Cập nhật: 20/06/2010 15:41:10 Article Rating
Xem cỡ chữ

Nằm ở cuối nguồn sông Mê Kông, do nhiều quốc gia thượng nguồn xem nước như “của trời cho” nên khai thác rất bừa bãi, nguồn nước mặt chủ yếu ở ĐBSCL đang ngày càng ô nhiễm. Hai “kho” dự trữ nước ngọt khổng lồ là Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên đã biến thành biển lúa. Vì thế nước ngầm được xem như cứu cánh. Thế nhưng, nguồn tài nguyên quý này cũng đang dần cạn.

Khai thác tràn lan

 

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, ĐBSCL đang có hơn 400.000 giếng khai thác nước ngầm. Dẫn đầu là Cà Mau với 137.988 giếng. Kế đến là Bạc Liêu  96.168 giếng, Sóc Trăng 75.000 giếng... Không chỉ vùng ngập mặn mới có khuynh hướng sử dụng nước ngầm do nước mặt ngày càng khan hiếm, mà ngay cả vùng ngập lũ, nằm sát sông Tiền, sông Hậu đầy ắp nước ngọt cũng lạm dụng việc khai thác nước ngầm.

 

Ông Phan Trí Trắng - PGĐ Trung tâm Nước sạch & vệ sinh môi trường nông thôn Đồng Tháp - xác nhận: Toàn tỉnh có khoảng 8.000 giếng nước ngầm. Bên cạnh phục vụ nhu cầu sinh hoạt, nhiều giếng còn được dùng vào nuôi, trồng và để kinh doanh. Không chỉ có các nhà máy chế biến thuỷ sản, rau quả đông lạnh, xu thế sử dụng nước ngầm cũng đang trở thành “mốt” trong các đơn vị cung ứng nước.

 

Chỉ tính riêng Đồng Tháp, phần lớn trong số 370 công trình cung cấp nước sạch của tỉnh đều sử dụng nước ngầm. Nguyên nhân chủ yếu do giá rẻ, bởi đến nay, khai thác nước ngầm gần như trở thành chuyện “cho không”. Trong khi đó, việc nghiên cứu, đánh giá trữ lượng các tầng chứa nước, đặc biệt là các tầng sâu bên dưới, còn rất hạn chế và vẫn chưa xác định được mức an toàn để đảm bảo khai thác mà không ảnh hưởng đến nguồn tài nguyên. Dù khai thác kiểu nào cũng chẳng ai bị phạt.

 

Huỷ diệt nguồn nước

 

Việc khai thác tràn lan như thời gian qua gần như trực tiếp huỷ diệt nguồn nước ngầm. Trước tiên là gây ra nạn sụt giảm nguồn nước. Tại Sóc Trăng, mực nước ngầm suy giảm gần 5m (tầng 9, 307m - 376m). Nếu không có giải pháp tốt để quản lý việc khai thác thì không lâu nữa, nhiều túi nước sẽ không thể sử dụng được. Mặt khác, nguồn nước ngầm cũng đang đứng trước nguy cơ bị ô nhiễm lớn.

 

Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện ĐBSCL có gần 10.000 giếng nước ngầm không còn sử dụng, nhưng chưa được lấp đúng kỹ thuật nên nguy cơ sụp, lún tầng khai thác, suy thoái tầng nước, nhiễm mặn… ngày càng cao. Thậm chí ở vùng Đồng Tháp Mười, xuất hiện ngày càng nhiều giếng nước bị nhiễm mặn.

 

Theo các nhà nghiên cứu, nhiều quốc gia trên thế giới đã phải trả giá đắt cho việc khai thác nước ngầm vô tội vạ, mà Brazil là trường hợp điển hình: Tại nhiều nơi trên đất nước này, mực nước ngầm đã bị sụt 5-6m do ảnh hưởng từ nạn khai thác nước ngầm.

 

Nước ngầm được hình thành theo thời gian, gắn với lịch sử sa bồi và định hình vùng đất ĐBSCL. Vì vậy, nếu không có giải pháp tốt để quản lý việc khai thác thì không lâu nữa, nguồn nước quý báu này không còn sử dụng được. Khi đó, ĐBSCL liệu có còn là vựa cá, vựa lúa, vựa trái cây của cả nước?

 

 

Theo LAODONG.COM.VN

Tệp đính kèm