Theo thống kê của Viện Vật lý địa cầu (nay là Viện Các Khoa học Trái đất, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam), từ tháng 4/2021 đến 23/4/2025, tại khu vực huyện Kon Plông và vùng lân cận đã xảy ra 1.086 trận động đất lớn và nhỏ; trong đó, trận động đất xảy ra vào khoảng 11 giờ 35 phút ngày 28/7/2024 có độ lớn 5.0 là cao nhất.

Khi động đất xảy ra (ngày ngày 28-29/7/2024), nhà chị Y Trinh làng Vi Xây, xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum có viên gạch ốp tường bị rớt, vỡ. Ảnh tư liệu: Cao Nguyên/TTXVN
Các trận động đất đã tạo ra rung chấn nhẹ tại các khu vực thuộc tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Quảng Nam,… gây hoang mang cho người dân. Để đánh giá cụ thể về hiện trạng và giải pháp động đất tại Kon Tum, Viện Các Khoa học Trái đất đã tiến hành nghiên cứu và xác định nguyên nhân; đồng thời, đề ra các giải pháp ứng phó cho khu vực ảnh hưởng bởi động đất.
Xác định nguyên nhân
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Phương, Chuyên gia Viện Các Khoa học Trái đất cho biết, qua nghiên cứu, từ năm 1937 đến trước ngày 4/4/2021, ở tỉnh Kon Tum và lân cận chỉ ghi nhận được 2 trận động đất xảy ra trong các năm 1937 và 1957. Nhưng từ ngày 4/4/2021 đến ngày 23/4/2025, Kon Tum và các vùng lân cận đã ghi nhận 1.086 trận động đất. Đây là dấu hiệu bất thường cần phải nghiên cứu, xác định nguyên nhân.
“Có thể coi sự bùng nổ của chuỗi động đất Kon Plông từ sau ngày 4/4/2021 là một biến động bất thường trong chế độ hoạt động động đất của khu vực này. Không chỉ gia tăng về tần suất, động đất ở Kon Plong cũng có biểu hiện gia tăng về độ lớn. Những biểu hiện bất thường của chế độ hoạt động động đất ở Kon Tum không chỉ thu hút sự quan tâm của cộng đồng và các nhà quản lý, mà còn là đối tượng cần nghiên cứu của các nhà khoa học”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Phương phân tích.
Xét về cơ chế phát sinh, có thể chia động đất thành hai nhóm chính là động đất phát sinh do nguồn gốc tự nhiên và động đất phát sinh do những hoạt động của con người. Động đất phát sinh do hoạt động của con người còn được gọi là động đất kích thích, được giới khoa học đề cập đến từ những năm 90 của thế kỷ XX thông qua một loạt các bằng chứng trong nhiều lĩnh vực khác nhau, chủ yếu là trong các hoạt động khai thác mỏ trên đất liền và ngoài khơi, sự tích nước tại các hồ chứa của các nhà máy thủy điện, hay các vụ nổ hạt nhân.
“Qua nghiên cứu, chúng tôi khẳng định động đất tại là động đất kích thích được kích hoạt do hoạt động hồ chứa. Sự phát sinh của chuỗi các động đất kích thích thường tuân theo quy luật tắt dần theo thời gian, không mang tính hủy diệt. Sau một khoảng thời gian nhất định, khi ứng suất trong vỏ trái đất ở khu vực đã đạt đến trạng thái cân bằng, chế độ hoạt động động đất ở khu vực sẽ trở về chế độ hoạt động địa chấn kiến tạo ổn định. Điều này đã được quan sát tại các nhà máy thủy điện Hòa Bình, nhà máy thủy điện Sơn La và nhà máy thủy điện Sông Tranh 2”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Phương khẳng định.
Nói thêm về sự giảm dần của động đất kích thích, Tiến sĩ Bùi Thị Nhung, Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần, Viện Các Khoa học Trái đất cho biết, có nhiều yếu tố để xác định thời gian kết thúc động đất kích thích.
