Cập nhật: 02/04/2011 15:03:49 Article Rating
Xem cỡ chữ

Trong những năm qua, nhiều trường phổ thông của Hà Nội kể cả công lập và ngoài công lập đã thí điểm dạy một số môn khoa học tự nhiên như Toán, Lý, Sinh bằng ngoại ngữ thứ 2, tiếng Anh hoặc tiếng Pháp. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện thí điểm này, nhiều trường phản ánh vẫn còn gặp không ít khó khăn.

Những trăn trở về chương trình, SGK, đội ngũ...

 

Nói về những khó khăn trong việc dạy học song ngữ hiện nay, tại Hội thảo giảng dạy song ngữ trong các nhà trường Hà Nội thời kỳ hội nhập sáng nay (1/4), TS.Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội Tâm lý GD Hà Nội đặt ra hàng loạt vấn đề: Bộ GD&ĐT hiện nay chưa ban hành chương trình và sách giáo khoa cho loại dạy song ngữ nào. Vậy giải quyết vấn đề chương trình, tài liệu học cho học sinh song ngữ hiện nay trong các nhà trường nên tiến hành như thế nào cho thuận lợi? Bắt đầu nên dạy song ngữ cho học sinh từ lớp mấy là phù hợp? Giáo viên nên thuê giáo viên nước ngoài cho giáo viên Việt Nam có trình độ chuyên môn tốt nâng cao trình độ ngoại ngữ để dạy, hay cho giáo viên có trình độ ngoại ngữ được đào tạo chuyên môn sâu của một số bộ môn về dạy; hoặc tiến hành song song các phương án? Việc bồi dưỡng năng lực cho giáo viên dạy song ngữ nên như thế nào? Tính pháp lý của các chương trình dạy song ngữ này như thế nào? Ngoài việc để học sinh dự thi để lấy bằng nước ngoài thì vấn đề chủ thể của giáo dục Việt Nam hiện nay? Quyền hạn và vai trò của các nhà trường phổ thông hiện nay?

 

Theo TS.Nguyễn Chí Thành – Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội), điều quan trọng nhất hiện nay là Bộ GD&ĐT cần có một khung chương trình dạy và học ngoại ngữ đề một học sinh sau khi tốt nghiệp theo chương trình giáo dục quốc dân có thể đủ tự tin để sử dụng một ngoại ngữ đã chọn học.

 

Một khó khăn nữa đó là thiếu cơ chế rõ ràng về phát triển đội ngũ giáo viên song ngữ. TS.Nguyễn Chí Thành đưa ra con số, đến năm 2008, cả nước có hơn 14.000 học sinh học song ngữ tiếng Pháp nhưng chỉ có 305 giáo viên dạy tiếng và 74 giáo viên dạy các môn khoa học bằng ngoại ngữ này.

 

Bà Võ Thị Phương Hoa, hiệu trưởng trường THCS Lê Lợi, trường THCS duy nhất ở Nghệ An còn duy trì mô hình đào tạo song ngữ cho biết, cả trường chỉ có 3 giáo viên tiếng Pháp, trong đó chỉ có 1 giáo viên có biên chế.

 

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Hiệu trưởng trường Song ngữ Hà Nội Academy cũng nhấn mạnh đến khó khăn của nhà trường từ đội ngũ giáo viên không ổn định, nhất là giáo viên quốc tế. Vì hầu hết đội ngũ giáo viên này chỉ có visa 1 năm, số ít là 2 năm, không đảm bảo sự ổn định thì chất lượng khó tốt được. Với đội ngũ giáo viên Việt Nam cũng khó ổn định vì hầu hết còn rất trẻ, ít tuổi đời, tuổi nghề cũng như kinh nghiệm sư phạm nên khi làm việc trong môi trường nhiều áp lực rất dễ dao động, không yên tâm giảng dạy. Không chỉ vậy, theo ông Nguyễn Thanh Sơn còn có khó khăn về vấn đề pháp lý do Bộ GD&ĐT chưa có văn bản chỉ đạo cụ thể; khó khăn do tài liệu sách giáo khoa nước ngoài không đầy đủ, không thống nhất, hay bị chậm và rất khó kiểm soát, khi ký được hợp đồng thì giá thành thường rất cao, ảnh hưởng đến học phí của trường; chất lượng giảng dạy của giáo viên quốc tế khó đánh giá vì trình độ ngoại ngữ của cán bộ quản lý kém; chất lượng học sinh song ngữ hiện nay nhìn chung chưa cao...

 

Tìm ý kiến tháo gớ khó khăn tại hội thảo về giảng dạy song ngữ trong các nhà trường Hà Nội.

 

Học sinh băn khoăn về tương lai?

