Các nhà khoa học cho biết, để sản xuất 1m3 bia, các nhà máy của Việt Nam phải tốn từ 10-20m3 nước, 200-285 kWh điện, trong khi công nghệ tốt nhất được sử dụng tại một số nước Đông Nam Á hiện thời là 4-6m3 nước và 120 kwh điện. "Những con số biết nói" ấy phần nào cho thấy thực trạng sử dụng công nghệ trong các ngành kinh tế của ta và vì sao hàng Việt khó có sức cạnh tranh trên thị trường.
"Ngốn" điện gần gấp đôi…
Theo Bộ Công thương, để tăng được 1 đồng GDP, nhu cầu năng lượng của Việt Nam phải tăng trưởng gấp đôi, trong khi tỉ lệ tương ứng của các nước phát triển chưa tới 1. Ví dụ: để sản xuất ra 1 tấn thép, các nhà máy của Việt Nam cần đến 13 triệu kcal, gấp 3 lần mức tiêu hao năng lượng của thế giới. Thậm chí, mức tiêu thụ năng lượng trong một sản phẩm tương đương của Việt Nam cao hơn của Thái Lan, Ma-lai-xi-a từ 1,5 đến 1,7 lần...
Sở Khoa học và Công nghệ (KHCN) cho biết: Hà Nội có thế mạnh về 5 nhóm ngành sản phẩm, gồm sản xuất vật liệu xây dựng; cơ khí, sản xuất thiết bị; dệt may, da giày; hóa chất; chế biến thực phẩm, đồ uống và thuốc lá. Đây đồng thời cũng là những ngành tiêu thụ năng lượng trọng điểm của thành phố. Tuy nhiên, kết quả khảo sát ở 10 doanh nghiệp (DN) thuộc nhóm ngành chủ lực này ở Hà Nội cho thấy, máy móc, thiết bị phụ trợ của các DN không đồng bộ, nhiều chủng loại và phần lớn dây chuyền sản xuất đã vận hành từ khá lâu, không được tự động hóa nên mức tiêu hao nhiên liệu khá lớn. Lãng phí năng lượng thể hiện ở nhiều khâu: Tình trạng non tải của các hệ thống động cơ (nguyên nhân do thiết kế ban đầu của thiết bị thường lớn hơn thực tế sử dụng); hệ thống chiếu sáng với nhiều loại bóng đèn cao áp công suất lớn bố trí không hợp lý, không tận dụng ánh sáng tự nhiên… Kết quả đo đạc, tính toán tiêu thụ điện năng tại 10 DN cũng cho thấy, tiềm năng tiết kiệm năng lượng (TKNL) của từng DN tùy vào mức độ đổi mới công nghệ, có thể từ 6 đến 24% tổng năng lượng tiêu thụ.
Trong khi đó, khảo sát của Sở KHCN TP Hồ Chí Minh cho thấy, chỉ có 1% công nghệ sản xuất của các DN ở địa phương này đạt trình độ hiện đại, 51% công nghệ đạt trung bình khá và 48% là lạc hậu. Như một vòng tròn tất yếu, DN có công nghệ lạc hậu thì tiêu tốn năng lượng, giá thành sản phẩm cao, nguy cơ ô nhiễm môi trường luôn tiềm ẩn, hàng hóa thiếu sức cạnh tranh...
Chuyên gia năng lượng DN đang ở đâu?
Theo Trung tâm TKNL TP Hồ Chí Minh, tiềm năng TKNL của các ngành công nghiệp Việt Nam rất lớn. Cụ thể, ngành công nghiệp xi măng có thể tiết kiệm được 50%, công nghiệp thép 20%, gốm sứ 35%, ngành dệt, may mặc 30%, chế biến thực phẩm 20%... Nhưng trái khoáy là DN càng lớn, tiêu thụ điện nói chung và năng lượng nói riêng càng nhiều nhưng hầu hết DN vẫn "trắng" chuyên gia năng lượng trong hệ thống tổ chức, phục vụ sản xuất.
Những năm gần đây, dự án nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các DN nhỏ và vừa (Bộ KHCN) đã hỗ trợ hàng trăm DN khắp cả nước tiếp cận thông tin về TKNL, nguồn vốn để đổi mới công nghệ. Quá trình thực hiện dự án cho thấy, ở đâu lãnh đạo DN quan tâm thì ở đó việc TKNL mới trở thành nền nếp và đạt hiệu quả kinh doanh cao.
Trên địa bàn Hà Nội, nhiều DN sản xuất gốm, sứ ở Bát Tràng (Gia Lâm) là điển hình cho mô hình TKNL. Chỉ với một số hạng mục đơn giản như cải tạo, sửa chữa lò nung, thay thế hệ thống vòi đốt, gạch cách nhiệt... cũng đã giúp DN ở đây giảm được 25-30% mức tiêu thụ năng lượng, giảm 30% chi phí sản xuất, giảm 24% thời gian nung, chất lượng thành phẩm cũng hơn hẳn giai đoạn trước khi áp dụng công nghệ TKNL. Nhờ đó, không ít DN ở đây có thể tiết kiệm khoảng 200 triệu đồng mua nhiên liệu/năm, giúp DN nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.
Tuy nhiên trên phạm vi toàn quốc đến nay, số DN ứng dụng công nghệ TKNL chưa nhiều do phần nhiều DN có điểm xuất phát thấp, trình độ quản lý cũng như khả năng lập kế hoạch yếu. Ông Taichiro Kawase, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn năng lượng Nhật Bản cho rằng, các DN Việt Nam nên thuê kiểm toán năng lượng để xác định chính xác thực trạng sử dụng năng lượng ở đơn vị mình, từ đó đề ra các giải pháp phù hợp. Ngoài ra, mỗi DN nên có một cán bộ phụ trách vấn đề TKNL để kiểm soát việc sử dụng nhiên liệu ở các khâu và quan trọng là hoạch định chiến lược về năng lượng.
Theo các chuyên gia, có 6 rào cản trong việc sử dụng TKNL hiệu quả ở Việt Nam là chính sách, nguồn nhân lực, thông tin kỹ thuật, tài chính, thực trạng sản xuất và nhận thức. Trong đó, nhận thức, thói quen và nguồn nhân lực là điểm yếu nhất mà DN Việt Nam cần khắc phục ngay bởi thiếu hai yếu tố này, mọi chính sách, giải pháp kỹ thuật lẫn tiền bạc sẽ chỉ là con số 0 tròn trĩnh.