Cùng với đạo ôn, đốm vằn (Rhizoctonia solani) được coi là một trong vài bệnh nguy hiểm nhất đối với cây lúa ở nước ta.
Bệnh thường phát sinh, phát triển và gây hại nặng cho những ruộng lúa gieo sạ dầy, bón quá nhiều phân đạm làm cho lúa tốt lốp, ruộng lúa bít bùng, tạo ẩm độ không khí trong ruộng cao; cây lúa yếu ớt, sức chống đỡ với bệnh kém.
Thực tế đồng ruộng cho thấy chưa có giống lúa nào kháng được bệnh đốm vằn. Nhưng nếu biết cách áp dụng nhiều biện pháp một cách hợp lý trong quy trình quản lý dịch hại tổng hợp ngay từ đầu vụ thì chúng ta vẫn có thể hạn chế tác hại của bệnh đến mức thấp nhất.
Những biện pháp sau đây được coi là những biện pháp mang lại hiệu quả kỹ thuật và hiệu quả kinh tế cao trong việc phòng trừ loại bệnh này:
1-Vệ sinh đồng ruộng: Bệnh đốm vằn truyền lan từ vụ trước sang vụ sau thông qua nguồn bệnh nằm sẵn trong tàn dư của cây lúa bị bệnh ở vụ trước, trên những loại cây cỏ kí chủ phụ của bệnh ở trên ruộng và xung quanh bờ, từ những hạch nấm nằm sẵn trong đất ruộng. Muốn hạn chế bệnh cho vụ sau cần phải cắt đứt cầu nối của bệnh từ vụ trước truyền qua vụ sau bằng cách phải vệ sinh đồng ruộng sạch sẽ, thu gom tàn dư rơm rạ, lúa chét của vụ trước, cỏ dại trên ruộng và xung quanh bờ mang ra khỏi ruộng hoặc chất đống đốt. Cày bừa kỹ để chôn vùi bớt hạch nấm trên ruộng.
Khi lấy nước cũng cần đề phòng nguồn nước chảy qua các ruộng từng bị đốm vằn nặng, cần loại bỏ lục bình cũng như các tàn dư thực vật trôi theo dòng nước.
2-Mật độ sạ cấy: Thực tế đồng ruộng cho thấy những ruộng gieo sạ qúa dầy (nhất là lại được bón nhiều phân đạm) làm cho lúa tốt bít bùng thường là những ruộng bị bệnh gây hại nặng nhất. Để hạn chế bệnh chỉ nên gieo sạ từ 100-120 kg lúa giống/ha (hoặc 70-80 kg/ha nếu dùng máy sạ hàng).
3-Phân bón: Không nên bón quá nhiều phân đạm, phải bón cân đối giữa đạm, lân và kali. Nên dựa vào kinh nghiệm thực tế hoặc dựa vào bảng so mầu lá lúa mà bón cho phù hợp. Không để cho cây lúa bị tốt lốp. Không được tập trung nhiều phân đạm để bón thúc đòng vào giai đoạn cuối đẻ nhánh tạo cho cây lúa tốt lốp vào giai đoạn sau đó dễ làm cho bệnh phát triển gây hại mạnh.
4-Điều tiết mực nước ruộng: Sao cho phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng của cây lúa, đảm bảo cho cây lúa khoẻ, có sức chống đỡ với bệnh. Nếu bệnh đang có chiều hướng phát triển thì phải rút cạn nước ruộng và phun thuốc phòng trừ bệnh kịp thời.
5-Dùng thuốc hóa học: Khi bệnh đã phát sinh và đang có chiều hướng phát triển mạnh thì phải dùng thuốc phun xịt ngay. Về thuốc, có thể sử dụng một trong những loại thuốc như: Vivil 5SC; Viroval 50BTN;Vivadamy 3DD& 5DD; Vitin-New 250EC; Vixazol 275SC… Trong các loại thuốc nêu trên thì VIVADAMY là thuốc sinh học đặc trị bệnh khô vằn và các loại nấm hạch khác, còn lại là thuốc hóa học phổ rộng trừ được nhiều loại bệnh như khô vằn, lem lép hạt, v.v. Trước khi dùng thuốc chúng ta cần đọc kỹ hướng dẫn liều lượng sử dụng của nhà sản xuất có in trên nhãn. Nhớ đưa vòi xịt xuống phần dưới của cây lúa để thuốc tiếp xúc với bệnh được tốt hơn.
Theo NNVN