Cập nhật: 06/09/2009 20:41:35 Article Rating
Xem cỡ chữ

Các nhà khoa học Mỹ và Australia vừa kết luận: các đại dương trên thế giới đang ấm lên với tốc độ nhanh hơn 50% trong 40 năm qua so với dự kiến do khí hậu toàn cầu thay đổi nhanh chóng.

Nhiệt độ nước biển tăng cao làm cho mực nước biển dâng lên, nhấn chìm các đảo quốc nhỏ và đe dọa sẽ tàn phá các khu vực đồng bằng đông dân cư có vị trí thấp hơn mực nước biển. Có hai nhân tố khiến mực nước biển dâng cao: biển tăng nhiệt và băng tan, đều do tình trạng ấm lên của trái đất gây ra. Các nhà khoa học đã sử dụng các phương pháp hiện đại để đo nhiệt độ biển dưới độ sâu

 

700 m, từ 1961 đến 2003 và rút ra kết luận rằng, biển ấm lên đã khiến mực nước biển dâng lên 0,53 mm/năm chứ không phải 0,32 mm như trước đó.

 

NASA chế tạo cảm biến sinh học dò tìm vi khuẩn

 

Cơ quan Không gian và Vũ trụ Hoa Kỳ (NASA) vừa chế tạo thành công một loại cảm biến sinh học dựa trên công nghệ na-nô hiện đại có khả năng phát hiện vi khuẩn, vi-rút và ký sinh trùng. Thiết bị cảm biến sinh học mới này có công dụng ngăn chặn sự lan truyền những mầm bệnh nguy hiểm trong nước, thực phẩm và các nguồn khác. TS Mey-ya-ppan, nhà khoa học về công nghệ na-nô, cho biết, "Bộ cảm biến này sử dụng các ống na-nô các-bon siêu nhạy, có khả năng phát hiện những tác nhân sinh học nguy hiểm có nồng độ rất thấp". Khi nhận ra sự hiện diện của tác nhân có hại, bộ cảm biến sẽ phát ra tín hiệu điện, và các chuyên gia sẽ xử lý tín hiệu đó để nhận diện vi sinh vật và hàm lượng của chúng trong mẫu xét nghiệm. Do ống na-nô có kích thước cực nhỏ nên một cảm biến sinh học có thể chứa đến hàng triệu ống na-nô. Mối nguy hiểm sinh học xuất phát từ mầm bệnh và bệnh truyền nhiễm xảy ra hằng ngày trên khắp thế giới. Biện pháp quan trọng để ngăn chặn sự bùng phát của dịch bệnh là nên xét nghiệm toàn diện để dò tìm từng mầm bệnh khả nghi, bởi vì đa số mầm bệnh thường không được phát hiện cho đến khi có người mắc bệnh hoặc tử vong.

 

Tổ tiên voi cổ đại sống dưới nước

 

Dấu hiệu hóa học từ răng hóa thạch tiết lộ rằng, ít nhất một loài thuộc proboscidean, họ hàng voi cổ đại, sống trong môi trường nước. Theo Alexander Liu, khoa Khoa học Trái đất của Ðại học Ô-xphơ, răng của loài động vật cổ đại, thuộc giống có tên Moeritherium, cho thấy nó ăn những cây cỏ nước ngọt và định cư trong những đầm lầy hoặc hệ thống sông ngòi. Giống Moeritherium sống cách đây khoảng 37 triệu năm, nhiều triệu năm sau khi diễn ra sự chia cắt gen giữa dòng voi và lợn biển. Ðồng vị các-bon trong men răng chứa những bằng chứng về khẩu phần ăn của Moeritherium, trong khi đồng vị ô-xy tiết lộ thông tin về nguồn nước.

 

 

 

Theo ND Online

Tệp đính kèm