“Thời gian kéo dài của chuỗi động đất kích thích do hồ chứa thủy điện thường kéo dài từ vài tháng đến vài chục năm, tùy từng nơi và điều kiện địa chất, biến động mực nước. Đơn cử, hồ chứa Koyna, Ấn Độ bắt đầu gây động đất kích thích từ năm 1962, đỉnh điểm là trận động đất có độ lớn 6.3 vào năm 1967 và vẫn kéo dài cho đến ngày nay với tần suất và độ lớn giảm dần. Tuy nhiên, quy luật là động đất kích thích chỉ xảy ra từ vài tháng đến vài năm”, Tiến sĩ Bùi Thị Nhung phân tích.

Liên tiếp xảy ra nhiều trận động đất tại huyện Kon Plông. Ảnh: Dư Toán/TTXVN
Giải pháp ứng phó
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Nguyễn Hữu Tháp, để chủ động phòng, chống thiệt hại do động đất, UBND tỉnh Kon Tum đã chỉ đạo các sở, ngành chức năng phối hợp với UBND huyện Kon Plông tổ chức Đoàn công tác kiểm tra, đánh giá tác động và mức độ ảnh hưởng của các trận động đất đã xảy ra đối với nhà ở của nhân dân, trụ sở làm việc, trường học, y tế và công trình cơ sở hạ tầng, nhất là hồ đập thủy lợi, thủy điện, kịp thời phát hiện, khắc phục sự cố, hư hỏng để bảo đảm an toàn cho người và tài sản.
Ông Võ Đình Tâm, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Kon Plông cho biết, qua các lần rung chấn, động đất đều có hiện tượng rung lắc có thể nhìn thấy và cảm nhận được. Huyện đã hướng dẫn kỹ năng ứng phó, ổn định tâm lý nhân dân; có phương án khai thác, vận hành, bảo vệ an toàn công trình lớn, bảo đảm khi xảy sự cố do động đất gây ra mức độ thiệt hại thấp nhất và khắc phục nhanh nhất.
Riêng đối với lĩnh vực nghiên cứu, dự báo, kể từ năm 2021, sau khi xuất hiện hàng loạt các trận động đất, Viện Vật lý địa cầu phối hợp với Công ty thủy điện Sông Hinh – Vĩnh Sơn thiết lập và đưa vào hoạt động tạm thời 3 trạm quan trắc động đất. Sau đó, liên tục trong các năm 2022 và 2024, 8 trạm quan trắc động đất khác cũng được nhanh chóng lắp đặt tại các huyện Kon Plông, Đăk Tô, Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum và các huyện Sơn Hà, Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi.
“Với hệ thống 11 trạm quan trắc, đảm bảo ghi nhận đầy đủ, chính xác các trận động đất có độ lớn từ 1.0 độ trở lên xảy ra trong khu vực này, phục vụ báo tin động đất kịp thời và nghiên cứu đánh giá nguyên nhân xảy ra động đất”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Phương khẳng định.
Trong động đất, việc đảm bảo an toàn tính mạng của người dân được xem là yếu tố quan trọng nhất. Theo Tiến sĩ Bùi Thị Nhung, chính quyền địa phương cần “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để tuyên truyền, hướng dẫn cho bà con cách phòng, chống thương tích khi xảy ra động đất. Đặc biệt, cần đưa các nội dung này vào tuyên truyền, phổ biến cho các em học sinh ở các cấp học, trong các buổi ngoại khóa, giờ ra chơi để các nắm, hiểu rõ và trở thành những “tuyên truyền viên” khi về nhà.
“Riêng đối với các công trình, nhà cửa, chúng tôi kiến nghị nên xây dựng theo tiêu chuẩn kháng chấn. Cần thiết kế kiến trúc và kết cấu hợp lý, tránh mô-men xoắn, tránh không đối xứng; sử dụng các vật liệu phù hợp; đánh giá kỹ địa chất và nền móng; sử dụng các hệ thống như liên kết mềm, khớp nối… Kon Plông có nhiều căn nhà làm bằng khung gỗ, có khả năng chịu động đất tốt hơn nhà xây gạch không gia cố. Tuy nhiên, những căn nhà cũ thì cần phải sửa chữa lại để tăng khả năng chịu động đất”, Tiến sĩ Bùi Thị Nhung nhấn mạnh.
Theo Dư Toán (TTXVN)
https://baotintuc.vn/khoa-hoc-cong-nghe/dong-dat-o-kon-tum-hien-trang-va-giai-phap-20250509160650858.htm