉnh miền Trung để học sinh nhanh chóng ổn định, sớm trở lại trường học. Bên cạnh đó, các tổ chức quốc tế cũng cho biết sẽ thường xuyên cập nhật tình hình thiệt hại, đồng thời chia sẻ thông tin với các tổ chức khác để có kế hoạch hỗ trợ, trước mắt sẽ ưu tiên hỗ trợ về sách giáo khoa cho học sinh đến trường. Và để việc hỗ trợ kịp thời và nhanh chóng, các tổ chức quốc tế muốn Bộ GD&ĐT lập kế hoạch đối tượng thụ hưởng và kế hoạch phân phát.
Được biết, đến nay, đã có rất nhiều đơn vị, tổ chức, cá nhân trong và ngoài ngành gửi hỗ trợ về cho các tỉnh bị thiệt hại, tổng hỗ trợ khoảng 3 tỷ đồng (100.000 USD của UNICEF, 250 triệu quyên góp từ tập thể, cá nhân các đơn vị thuộc Cơ quan Bộ, 700 triệu do các đơn vị trong ngành GD quyên góp, 100 triệu quyên góp tại Đại hội thi đua yêu nước).
Theo GD&TĐ Online