Cập nhật: 22/01/2009 18:44:34 Article Rating
Xem cỡ chữ

Các cụ già truyền miệng rằng ngày xưa, cúng ông Công, ông Táo phải dùng cá chép kho hay rán. Thế nhưng tục này đã được "chuyển thể": từ con cá chép nấu chín đến cá chép sống và bây giờ là cá giấy để đốt hoá vàng - một cách giản tiện hóa tập tục cho phù hợp với cuộc sống hiện đại.

Năm nay, không khí Tết dường như đến muộn. Mãi tới sáng 23 tháng chạp, nhìn cảnh đi lại, nhộn nhịp mua bán vàng mã và khói hóa vàng bốc lên ở trước cửa gia đình, nhiều người mới nhận ra rằng Tết đã đến rất gần.

Con phố Hàng Mã đông nghẹt người. Đèn lồng, dây kim tuyến, vàng mã, giấy mầu xanh đỏ trông khá bắt mắt. Hàng hoá tại đây luôn "thức thời" nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân. Con cá chép cho ông Công, ông Táo cưỡi về trời được họ biến từ tươi sống thành giấy để hoá vàng. Anh Hùng, một người bán hàng ở đây cho biết: "Chỉ trừ tiền xu, tất cả những gì có thể biến thành vàng mã chúng tôi đều có sẵn ở đây".

Ngay đến mâm cúng trong gia đình cũng đang được thương mại hoá. Tại hầu hết các chợ lớn của Hà Nội như chợ Hôm, Đồng Xuân, Hàng Bè... đều có dịch vụ đặt mâm cúng thần bếp với đủ món truyền thống. Vấn đề thời sự là virus cúm gà có thể lây lan gây bệnh ở người cũng thể hiện trên mâm cúng: thay bằng gà luộc sẵn ngậm ớt, nhiều khách hàng thay bằng chân giò lợn hay thịt vai. Công chức nhà nước nào cuối năm đang bận rộn với việc tổng kết, chỉ cần bỏ ra gần 100.000 đồng là có thể yên tâm bởi đã có người lo cho lễ cúng truyền thống này.

Chị Trang, nhà tại Giảng Võ cho biết, cả nhà đều là công chức nhà nước nên rất bận. Từ sáng sớm, chị cùng bố mẹ đã dậy đi chợ, hoá vàng và đốt cá chép giấy, hoàn thành thủ tục trước giờ đi làm. Chị nói: "Các cụ bảo phải tiễn ông Táo trước giờ ngọ (12h trưa) nên nếu chờ đi làm về thì muộn mất".

Ngày trước, không chỉ riêng dịp cúng ba ông đầu rau người dân mới dùng cá chép. Bởi cứ Tết, giỗ chạp... người nông dân phía Bắc đều có nồi cá chép kho, rán, thậm chí làm gỏi để thắp hương. Theo tiếng Hán, tên chữ của cá chép là "Lý Ngư", bị đọc lệch ra là "Lý Dư". "Lý" là đương nhiên, lẽ phải; "Dư" là đầy đủ, dư thừa. Thông qua món ăn, người nông dân Bắc bộ xưa vốn quanh năm phải lo đối mặt với nghèo đói mong muốn được đầy đủ hơn. Ấy vậy nên với việc lễ cúng ông Công, ông Táo, ngoài cá chép ra, tất cả các món cá khác đều không có ý nghĩa.

Theo giáo sư Nguyễn Lân Dũng, tục cúng thần bếp bằng các món cá đã qua chế biến chỉ là truyền miệng, không có sách nào ghi lại. Còn cụ Tấn, 74 tuổi, quê ở Thanh Hóa thì khẳng định, làm thế nào thì làm, cứ cúng ông Công, ông Táo là dân quê phải làm một đĩa cá chép kho. Ý nghĩa thật sự thế nào thì cụ cũng... chịu.

 

Dù ý nghĩa thật thế nào thì những nét truyền thống cũng chỉ mang ý nghĩa tâm linh, và đang dần mất đi. Cụ Hải, ở phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, còn vương vấn với những tục lệ cũ cho rằng, đây không phải là vấn đề mê tín hay cổ hủ. Mọi người cần kế thừa và lưu giữ những giá trị truyền thống.

 

 

Theo VnExpress

Tệp đính kèm