Theo Bộ GD&ĐT, trong năm 2010, Bộ đã mở rộng hợp tác với 65 tổ chức và cơ sở đào tạo quốc tế, nâng tổng số các đối tác được ký thỏa thuận lên con số 105.
Các thỏa thuận hợp tác đã đạt được các điều khoản như: miễn giảm học phí từ 10-80% tùy vào trình độ của ứng viên, giảm mức học phí cho lưu học sinh Việt Nam như sinh viên bản địa; miễn 100% học phí cho một số trường hợp, hỗ trợ sinh hoạt phí, bảo hiểm y tế, phí ghi danh.
Bên cạnh đó, 100% các thỏa thuận các trường đều cam kết tại điều kiện tối đa thủ tục nhập học cho sinh viên Việt Nam do Bộ GD&ĐT giới thiệu; nhiều trường hỗ trợ miễn phí khóa học ngoại ngữ 2 tuần trước khi nhập học; cấp thêm học bổng, bổ sung sinh hoạt phí...
Cũng theo Bộ GD&ĐT, 19 điều ước quốc tế và thỏa thuận quốc tế giữa Việt Nam và các nước về hợp tác trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo đã được ký kết, mở ra cơ hội cho các bên cập nhật, trao đổi thông tin về hệ thống giáo dục của nhau, khuyến khích phát triển các chương trình hợp tác, cung cấp học bổng, trao đổi sinh viên, giảng viên, NCKH, nâng cao năng lực cán bộ quản lý và đào tạo ngoại ngữ giúp cho các hoạt động hợp tác, trao đổi trong lĩnh vực này ngày càng được phát triển và đi vào chiều sâu.
Cục Đào tạo với nước ngoài cũng đã duy trì mối quan hệ hợp tác với các nước Châu Phi để đưa chuyên gia sang giảng dạy. Việc quản lý và phục vụ lưu học sinh nước ngoài đến Việt Nam học tập và nghiên cứu ngày càng có hiệu quả, thu hút được nhiều lưu học sinh đến ăn, ở, sinh hoạt tại Trung tâm Sinh viên quốc tế...
Được biết, hiện nay, số lượng người nước ngoài vào Việt Nam học tập theo diện Hiệp định là 443 lưu học sinh. Ngoài ra còn có hơn 300 lưu học sinh người nước ngoài vào Việt Nam học tập theo hiệu học bổng khác như: Song phương, con cán bộ đại sứ quán, học bổng giữa hai nước. Tổng số lưu học sinh đang học tại nước ngoài do Cục đào tạo với nước ngoài quản lý và cấp phát kinh phí là 4813 lưu học sinh.
Theo GD&TĐ Online