Mới đây, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng - Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực đã chủ trì phiên họp Hội đồng để thảo luận, đóng góp ý kiến về dự thảo Chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020 và dự thảo Chiến lược phát triển Dạy nghề thời kỳ 2011-2020.
Theo Dự thảo Chiến lược, mục tiêu tổng quát phát triển giáo dục đến năm 2020 là nền giáo dục Việt Nam đổi mới căn bản và toàn diện theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế; chất lượng giáo dục toàn diện được nâng cao; giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, năng lực sáng tạo, kỹ năng thực hành được chú trọng; đáp ứng nhu cầu nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và xây dựng nền kinh tế tri thức; đảm bảo công bằng xã hội trong giáo dục và cơ hội học tập suốt đời cho mỗi người dân, dần từng bước hình thành xã hội học tập.
Từ mục tiêu tổng quát, Dự thảo Chiến lược đã xác định các mục tiêu cụ thể trong giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học, giáo dục thường xuyên.
Để đạt được các mục tiêu đã đề ra, Dự thảo Chiến lược nêu lên 7 giải pháp phát triển giáo dục giai đoạn 2011-2020 là đổi mới và quản lý giáo dục; phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; tiếp tục đổi mới nội dung chương trình, phương pháp dạy học, thi, kiểm tra và đánh giá chất lượng giáo dục; tăng cường các nguồn đầu tư cho giáo dục, gắn đào tạo với sử dụng, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, đáp ứng nhu cầu xã hội; tăng cường hỗ trợ giáo dục đối với các vùng khó khăn, dân tộc thiểu số và đối tượng chính sách xã hội; phát triển khoa học giáo dục và cuối cùng là mở rộng và nâng cao hiệp quả hợp tác quốc tế về giáo dục.
Trong 7 giải pháp này, 3 giải pháp được đề cập đầu tiên là các giải pháp mang tính đột phá.
Về Dự thảo Chiến lược phát triển dạy nghề thời kỳ 2011-2020 cơ bản có bố cục giống với dự thảo Chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020. Chiến lược này đã khái quát rõ những kết quả đạt được, hạn chế, nguyên nhân của những hạn chế trong phát triển dạy nghề thời kỳ 2001-2010; Bối cảnh, thời cơ và thách thức đối với dạy nghề nước ta thời kỳ 2011- 2020; quan điểm, mục tiêu phát triển dạy nghề; những giải pháp phát triển dạy nghề...
Dự thảo Chiến lược phát triển dạy nghề thời kỳ 2011-2020 xác định mục tiêu tổng quát là đến năm 2020, dạy nghề đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động cả về số lượng và chất lượng, cơ cấu nghề và trình độ đào tạo; chất lượng đào tạo của một số nghề đạt trình độ các nước phát triển trên thế giới; hình thành đội ngũ lao động lành nghề, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; phổ cập nghề cho người lao động, góp phần thực hiện chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao thu nhập, giảm nghèo vững chắc, đảm bảo an sinh xã hội.
Các mục tiêu cụ thể của Chiến lược là thực hiện đào tạo nghề để nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 40%, tương đương 23,5 triệu người vào năm 2015 và 55% vào năm 2020, tương đương 34,4 triệu người.
Giai đoạn 2011-2015 đào tạo mới trình độ cao đẳng nghề, trung cấp nghề khoảng 2,1 triệu người, sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng khoảng 7,5 triệu người, trong đó có 4,7 triệu người được hỗ trợ đào tạo nghề theo “Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” (Đề án 1956).
Giai đoạn 2016-2020 đào tạo mới trình độ cao đẳng nghề, trung cấp nghề khoảng 2,9 triệu người, sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng khoảng 10 triệu người, trong đó có 5,5 triệu người được hỗ trợ đào tạo nghề theo Đề án 1956.
Đến năm 2015 có 190 trường cao đẳng nghề và 51.000 giáo viên dạy nghề; đến năm 2020 có 77.000 giáo viên dạy nghề…
Dự thảo Chiến lược đề ra 9 giải pháp là xây dựng khung trình độ nghề quốc gia; đổi mới quản lý nhà nước về dạy nghề; quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở dạy nghề; đảm bảo chất lượng dạy nghề; kiểm soát chất lượng dạy nghề; gắn kết giữa dạy nghề với thị trường lao động và sự tham gia của doanh nghiệp; huy động nguồn lực đầu tư cho dạy nghề; nâng cao nhận thức về phát triển dạy nghề; đẩy mạnh hợp tác quốc tế về dạy nghề.
