Cập nhật: 15/01/2011 14:02:42 Article Rating
Xem cỡ chữ

Giáo dục mầm non đặt nền móng cho sự phát triển về thể chất, trí tuệ, tình cảm thẩm mỹ của trẻ em ngay từ cấp học đầu tiên. Vì vậy, Chính phủ đã phê duyệt và triển khai Ðề án phổ cập giáo dục mầm non năm tuổi. Tuy nhiên, việc triển khai đề án và phát triển giáo dục mầm non vẫn còn nhiều vướng mắc, bất cập.

Theo Ðề án, phổ cập giáo dục mầm non (PCGDMN) cho trẻ em năm tuổi nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu nhằm chuẩn bị tốt nhất cho trẻ vào lớp một. Trong đó, ngành giáo dục và các cơ sở GDMN đẩy mạnh đổi mới nội dung chương trình, phương pháp giáo dục mầm non theo nguyên tắc bảo đảm đồng bộ, phù hợp, tiên tiến, gắn với đổi mới giáo dục phổ thông, góp phần tích cực cho việc nâng cao chất lượng giáo dục. Năm học 2010 - 2011 là năm đầu triển khai Ðề án phổ cập giáo dục cho trẻ mầm non năm tuổi. Tuy nhiên, theo Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT), cả nước có 12.357 trường mầm non với tổng số 123,5 nghìn phòng học nhưng tỷ lệ phòng học kiên cố còn thấp, vẫn còn hơn 54 nghìn phòng học bán kiên cố và hơn 15,3 nghìn phòng học tạm. Mạng lưới trường, lớp chưa đủ để huy động trẻ ra lớp đồng đều giữa các vùng, miền, cơ hội đến trường của nhiều trẻ em miền núi vùng sâu, vùng xa còn bị hạn chế.

 

Bộ GD và ÐT đã chỉ đạo các địa phương xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn; triển khai các giải pháp đồng bộ, nhất là quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục, dành quỹ đất để xây dựng trường, lớp, đầu tư trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi cho giáo dục mầm non... Tuy nhiên, thực tế triển khai ở một số địa phương không đúng với mục tiêu đề án khi các trường công lập chỉ tiếp nhận trẻ năm tuổi, còn những trẻ từ bốn tuổi trở xuống nơi nào còn chỗ học thì mới nhận. Tại các khu công nghiệp, nhà máy hiện nay tập trung đông công nhân trong độ tuổi sinh đẻ nhưng hầu như không có đủ trường mầm non. Vì vậy, đa số công nhân vẫn phải gửi con ở những nhóm trẻ gia đình. Chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ ở các vùng nông thôn và vùng khó khăn còn thấp;  tỷ lệ huy động trẻ đến trường chưa đồng đều giữa các vùng, miền; công tác quản lý, chỉ đạo phát triển GDMN nói chung và phát triển GDMN cho trẻ em năm tuổi nói riêng chưa đổi mới và chưa theo kịp yêu cầu.

 

Ðể Ðề án PCGDMN năm tuổi nói riêng, GDMN nói chung được triển khai bài bản, thật sự phát huy hiệu quả, thúc đẩy nâng cao chất lượng cần có sự nhận thức đầy đủ của chính quyền các cấp, các bậc cha mẹ và cả xã hội về vai trò, vị trí của GDMN. Theo Thứ trưởng Bộ GD và ÐT Nguyễn Thị Nghĩa, việc triển khai Ðề án PCGDMN năm tuổi không được nôn nóng, đốt cháy giai đoạn, không vì PCGDMN năm tuổi mà thiếu quan tâm tới trẻ dưới năm tuổi. Việc ưu tiên tối đa nhận trẻ năm tuổi vào trường mầm non công lập, trường nào còn chỉ tiêu mới tuyển sinh trẻ bốn tuổi trở xuống là không đúng. Triển khai Ðề án PCGDMN năm tuổi phải phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của từng địa bàn, cũng như cần xây dựng cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi cho giáo dục mầm non, đào tạo bồi dưỡng giáo viên mầm non, bố trí đủ ngân sách... cho PCGDMN năm tuổi nói riêng và GDMN nói chung để không xảy ra tình trạng mất cân bằng ngay trong GDMN. Cần duy trì và giữ vững số trẻ dưới năm tuổi đến các cơ sở giáo dục mầm non dưới nhiều hình thức, bảo đảm số trẻ dưới năm tuổi ra lớp công lập không thấp hơn mức hiện có.

 

Ðáng chú ý, để hoàn thành mục tiêu PCGDMN năm tuổi nói riêng, nâng cao chất lượng GDMN nói chung, ngành GD và ÐT tăng cường tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương quy hoạch mạng lưới trường lớp, thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về giáo dục, tăng cường kiểm tra, quản lý chặt chẽ các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn, nhất là các cơ sở ngoài công lập, nhóm trẻ gia đình... theo đúng các quy định hiện hành, bảo đảm chất lượng chăm sóc giáo dục và an toàn cho trẻ. Mặt khác, ngoài sự quan tâm đầu tư của Nhà nước rất cần sự chung tay, góp sức của toàn xã hội, nhằm đa dạng hóa các nguồn lực cho phát triển giáo dục mầm non nói chung và PCGDMN năm tuổi nói riêng.

 

Trong thời gian tới, cùng với việc triển khai đầy đủ các nội dung của Ðề án PCGDMN năm tuổi, ngành GD và ÐT tham mưu với Chính phủ tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách phát triển giáo dục mầm non một cách toàn diện, đặc biệt là chế độ chính sách cho đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên mầm non, chính sách cho trẻ mầm non, cho các cơ sở giáo dục mầm non; tăng đầu tư ngân sách nhằm tạo bước đột phá trong GDMN, nhất là hoàn thành mục tiêu Ðề án PCGDMN năm tuổi đến năm 2015.

 

 

Theo NDOnline

Tệp đính kèm