Cập nhật: 23/08/2012 16:19:40 Article Rating
Xem cỡ chữ

Nông dân các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp. Dùng máy gặt đập liên hợp (GÐLH) và dụng cụ sạ lúa theo hàng có tác dụng kép: không chỉ tăng năng suất, chất lượng lúa gạo và hạ giá thành, mà còn góp phần chuyển dịch hàng triệu lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp.

Hiện nay có hai khâu tốn nhiều lao động nhất, lại chỉ diễn ra trong vòng một tháng, đấy là khâu thu hoạch lúa trong nam và cấy lúa ngoài bắc. Qua "mùa vụ - đông ken" này lại là thời gian nông nhàn, dư thừa lao động. Giảm được nhu cầu lao động mùa vụ này sẽ dễ dàng hơn trong việc tái cơ cấu lao động trong quá trình chuyển nước ta từ nước nông nghiệp hiệu suất lao động nói chung thấp sang nước công nghiệp hiệu suất lao động cao.

 

Chỉ cách đây vài thập kỷ, tại Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) chúng tôi cùng với địa phương vận hành trình diễn máy gặt rải hàng mà đã bị nông dân phản đối dữ dội, đến mức bí mật cắm que sắt xuống ruộng để phá hỏng máy, vì cho là máy cướp công gặt thuê. Ðến nay, ngay nông dân những nơi đó cũng mong muốn được thu hoạch lúa bằng máy gặt, nhất là bằng máy GÐLH giải phóng được nhiều lao động cho công nghiệp và các hoạt động khác. Một khảo sát cho thấy khi thu hoạch một ha lúa, dùng máy GÐLH hết một vài lao động, trong khi gặt lúa bằng máy gặt xếp rải (máy gặt rải hàng) hết 16 công, gặt thủ công bằng tay hết 26 công. Tất nhiên, dùng máy GÐLH thu hoạch lúa còn mang lại nhiều lợi ích khác, như độ hao hụt khi thu hoạch bằng biện pháp truyền thống thất thoát đến 4 - 5%; bằng máy GÐLH thất thoát có 1 - 2%, không ít trường hợp dưới 1%. Dùng máy GÐLH còn giảm được tỷ lệ thóc gãy, gặt lúa đồng thời ra hạt ngay, đóng bao vận chuyển ngay về lò sấy hay sân phơi, tránh được tình trạng mưa nắng thất thường gây ra thất thoát nặng nề.

 

Kỹ thuật gieo (sạ) lúa theo hàng bằng dụng cụ theo mẫu của Viện Lúa quốc tế (IRRI) được cải tiến bởi Viện Lúa ÐBSCL (thay bàn trượt bằng bánh lồng nhỏ; doanh nghiệp tư nhân Hoàng Thắng thay vật liệu chế tạo sắt thép bằng nhựa) bắt đầu và sản xuất ở ÐBSCL từ thập kỷ cuối thế kỷ 20. Nhiều địa phương hỗ trợ phát triển công nghệ sạ lúa này khá mạnh, như TP Cần Thơ hỗ trợ tới hai tỷ đồng; tỉnh Trà Vinh có đề tài với vốn khá lớn nhằm đưa công nghệ này ra sản xuất đại trà; Nông trường Sông Hậu (lúc đó) là đơn vị sản xuất đầu tiên sạ hàng bằng công cụ tới 70 đến 80% diện tích của 7.000 ha lúa. Tuy nhiên khi đạt tới tỷ lệ áp dụng cả ÐBSCL khoảng 15 - 20% thì chững lại, mặc dù bà con nông dân nào cũng đều nói lên lợi ích của công nghệ này, như tiết kiệm khoảng 100 kg thóc giống/ha; giảm yêu cầu về phân đạm độ một bao u-rê; giảm vài lần xịt thuốc, lại có thể tăng năng suất và chất lượng gạo so với tập quán sạ lan. Nguyên nhân chủ yếu là không giảm được nhiều công lao động như khi dùng máy GÐLH, hoặc khi thay tập quán làm mạ - cấy bằng công nghệ gieo lúa bằng công cụ. Ðồng bằng sông Hồng (ÐBSH) tiếp thu kỹ thuật này sau khoảng một thập kỷ, nhưng lại phát triển vượt ÐBSCL. Nông dân ÐBSH tiếp thu và phát triển nhanh như vậy cũng chính là vì giảm nhanh được nhiều lao động làm mạ - cấy lúa tốn công để chuyển sang công nghiệp có hiệu suất lao động cao.