Trong những giải pháp này, giải pháp đầu tiên là giải pháp mang tính trọng tâm và giải pháp thứ 2 và thứ 3 là giải pháp mang tính đột phá.
Thảo luận, đóng góp ý kiến vào 2 dự thảo chiến lược nêu trên, các thành viên của Hội đồng cơ bản bày tỏ sự đồng tình với các nội dung mà 2 dự thảo chiến lược đã nêu; cho rằng việc xây dựng và ban hành các chiến lược này là cần thiết, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển nguồn nhân lực của đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Đóng góp ý kiến cụ thể vào dự thảo chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020, nhiều thành viên Hội đồng đề xuất Ban soạn thảo chiến lược cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung các mục tiêu cụ thể vào chiến lược, làm cho chiến lược không mang tính chung chung và thực sự tạo đột phá, sự đổi mới trong giáo dục-đào tạo.
Liên quan đến dự thảo Chiến lược phát triển dạy nghề thời kỳ 2011-2020, một số thành viên Hội đồng đề xuất, trong nhóm giải pháp mà dự thảo Chiến lược đề ra, bên cạnh giải pháp đầu tiên là giải pháp mang tính trọng tâm và giải pháp thứ 2 và thứ 3 là giải pháp mang tính đột phá, nên đưa thêm giải pháp thứ 6 là “Gắn kết giữa dạy nghề với thị trường lao động và sự tham gia của doanh nghiệp” trở thành giải pháp mang tính đột phá, bởi hiện nay sự gắn kết giữa dạy nghề với giải quyết việc làm, thị trường lao động vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém, bất cập và cần tiếp tục được đẩy mạnh với những giải pháp quyết liệt, hiệu quả hơn, đảm bảo “đầu ra” của đối tượng được đào tạo nghề.
Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đề xuất bổ sung các giải pháp liên quan đến việc mở rộng quy mô đào tạo nghề, nâng cao năng lực của các cơ sở dạy nghề; tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật cho các trung tâm, trường dạy nghề bằng các hình thức huy động đầu tư khác nhau; xây dựng hệ thống dạy nghề theo hướng hiện đại, phù hợp, linh hoạt; có đột phá về cơ cấu và chất lượng đào tạo...
Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh tầm quan trọng của phát triển giáo dục-đào tạo, dạy nghề; cho biết đây là một trong những khâu đột phá chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, góp phần đưa Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý việc phát triển giáo dục, đào tạo, dạy nghề phải đảm bảo xây dựng được đội ngũ lao động có trình độ, tay nghề cao; đáp ứng cho các ngành kinh tế mũi nhọn, vùng kinh tế trọng điểm, phục vụ chuyển dịch cơ cấu kinh tế và các yêu cầu phát triển khác của đất nước.
Đánh giá cao những ý kiến đóng góp tâm huyết, trách nhiệm của các thành viên Hội đồng, các chuyên gia, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội là 2 bộ chủ trì soạn thảo Chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020 và Chiến lược phát triển dạy nghề thời kỳ 2011-2020 tiếp thu các ý kiến đóng góp, bổ sung và sớm hoàn thiện các dự thảo Chiến lược này trên tinh thần bám sát vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển giáo dục, dạy nghề để đề ra các giải pháp hiệu quả, phù hợp với thực tiễn.
Cùng với đó, các đơn vị cần có những đề xuất hiệu quả nhằm thu hút các nguồn lực đầu tư cho giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục; tăng cường cơ sở vật chất, kỹ thuật cho giáo dục; xây dựng cơ chế, chính sách để huy động, xây dựng được đội ngũ cán bộ giảng dạy giỏi, sống được bằng nghề.
Dự thảo Chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020 nêu rõ tình hình giáo dục Việt Nam giai đoạn 2001-2010; bối cảnh và thời cơ, thách thức đối với giáo dục Việt Nam giai đoạn 2011-2020; quan điểm chỉ đạo phát triển giáo dục; mục tiêu phát triển giáo dục đến năm 2020; các giải pháp phát triển giáo dục giai đoạn 2011-2020./.
Theo Thiện Thuật/TTXVN