Trong xã hội phát triển, trẻ em có nhiều điều kiện để tiếp xúc với các loại hình giải trí hiện đại như: ca nhạc, phim ảnh, game online... Thế nhưng, trong khi quá nhiều hình thức giải trí mới lạ, hấp dẫn thì văn học trong nước dành cho thiếu nhi lại tỏ ra ì ạch, thiếu sức hút, còn điện ảnh, truyền hình thì đang xa dần lớp trẻ. Trẻ em xem gì và đọc gì... đang là một thực tế cần được quan tâm.
Thiếu tác phẩm và tác giả tâm huyết
Trong vài năm trở lại đây, văn hóa đọc của lớp trẻ xuống cấp. Đọc sách không còn là nhu cầu, niềm say mê, thú vui… của thiếu nhi như trước đây. Vì sao lại có thực trạng như vậy? Phải chăng hiện nay các em quá nhiều hình thức giải trí mới lạ và hấp dẫn nên không “thiết tha” với sách? Điều này chỉ đúng một phần. Có một thực tế khác đáng lưu tâm, đó là mảng văn học trong nước dành cho thiếu nhi được xuất bản không nhiều và thiếu những tác phẩm hay.
Trong vài năm trở lại đây, văn hóa đọc của lớp trẻ xuống cấp. Đọc sách không còn là nhu cầu, niềm say mê, thú vui… của thiếu nhi như trước đây. Vì sao lại có thực trạng như vậy? Phải chăng hiện nay các em quá nhiều hình thức giải trí mới lạ và hấp dẫn nên không “thiết tha” với sách? Điều này chỉ đúng một phần. Có một thực tế khác đáng lưu tâm, đó là mảng văn học trong nước dành cho thiếu nhi được xuất bản không nhiều và thiếu những tác phẩm hay.
Theo thống kê của NXB Kim Đồng, sách văn học thiếu nhi trong nước xuất bản mỗi năm chiếm khoảng 20% số lượng sách văn học thiếu nhi nói chung. Công ty Nhã Nam cũng cho biết tỷ lệ này đang chiếm 20 - 25% tổng số đầu sách của họ. Các NXB chủ yếu vẫn tái bản các tác phẩm văn học thiếu nhi của những nhà văn có tên tuổi hoặc chỉ dựa vào các cuộc vận động sáng tác để giải quyết “đầu vào” là chính.
Dạo quanh các hiệu sách, có thể nhận thấy số đầu sách dành cho thiếu nhi tuy phong phú nhưng hầu hết là sách dịch, rất ít sách của các tác giả trong nước. Chính vì vậy, nói sách dành cho thiếu nhi ở nước ta hiện nay “thừa mà thiếu” quả không sai. Thừa bởi sự xuất hiện tràn lan của truyện tranh nước ngoài, trong đó có không ít cuốn mang tính bạo lực, kích động. Song lại thiếu các tác phẩm hay, mang tính giáo dục và bản sắc văn hóa Việt Nam... Nhiều ý kiến cho rằng, nhiều tác phẩm văn học dành cho thiếu nhi của ta vẫn nặng tính giáo dục, dạy dỗ lộ liễu khiến con trẻ không những không thích đọc mà thậm chí không muốn đọc. Bên cạnh đó, văn học thiếu nhi Việt Nam lại cũ kỹ trong đề tài, thiếu sự nắm bắt đối tượng và thiếu cả trí tưởng tượng - một phẩm chất vô cùng quý giá của con người và với trẻ con càng cần được nuôi dưỡng.
Không chỉ thiếu tác phẩm mà văn học dành cho thiếu nhi hiện nay còn thiếu những cây bút thực sự tâm huyết. Nữ nhà văn Phan Hồn Nhiên, người gắn bó văn học thiếu nhi cho biết: “Sáng tác cho thiếu nhi rơi vào khoảng lặng. Bản thân tôi suốt hơn một năm lặn lội đến các trường phổ thông, đại học... vẫn không thể tìm được cây bút nào tạm gọi là có triển vọng. Đội ngũ ít đi, chất lượng tác phẩm lại không cao nên việc không có được những sáng tác hay cho các em cũng là dễ hiểu”.
Phim ít ỏi, truyền hình đơn điệu
Thông thường, cứ đến hè hay dịp 1.6, các hoạt động nghệ thuật bắt đầu để ý đến thiếu nhi. Tuy nhiên, so với những mùa hè trước, phim dành cho thiếu nhi hè này gần như “lặng tiếng”. Hầu hết các đơn vị làm phim tư nhân đều không đả động gì đến dự án phim thiếu nhi trong kế hoạch thực hiện phim của năm. Bộ phim Cuộc phiêu lưu mùa hè của Hãng phim TFS sản xuất, vừa được lên sóng vào ngày 30.5 có lẽ là một món quà hiếm hoi dành cho khán giả nhí trong mùa hè này. Hãng Phước Sang có bộ phim dành cho tuổi học trò Tiểu thư đi học nhưng chưa có phát sóng và bộ phim Thiên thần xui xẻo đang được thực hiện. Và hình như chỉ có thế... Còn trên màn ảnh nhỏ hè này, cũng chỉ thấy xuất hiện những phim truyền hình dành cho thiếu nhi đã sản xuất rất nhiều năm trước đó.
Phim cho thiếu nhi đã thiếu, chương trình truyền hình dành cho các em cũng không khá hơn. Đơn điệu và nhàm là ý kiến đánh giá dành cho các chương trình thiếu nhi của các nhà đài. Quanh đi quẩn lại chỉ có Chuyện nhỏ, Bé làm họa sĩ, Chúc bé ngủ ngon, Thế giới ABC, Tuổi thơ khám phá, Thần đồng đất Việt… và hầu hết đều không thu hút người xem. Điều đáng nói, những năm gần đây, chương trình truyền hình thiếu nhi bị thu hẹp: năm 2008 sản xuất 147 chương trình, năm 2009 giảm xuống 51 và năm 2010 còn 47. Thống kê năm 2010 của HTV - Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh cho thấy, thời gian phát sóng chương trình thiếu nhi ở nhiều đài truyền hình địa phương dưới 1% tổng thời lượng, số đài khác trên dưới 2%... Đã vậy, thời gian phát sóng chương trình truyền hình thiếu nhi chủ yếu ở những giờ hầu hết các em đang ở trường học hoặc các cơ sở dạy thêm cho nên chỉ 30 - 45% trẻ em có xem chương trình thiếu nhi, trong đó 25 - 30% xem thường xuyên. Nhiều ý kiến cho rằng, các đài truyền hình ít quan tâm đầu tư cho chương trình thiếu nhi... Kết quả là chương trình thiếu nhi ngày càng kém hấp dẫn thiếu nhi.
Các sản phẩm giải trí dành cho trẻ em đang ít ỏi và đơn điệu. Trẻ em đọc gì và xem gì... hôm nay đang là một thực tế đáng quan tâm của tất cả chúng ta.
Theo Gia Phong/ Báo điện tử ĐBND