Biến đổi khí hậu và môi trường bị tàn phá đang là những nguyên nhân khiến các bệnh dịch mới - lây từ động vật sang người - phát triển, theo các nhà khoa học thuộc cơ quan bảo vệ môi trường của Mỹ (EPA).
Theo báo cáo của Liên hợp quốc, ít nhất 45 bệnh dịch (truyền từ động vật sang người) mới được phát hiện trong 2 thập kỷ vừa qua và ước tính sẽ có thêm nhiều bệnh dịch mới nữa sẽ bùng phát trong những năm tới.
Các chuyên gia tại cơ quan bảo vệ môi trường của Mỹ (EPA) cho rằng thế giới đang phải đối mặt với nguy cơ bùng phát mạnh mẽ của các bệnh dịch do sự nóng lên toàn cầu và những thay đổi về sử dụng đất cũng như về phương pháp canh tác nông nghiệp.
Tiến sĩ Montira Pongsiri, một chuyên gia về sức khỏe môi trường tại EPA, nói: “Dường như chúng ta sắp phải đối mặt với sự thay đổi đáng kể của các bệnh dịch trên thế giới. Những bệnh truyền nhiễm gần đây đã bắt đầu bùng phát trên quy mô toàn cầu.”
Tiến sĩ Montira cùng với 8 cộng sự khác đã kiểm tra và cảnh báo 5 bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người nguy hiểm nhất có thể bùng phát trong những năm tới, bao gồm: bệnh sốt rét (tuyền từ muỗi), bệnh Lyme (truyền từ bọ ve), bệnh Hantavirus (truyền từ chuột và các loài gặm nhấm), bệnh sốt Tây sông Nile (truyền từ muỗi) và bệnh sán máng (truyền từ ốc nước ngọt).
Các nhà nghiên cứu cho biết rằng số lượng người mắc những bệnh truyền nhiễm giảm ở các nước phát triển trong thời kỳ diễn ra cuộc cách mạng công nghiệp. Mặc dù vậy, sự gia tăng của các nhà máy sản xuất công nghiệp và mức độ ô nhiễm không khí đã khiến gia tăng số người bị mắc các bệnh mãn tính như ung thư, dị tật ở trẻ sơ sinh.
Các nhà nghiên cứu tin tưởng rằng chúng ta sẽ phải đối mặt với những bệnh truyền nhiễm mới do chúng ta ngày càng tiếp xúc nhiều hơn với các loài động vật hoang dã vì môi trường sống của một số loài động vật đang bị phá hoại.
HIV được coi là một ví dụ điển hình về bệnh được truyền từ động vật sang người và hiện tại nó đang gây ra đại dịch AIDS trên toàn cầu. Virus chết người này được cho là truyền từ tinh tinh sang người vào cuối thế kỷ trước. Từ đó tới nay, hơn 25 triệu người đã tử vong do căn bệnh này.
Đại dịch cúm A/H1N1 bắt đầu bùng phát tại Mexico hồi tháng 3/2009 cũng do một loại virus có nguồn gốc từ lợn sau đó được truyền qua người và các động vật khác. Hiện tại, các nhà khoa học đang lo ngại các virus H1N1 ở động vật sẽ kết hợp với các virus H1N1 ở người để hình thành một chủng virus nguy hiểm hơn.
David Murrell, giảng viên về sinh thái học tại Trường Đại học London, nói: "Kể từ năm 1940, hơn 300 bệnh truyền nhiễm mới đã được xác định, trong đó 60% những bệnh đó được truyền từ động vật qua con người và hơn 70% những loài động vật gây bệnh là động vật hoang dã. Tôi nghĩ rằng những bệnh dịch mới truyền từ động vật sang người sẽ tiếp tục xuất hiện trong thế kỷ này.”
Quá trình đô thị hóa sẽ khiến con người sống gần hơn những động vật hoang dã và điều này làm tăng nguy cơ truyền bệnh từ động vật sang người. Ngoài ra, xu thế toàn cầu hóa sẽ khiến các bệnh dịch lây lan nhanh và hơn rất nhiều so với trước đây.
(Theo Telegraph)
Theo Báo VietNamNet