Hàng loạt tai nạn đau lòng liên tục xảy ra đối với học sinh trong trường mầm non khiến phụ huynh ngày càng hoang mang khi cho con đi học. Trước thực tế này, nhiều trường đang tìm biện pháp để hạn chế, ngăn chặn tình trạng trên.
Kỳ 1: Liệu pháp... camera
“Camera được lắp ở từng lớp khiến giáo viên làm tốt hơn công việc chăm sóc, nuôi dạy trẻ. Nó sẽ giúp các cô kiềm chế hơn, không đánh mắng trẻ” - bà Trần Thị Ngọc Tuyết, hiệu trưởng Trường mầm non Sơn Ca 11, Q.Phú Nhuận, TP.HCM, khẳng định.
“Bé 18 tháng tuổi, mình cho đi học. Mặc dù đã chuẩn bị tâm lý rất kỹ nhưng bé vẫn khóc quá trời. Ban đêm, bé không ngủ ngon như thường ngày mà hay giật mình thảng thốt, la hét. Mình xin cô giáo cho vào lớp vài tiếng buổi sáng để chăm bé, giúp bé bớt hoảng sợ khi ở lại trường. Trời ơi, có mặt mình ở đó mà cô giáo giận dữ lôi xềnh xệch một bé vào nhà vệ sinh khi bé này lỡ ị ra quần, cô khác thì đánh vào gan bàn chân của một bé vì bé cứ chạy lăng quăng, không chịu ngồi yên ăn cháo. Sợ quá, mình quyết định chuyển con sang trường này vì ba mẹ có thể theo dõi hoạt động của bé qua camera” - chị T., một phụ huynh Trường mầm non tư thục Ánh Cầu Vồng, Q.2, tâm sự.
Chuẩn mực trong từng hành vi
Theo chị T., nhiều phụ huynh khác có con cùng lớp với con chị cũng chọn Trường Ánh Cầu Vồng vì có camera. Khi ba mẹ ở cơ quan, chỉ cần máy tính có nối mạng, bất cứ lúc nào rảnh đều có thể mở camera để xem bé đang làm gì.
Bằng chứng
“Vừa rồi có phụ huynh lên gặp ban giám hiệu phản ảnh cô giáo đánh con họ trong giờ ăn khiến bé bị ù tai. Chúng tôi hỏi, cô giáo quả quyết “không hề đánh cháu”. Trường đành mở camera của ngày hôm trước ra xem thì thấy cô và trò rất thân thiết với nhau. Cô vừa đút cho cháu ăn vừa giỡn với cháu. Bé này thuộc diện khó ăn nên hay tìm cách quay mặt đi, cô bèn lấy tay đẩy má bé về phía mình để đút cho dễ. Thế thôi” - Bà Trần Thị Ngọc Tuyết, hiệu trưởng Trường mầm non Sơn Ca 11, Q.Phú Nhuận, kể
Hiện một số trường mầm non đã trang bị hệ thống camera cho từng lớp học mặc dù kinh phí khá tốn kém. Bà Trần Thị Ngọc Tuyết, cho biết: “Toàn bộ hệ thống camera bao gồm máy móc và chi phí lắp đặt tại các lớp học, nhà bếp tốn gần 60 triệu đồng. Đầu năm học, giáo viên cũng khó chịu nhưng ban giám hiệu làm công tác tư tưởng nên cuối cùng họ đồng thuận”.
Trong khi đó, ở Trường mầm non tư thục Ánh Cầu Vồng: “Ngay từ khi thành lập trường, tôi đã xác định lắp camera cho phụ huynh xem khi họ ở bất cứ đâu và bất cứ lúc nào họ muốn. Ngoài mục đích ngăn chặn tình trạng giáo viên hành hạ trẻ, camera còn đáp ứng nhu cầu của số đông phụ huynh muốn biết cô giáo chăm sóc con mình như thế nào. Nhất là trong bối cảnh tai nạn xảy ra liên tục đối với học sinh mầm non thời gian gần đây” - bà Trần Thụy Thanh Nhã, chủ đầu tư Trường Ánh Cầu Vồng, lý giải.
Mệt hơn vì... camera
Tuy nhiên, cũng theo bà Nhã, nhiều giáo viên vào Trường Ánh Cầu Vồng thử việc 2-3 ngày là tự động xin nghỉ vì không chịu nổi áp lực. "Camera có ưu điểm nổi trội là làm phụ huynh yên tâm khi gửi con nhưng cũng gây phiền không ít. Một số phụ huynh cứ gọi điện thoại liên tục trong ngày khiến mình rất khó làm việc. Một ngày cô giáo phải tiếp từ 15 cuộc gọi trở lên, ảnh hưởng rất nhiều đến việc chăm sóc cháu” - một giáo viên Trường Ánh Cầu Vồng tâm sự.
Lý do gọi điện thì vô vàn: “Cô ơi, bé nhà em ngủ ở đâu sao mẹ không thấy” - “À, bé nằm cuối lớp nên camera không soi đến”, “Cô ơi, bé H. đã ăn chưa, nãy giờ mẹ thấy cô đút cho bé T. không hà”, “Cô ơi, sao bé đứng úp mặt vào tường vậy cô?” - “Không đâu, bé đang vẽ lên tường đấy mẹ, vì camera soi từ phía sau nên mẹ có cảm giác vậy thôi”...
Có lẽ vì thế mà nhiều trường dù lắp camera nhưng chỉ một số ít trường dám đưa lên mạng. Hiệu trưởng một trường không đưa hình ảnh lên mạng tâm sự: “Camera ở trường tôi chủ yếu phục vụ việc quản lý, phụ huynh nào muốn xem thì vào phòng hiệu trưởng xem chứ nhà trường chưa đưa lên mạng cho phụ huynh xem đại trà”. Thậm chí có trường đã gắn camera cho phụ huynh xem nhưng được một thời gian lại gỡ xuống. Lý do: giáo viên bị phụ huynh gọi điện liên tục làm các cô không thể chăm sóc cháu chu đáo.
Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Nhu - Trường mầm non Sơn Ca 11 - đúc kết: “Theo tôi, camera chỉ nên để cho các cấp quản lý xem. Khi thấy giáo viên thiếu sót điều gì thì họ góp ý để chúng tôi điều chỉnh ngay. Chứ cho phụ huynh xem rất phức tạp, bởi không phải phụ huynh nào cũng hiểu chuyên môn
Theo Tuổi trẻ Online