Cập nhật: 02/10/2009 22:10:53 Article Rating
Xem cỡ chữ

Nhiều đồ chơi bằng nhựa hiện nay có sử dụng nhựa PVC để làm. Trong nhựa PVC, người ta thường cho thêm chất hóa dẻo, vì chất hóa dẻo làm tăng tính năng của nhựa. Đây cũng là chất dễ tan, vì thế, nếu đồ chơi được làm bằng loại nhựa này thì có thể gây hại cho sức khỏe của các bé.

Đồ chơi tiềm ẩn những chất ... cực độc

Khác với mọi năm, năm nay chị Nga (phố Bà Triệu, Hà Nội) chọn cho con mình những món đồ chơi dân tộc như đèn ông sao, đèn lồng...vì chị rất lo các loại đồ chơi làm bằng nguyên liệu hóa học sẽ không an toàn.

Chị Nga kể, năm ngoái chị mua cho cô con gái 5 tuổi của mình 1 bộ nail (móng tay giả) với giá 30.000 đồng. Những móng tay được làm bằng nhựa, nhưng kèm theo đó là keo để dính vào tay được làm từ một loại hóa chất sền sệt. Loại keo này có đủ các màu rất bắt mắt, không mùi, không có hướng dẫn sử dụng và hạn sử dụng.

Sau một thời gian lắp móng tay giả vào thì móng tay của con chị vàng úa và thối dần. Khi đưa con đi khám thì chị mới biết là do hóa chất có trong chất keo dính của bộ nail.

Hầu hết cả người bán lẫn người mua chỉ quan tâm đến mẫu mã và màu sắc của đồ chơi trẻ em, tuy nhiên không thể biết được những món đồ chơi đó được làm bằng chất liệu gì.

Một chị chuyên bán các loại đồ chơi đồ hàng làm bằng nhựa ở phố Hàng Mã (Hà Nội) luôn khẳng định nhựa của hàng mình là tốt hơn nhựa của nhiều hàng bán tại đây, tuy nhiên chị cũng không biết đó là loại nhựa gì. Chị này giải thích thêm: “Nhựa tốt thì nhìn là biết ngay vì có màu sáng, nhìn bắt mắt, cầm nắn thì thấy mềm dẻo, có thể đàn hồi được”.

Theo anh Minh, một chủ cửa hàng chuyên sản xuất đồ chơi trẻ em lâu năm tại phố Hàng Lược (Hà Nội) thì đa số đồ chơi nhập khẩu từ Trung Quốc đều được sản xuất bằng nhựa PVC. Nhựa PVC làm cho sản phẩm mềm, dẻo, độ sáng bắt mắt, màu sắc rực rỡ nhưng nếu trẻ em cầm nắm, thậm chí đưa vào miệng ngậm sẽ rất nguy hiểm.

Tuy nhiên, nếu dùng loại nhựa này để sản xuất thì sẽ tiết kiệm được đáng kể chi phí sản xuất. Và vì thế nên hàng Trung Quốc luôn có giá rẻ hơn rất nhiều so với hàng Mỹ, Nhật… thậm chí là cả hàng VN. Không chỉ thế, hàng Trung Quốc còn sử dụng cả màu công nghiệp. vốn có thành phần kim loại nặng rất cao. Khi trẻ cho vào miệng, thành phần này sẽ dễ dàng xâm nhập vào cơ thể.

Theo quan sát của chúng tôi, một mặt hàng cũng được rất nhiều bé gái thích thú, đó là những con búp bê xinh xắn được làm bằng nhựa mềm. Thoạt nhìn qua, tưởng những chiếc váy búp bê được làm bằng vải thường nhưng khi sờ vào thì thấy cứng, xốp, thô và khá ráp. Khi hỏi người bán hàng thì chị này khẳng định đó là vải để may quần áo và không có gì độc hại, chỉ có loại dính những hạt óng ánh thì mới có nguy cơ gây ung thư(!?).

Còn nhiều chủ hàng khác thừa nhận rằng, vải để làm quần áo búp bê chắc có pha thêm hóa chất thì mới cứng và đẹp được. Tuy nhiên, nếu tiếp xúc thường xuyên và lâu ngày cũng chỉ bị khô và ráp da tay một chút, chứ không ảnh hưởng tới sức khỏe.

Không thể nhận biết chất độc bằng mắt thường

Tại phố Hàng Mã nhiều quầy hàng đã mọc lên để phục vụ cho dịp Trung thu.

Theo TS Nguyễn Xuân Lãng, Trưởng phòng phân tích và Môi trường, Phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia - Viện hóa học công nghiệp, nhiều đồ chơi của Trung Quốc hiện nay có sử dụng nhựa PVC để làm. Trong nhựa PVC người ta thường cho thêm chất hóa dẻo, vì chất hóa dẻo làm tăng tính năng của nhựa. Đây cũng là chất dễ tan, vì thế nếu đồ chơi được làm bằng loại nhựa này thì có thể gây hại cho sức khỏe của các bé.

“Đối với các loại vải sử dụng làm đồ chơi cho trẻ em, tôi chỉ nghe nói đến formaldehyt làm xốp vải có thể gây ung thư cho người tiêu dùng. Tôi được biết, ở nước ngoài, hóa chất này được kiểm soát rất chặt chẽ”, TS Lãng cho biết thêm.

Chúng ta không thể nhận biết được formalin bằng mắt thường. Việc kiểm nghiệm cần phải có sự vào cuộc của các cơ quan nhà nước vì chi phí khá tốn kém.

Đối với những đồ chơi được làm bằng kim loại không tinh khiết thì cũng sẽ rất độc, ví dụ như kim loại có lẫn kim loại nặng như chì. Nhưng nhìn chung, việc xác định những chất độc hại khi đã thành thành phẩm là khá khó khăn đối với các phòng thí nghiệm thông thường.

Chất màu hữu cơ hiện nay được phân ra hai loại, chất màu thực phẩm và chất màu công nghiệp. Theo quy định của Bộ Y tế thì chỉ được sử dụng chất màu thực phẩm để sản xuất đồ chơi trẻ em. Tuy nhiên khi chất màu đã được trộn vào trong đồ chơi bằng nhựa thì việc phân biệt được đây là loại chất màu gì là khá khó khăn, và không phải bất cứ phòng thí nghiệm nào cũng có thể kiểm tra được.

 

Báo Khoa học & Đời Sống Online

Tệp đính kèm