Cập nhật: 17/08/2009 22:15:26 Article Rating
Xem cỡ chữ

Nhân kỷ niệm 64 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, hướng tới đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam phối hợp Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam, Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam tổ chức: "Triển lãm tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật được Nhà nước hỗ trợ và Liên hoan múa không chuyên năm 2009" tại Trung tâm (số 2 Hoa Lư-Vân Hồ, Hà Nội) từ ngày 25 đến 28-8.

 

Ðảng và Nhà nước luôn quan tâm đến sự phát triển văn học nghệ thuật của đất nước, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các văn nghệ sĩ sáng tác, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Hằng năm, theo kế hoạch từ năm 2006-2010 Nhà nước đầu tư 210 tỷ đồng  cho sự nghiệp sáng tác. Các hội chuyên ngành đã sử dụng nguồn kinh phí đó để mở trại sáng tác, tổ chức các chuyến đi thực tế cho văn nghệ sĩ, hỗ trợ các tác giả có kinh phí để hoàn thành và xuất bản tác phẩm. Triển lãm lần này thể hiện rõ sự quan tâm sâu sắc của Ðảng và Nhà nước, đồng thời thể hiện những nỗ lực bám sát thực tế cuộc sống, lao động sáng tạo hết mình của văn nghệ sĩ với mong muốn có nhiều tác phẩm tốt đóng góp xây dựng đời sống tinh thần của xã hội. Triển lãm trưng bày toàn diện tác phẩm của đủ các chuyên ngành văn học nghệ thuật được Nhà nước hỗ trợ  tại ba tầng tòa nhà lớn Trung tâm. Hội Mỹ thuật Việt Nam trưng bày 80 bức tranh, 20 tác phẩm điêu khắc và Tạp chí Mỹ thuật, sách viết về mỹ thuật. Hội kiến trúc sư Việt Nam trưng bày 10 bức ảnh đồ án kiến trúc một mô hình công trình kiến trúc cùng Tạp chí Kiến trúc, Tạp chí Nhà đẹp và sách viết về kiến trúc, Hội Nhà văn Việt Nam trưng bày 300 cuốn sách thuộc các thể loại văn, thơ, lý luận phê bình, văn học dịch cùng Tạp chí Nhà văn, Tạp chí Văn học nước ngoài, báo Văn nghệ, báo Văn nghệ Trẻ; Hội Sân khấu Việt Nam trưng bày mười áp-phích quảng cáo các vở kịch, 20 kịch bản (kịch nói, tuồng, chèo, cải lương) cùng Tạp chí Sân khấu và các công trình nghiên cứu lý luận; Hội Ðiện ảnh Việt Nam trưng bày mười áp-phích phim truyện, phim truyền hình, phim ngắn, 20 kịch bản phim cùng Tạp chí Ðiện ảnh Việt Nam và các công trình nghiên cứu; Hội Nhạc sĩ Việt Nam trưng bày 30 ca khúc (bản nhạc, đĩa, băng chương trình ca nhạc, ảnh các chương trình ca múa nhạc) cùng Tạp chí Âm nhạc; Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam trưng bày mười bức ảnh chụp các tiết mục biểu diễn  cùng Tạp chí Nhịp điệu; Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam trưng bày 30 công trình nghiên cứu, mười bức ảnh chụp các chương trình biểu diễn, một số băng đĩa, tư liệu về lễ hội, diễn xướng văn nghệ dân gian. Hội văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam trưng bày 20 bức ảnh về hoạt động của hội cùng Tạp chí Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam; Hội Văn học nghệ thuật  địa phương từ Thừa Thiên-Huế trở ra mỗi hội trưng bày 15 tác phẩm, riêng Thủ đô Hà Nội 50 tác phẩm.

 

Bên cạnh triển lãm văn học nghệ thuật nhiều ý nghĩa còn diễn ra Liên hoan múa không chuyên năm 2009. Ðây là hoạt động nhằm mục đích bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, góp phần gìn giữ nghệ thuật múa dân gian đặc sắc, tiêu biểu của các dân tộc, các vùng miền trên cả nước. Liên hoan cũng là dịp để các đoàn giao lưu, học hỏi lẫn nhau nhằm nâng cao trình độ, năng lực sáng tác, dàn dựng tiết mục múa của cán bộ chuyên môn ở cơ sở, đồng thời định hướng cho sự phát triển của bộ môn nghệ thuật múa trong phong trào văn nghệ quần chúng, từng bước đưa nghệ thuật múa ngày càng phát triển. Nội dung các tiết mục có chủ đề trong sáng, lành mạnh, ca ngợi Ðảng, Bác Hồ, tình yêu quê hương đất nước, tình yêu con người, tình yêu lao động. Thể loại gồm các tiết mục múa dân gian, dân tộc, múa hiện đại Việt Nam với hình thức múa đơn, múa đôi, múa ba người, múa tập thể. Hiện nay đã có 19 đoàn nghệ thuật quần chúng trong cả nước đăng ký tham gia liên hoan.

 

 

Theo Nhandan Online

 

Tệp đính kèm