 

Chương trình song ngữ ở bậc phổ thông hiệ nay đã và đang tiếp tục triển khai nhưng vẫn còn không ít băn khoăn của phụ huynh và học sinh về tương lai của việc học sinh ngữ sau khi học xong lớp 12. Đặc biệt là các lớp song ngữ bằng tiếng Pháp do “đầu ra” – các trường ĐH có hệ đào tạo song ngữ tiếng Pháp không nhiều, chủ yếu là các trường khối kinh tế - kỹ thuật. Trong khi đó, học sinh học hệ song ngữ chủ yếu theo khối D (Văn – Toán – Ngoại ngữ).

 

Phải chăng, đây cũng là lý do khiến lượng học sinh “đầu ra” của các lớp song ngữ THPT bị sụt giảm nghiêm trọng so với lượng học sinh “đầu vào”. Cụ thể, ở chương trình dạy tăng cường tiếng Pháp và bằng tiếng Pháp, số lượng học sinh đầu vào (lớp 1) năm học 2006-2007 ở 16 tỉnh thành là 1770 học sinh; năm học 2007-2008 (16 tỉnh thành) là 1815 học sinh; năm học 2008-2009 (13 tỉnh thành) là 1797 học sinh. năm học 2006-2007 chỉ có 894 học sinh thi tốt nghiệp THPT, trong đó có 768 em đỗ; năm học 2007-2008 có 723 em dự thi tốt nghiệp THPT, trong đó 590 em đỗ...

 

TS.Nguyễn Chí Thành cho rằng, các bậc phụ huynh và phụ huynh học sinh cần nhận thức rõ, cho dù có đầu tư hay học chuyên sâu vào một ngoại ngữ nhất định thì cũng thể dám chắc một tương lai cụ thể, đảm bảo việc sử dụng trong công việc sau này cho một học sinh. Còn nói tương lai học song ngữ bậc phổ thông để “bước tiếp” lên bậc học cao hơn và được tạo điều kiện thuận lợi hơn trong quá trình học lên sau này cũng rất khó nói, nghĩa là rất khó đưa ra một sự đảm bảo tuyệt đối. Nhưng TS.Nguyễn Chí Thành khẳng định, học trước hết có lợi cho bản thân người học, vì trình độ ngoại ngữ ngoại ngữ trong xã hội hiện nay vô cùng cần thiết.

 

Tháo gỡ khó khăn bằng cách nào?

 

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Hiệu trưởng trường Song ngữ Hà Nội Academy cho rằng, để tháo gỡ những khó khăn trên, Bộ GD&ĐT cần có khung chương trình phù hợp cho các trường song ngữ, cho phép nhà trường thực hiện chương trình một cách mềm dẻo, phù hợp với điều kiện thực tế. Về cách đánh giá, việc xếp loại học sinh cũng cần có quy chế cụ thể, vừa đảm bảo nguyên tắc của Bộ GD&ĐT Việt Nam, vừa phù hợp với yêu cầu quốc tế. Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện cho người nước ngoài đến giảng dạy tiếng nước ngoài ở Việt Nam được làm thủ tục Visa dễ dàng. Việc Chính phủ phê duyệt Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2010 theo ông Ông Sơn chính là cơ sở pháp lý để các nhà trường dạy ngoại ngữ nói chung và các trường song ngữ nói riêng có cơ hội phát triển.

 

Đề xuất TS.Nguyễn Chí Thành đưa ra là cần xây dựng một chương trình, sách giáo khoa trong dạy học song ngữ một cách chính thức, trong đó để ý đến thời lượng, nội dung và tích hợp vào quá trình kiểm tra đánh giá phổ thông; xây dựng chương trình đào tạo đào tạo giáo viên song ngữ một cách chính quy và đồng bộ từ việc đào tạo tại trường ĐH đến đào tạo lại tại trường phổ thông...

 

TS.Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội Tâm lý GD Hà Nội đặt vấn đề: Liệu chúng ta có nên thành lập CLB của những giáo viên dạy song ngữ cho cán bộ môn khoa học tự nhiên trong các trường của Hà Nội để chia sẻ kinh nghiệm hàng năm? Hoặc trong khi chờ nhà nước đào tạo giáo viên trong và ngoài nước, chúng ta có thể thử tổ chức các lớp đào tạo trong và ngoài nước cho giáo viên các trường ngoài công lập?

 

Riêng với chương trình song ngữ tiếng Pháp, để phát triển chương trình này, có giáo viên đã đưa ra ý tưởng khá độc đáo: thành phố kết nghĩa. Theo đó, thành phố của Việt Nam có mô hình đào tạo song ngữ sẽ kết nghĩa với một thành phố của nước ngoài sử dụng tiếng Pháp. Hai thành phố sẽ trao đổi học sinh du học theo hình thức tiếp nhận chéo giữa hộ gia đình...

 

 

 

 

Theo GDTD online

Tệp đính kèm