 

"Nút cổ chai" trong quá trình rút lao động nông nghiệp chuyển sang công nghiệp đã và đang được hóa giải bằng giải pháp công nghiệp hóa khâu thu hoạch lúa bằng máy GÐLH chủ yếu ở ÐBSCL, và công nghệ sạ lúa theo hàng bằng dụng cụ IRRI cải tiến chủ yếu ở ÐBSH. Bài toán mở rộng diện áp dụng lên mức cao nhất hiện đã có hướng giải, không chỉ cho hai đồng bằng trồng lúa lớn, mà cả cho những vùng canh tác lúa có điều kiện tương tự. Ðó là điều kiện vận chuyển và vận hành; đó là tiền vốn để bà con nông dân có thể mua sắm được máy GÐLH dễ dàng. Ðể thực hiện chủ trương của Nhà nước về hỗ trợ vốn cho nông dân mua máy gặt, có nơi có lúc ngân hàng quy định chỉ hỗ trợ vốn cho nông dân mua máy có tỷ lệ quy định hàng nội với giải thích để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước sản xuất, trong khi các bộ phận máy sản xuất trong nước chưa đáp ứng được độ bền, nên chóng hỏng mặc dầu mẫu mã không thua kém. Tương tự như thế, giá xăng, dầu bán cho nông dân có khi cộng cả chi phí làm và duy tu đường, mà máy nông nghiệp đâu có vận hành sản xuất trên đường nhựa!

 

Hiện tượng "nút cổ chai" thể hiện ở ÐBSCL là khi gặt lúa, ở ÐBSH là khi cấy lúa, và có nơi cả khi gặt lẫn khi cấy lúa. Sau thời gian "mùa vụ - đông ken" này là lúc nông nhàn dư thừa lao động. Giảm nhu cầu lao động sản xuất lúa những lúc này là giải pháp hữu hiệu để chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp, góp phần tích cực vào việc thực hiện chủ trương đến năm 2020 nước ta từ nước nông nghiệp sang nước công nghiệp. Tiềm năng lao động nông nghiệp trồng lúa chuyển sang công nghiệp có thể thấy rõ hơn khi so sánh: ở ÐBSCL có khoảng 3,8 triệu ha gieo trồng lúa, nếu thu hoạch lúa bằng máy GÐLH, giảm được khoảng 25 công/ha, hay chỉ trên một triệu ha đã giảm được 25 triệu công gặt. Ở ÐBSH và các địa phương có điều kiện tương tự, diện tích gieo trồng lúa chỉ tính trên một triệu ha, sẽ có thể giảm khoảng 35 triệu công cấy nếu thay cấy tay bằng công cụ cải tiến gieo theo hàng! Vài so sánh trên đã thành hiện thực ở nhiều địa phương đạt tới mức 20 - 40% diện tích áp dụng hai công nghệ trên. Như vậy tiềm năng lao động chuyển sang công nghiệp còn 60-80% trong những hoạt động sản xuất này!

 

Ðã có nhiều giải pháp liên quan việc tạo điều kiện phát huy tác dụng của hai công nghệ gặt và gieo trồng lúa, như phát triển mạng lưới giao thông nông thôn, dồn điền đổi thửa, xây dựng nông thôn mới, cánh đồng lúa mẫu lớn, cánh đồng lúa công nghiệp hóa... Ngoài ra còn có sự thay đổi về đường lối, chính sách của Ðảng và Chính phủ hỗ trợ nông dân sản xuất như đầu tư cho tam nông; việc giao đất nông nghiệp... Ðiều đó giúp nông dân yên tâm hơn trong việc kiến thiết đồng ruộng, mua sắm và sử dụng công cụ máy móc...

 

 

 

Theo GS, TS NGUYỄN VĂN LUẬT

Nhandan Online

 

 

Tệp đính kèm