Theo Quy chế thi tốt nghiệp THPT ban hành theo Thông tư 04/2009/ TT-BG ĐT ngày 12/3/2009 và Thông tư số 05/2010/ TT – BG ĐT ngày 24/02/2010 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc chấm bài thi tự luận tốt nghiệp THPT phải bảo đảm quy trình và các bước, cơ bản như sau:
1. Làm phách
Bộ phận làm phách phải giữ bí mật toàn bộ các nội dung liên quan đến phách của bài thi tự luận
Bộ phận làm phách đánh số phách và cắt phách, niêm phong đầu phách trước khi giao bài cho Chủ tịch Hội đồng chấm thi; chịu trách nhiệm bảo quản đầu phách và đảm bảo tuyệt đối chính xác, bí mật và an toàn khâu làm phách.
2. Nghiên cứu Hướng dẫn chấm thi
Tổ trưởng, phó tổ trưởng tổ chấm thi phải có mặt trước khi chấm thi một ngày để nghiên cứu trước bản Hướng dẫn chấm thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) và chuẩn bị cho việc chấm thi của tổ
Trước khi giám khảo chấm bài thi tự luận, Tổ trưởng tổ chấm thi tổ chức cho các thành viên nghiên cứu Hướng dẫn chấm thi của Bộ GDĐT và tiến hành chấm chung 15 bài thi để giúp cho mọi giám khảo của tổ nhất quán thực hiện Hướng dẫn chấm thi
Nếu trong tổ chấm thi có ý kiến thắc mắc không tự giải quyết được hoặc phát hiện có sự nhầm lẫn trong Hướng dẫn chấm thi thì lập biên bản đề nghị Chủ tịch Hội đồng chấm thi xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên, tuyệt đối không được tự thay đổi Hướng dẫn chấm thi và biểu điểm.
3. Chấm thi
Giám khảo: Chấm thi, đánh giá và cho điểm các bài thi theo đúng Hướng dẫn chấm thi của Bộ GDĐT, ghi điểm bài thi vào phiếu chấm và biên bản chấm thi do Hội đồng chấm thi cấp
Mỗi bài thi tự luận phải được hai giám khảo chấm độc lập, ghi điểm riêng theo số phách và phiếu chấm cá nhân.
Tổ trưởng tổ chấm thi thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát việc chấm thi của các giám khảo trong tổ chấm thi. Trước khi giao bài đã chấm xong 2 vòng độc lập cho 2 giám khảo thống nhất điểm, phải đối chiếu điểm của bài thi trên phiếu chấm cá nhân của 2 giám khảo đó, phát hiện những trường hợp chênh lệch từ 1,0 điểm trở lên để theo dõi, xác định nguyên nhân, kết quả xử lý thống nhất của 2 giám khảo nhằm phòng ngừa các sai sót, vi phạm Quy chế.
4. Chấm thanh tra
Bộ GDĐT điều động các đoàn chấm thanh tra làm việc độc lập với Hội đồng chấm thi, thực hiện chấm thanh tra theo tiến độ chấm của các tổ chấm thi khoảng 5% số bài thi đã chấm để phát hiện những sai lệch (nếu có) và đề nghị bằng văn bản với lãnh đạo Hội đồng chấm thi nhằm điều chỉnh kịp thời việc chấm thi của các giám khảo ở các tổ chấm thi.
5. Lên điểm
Đối chiến, kiểm tra, xác nhận sự thống nhất giữa điểm trên bài thi với điểm ghi trong các biên bản. Khớp phách ngẫu nhiên ít nhất 20% số bài thi tự luận để kiểm tra độ chính xác của việc quản lý chấm thi bằng máy tính./.