Di sản có thể tiếp tục sống trong đời sống đương đại như thế nào? Những thách thức của di sản trong đời sống đương đại, những giải pháp để di sản có thể "sống", việc đưa các yếu tố đương đại vào các di sản văn hóa phi vật thể…
Đó là những nội dung mà cuộc tọa đàm mang tên “Để di sản sống lâu trong đời sống đương đại” vừa diễn ra tại Hà Nội. Cuộc tọa đàm không chỉ thu hút được sự quan tâm của những người yêu vốn văn hóa dân tộc mà còn là hồi chuông cảnh tỉnh việc bảo tồn di tích trong cuộc sống đương đại.
Di sản đang mai một
Quan họ ngày nay không còn kết nghĩa liền anh liền chị, tình cảm thiêng liêng ấy không còn nữa mà chỉ là những tiết mục biểu diễn. Lễ hội “bỏ mả” của người Tây Nguyên không thể khôi phục được. Cồng chiêng Tây Nguyên không thể hấp dẫn nếu không được cất lên giữa không gian văn hoá rừng núi, buôn làng của miền đất đỏ bazan… Trong khi, những không gian văn hoá ấy lại đang dần biến mất kéo theo nguy cơ di sản cũng sẽ chết. Đó là những thực trạng mà các nhà nghiên cứu văn hoá đang lo ngại cho rất nhiều di sản văn hoá của chúng ta.
Nhà văn Nguyên Ngọc- người say mê văn hoá Tây Nguyên đang đau đáu trước tình trạng rừng và buôn làng- không gian và cũng là mạch nhựa sống để nuôi dưỡng di sản văn hoá Tây Nguyên đang dần mất. Nhà văn cho biết: “Rừng xơ xác đến đau lòng, làng cũng không còn là làng xưa nữa. Trong khi, sử thi Tây Nguyên sinh ra, tồn tại, sinh sôi, ra hoa kết trái trong không gian đó, sử thi là con đẻ của không gian bí ẩn và thiêng liêng đó, không gian bị quét sạch thì sử thi chết”.
Tương tự như vậy, nhà văn cho rằng, ở Bắc Ninh, Bắc Giang, nếu nông thôn tiếp tục bị tàn phá bởi quá trình công nghiệp hoá, đô thị hoá xô bồ như hiện nay thì quan họ gốc cũng sẽ “chết”. Quan họ gốc, theo như nhà văn Nguyên Ngọc là quan họ hát chay của các bà các chị vừa đi cấy về, phủi chân ngồi vào chiếu và cất lên tiếng hát, “mộc mà tinh” chứ không phải là biểu diễn trước micro, đưa nón quai thao nhận tiền như hiện nay.
GS.TS Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội VNDG: “Thông qua công việc sưu tầm, nghiên cứu, chúng tôi lấy làm buồn mà nhận xét rằng nếu không cẩn thận, vốn di sản Văn hóa dân gian đã, đang và sẽ mai một ngày càng nhanh chóng; rằng, thay vì là một thực thể toàn vẹn thì nay nó đã vỡ ra thành những mảnh rời, không có liên kết chặt chẽ trong một hệ thống như xưa nữa.
Đưa di sản vào đời sống theo cách nào?
Phần đông các nhà nghiên cứu văn hóa đều cho rằng để di sản "sống" thì không được tách rời nó khỏi không gian văn hóa. Chẳng hạn như văn hóa cồng chiêng phải gắn với làng và rừng, hát lên đồng gắn với phủ, rối hầu thánh gắn với chùa..., hạn chế hình thức sân khấu hóa các di sản văn hoá phi vật thể. Ngoài ra cần có sự kết hợp đúng đắn giữa nhà nghiên cứu và các nhà quản lý để việc bảo tồn di sản được thực hiện hiệu quả và có chế độ, chính sách thích hợp nhằm khuyến khích bảo tồn di sản văn hóa trong cộng đồng nhân dân.
Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền đã chỉ ra khá cụ thể. Vấn đề mấu chốt của việc bảo vệ di sản là... tiền. Cơ quan quản lý văn hóa có chịu "chi" mạnh tay để thực hiện bảo vệ hay không. Bởi lẽ, những nghệ nhân hiện nay, dù rất hào hứng gìn giữ vốn di sản nhưng họ vẫn phải lo toan cho cuộc sống. Cho đến thời điểm này, có lẽ những người yêu văn hóa dân gian, ví như các nghệ nhân ca trù, cồng chiêng đang tìm mọi cách để đưa ca trù, cồng chiêng đi vào đời sống, nhưng họ không thể biểu diễn, truyền dạy "chay" mãi được. Các nghệ nhân, dù nhiệt tình đến mấy thì cũng bị chi phối bởi "cơm, áo, gạo, tiền". Khi công chúng chưa chủ động tìm đến nhiều các loại hình âm nhạc truyền thống để thưởng thức thì cơ quan quản lý nên có chính sách trả tiền cho các nghệ nhân, để họ yên tâm với công việc gìn giữ vốn văn hóa cổ mà không phải lo bỏ nghề để đi làm công việc khác.
GS Tô Ngọc Thanh- Chủ tịch Hội VNDG cũng cho rằng: “Không gian của di sản phải được xây dựng và giữ gìn bởi chính người dân. Nhưng cuộc sống hiện đại khiến những điều đó không còn được ý thức trong cộng đồng. Người dân Tây Nguyên bây giờ chỉ chăm lo cho rẫy cafe- thiết yếu với đời sống hàng ngày của họ. Phải làm sao để người dân thấy văn hoá, di sản văn hoá của cha ông là thiết thực, cần bảo vệ, giữ gìn và phát triển. Chúng tôi và quỹ Ford đã đầu tư để thực hiện rất nhiều chương trình phục dựng, bảo tồn như hát Dô ở Hà Tây, hát Xoan- Phú Thọ… Người dân rất nhiệt tình phối hợp và đã làm sống lại được nhiều di sản quý giá.”
Với tư cách là một cán bộ quản lý văn hóa của Cục Di sản, bà Lê Thị Minh Lý, Phó Cục trưởng Cục Di sản cho rằng, vấn đề sống còn của di sản hiện nay là do cộng đồng quyết định. Đối với mỗi loại hình di sản, cộng đồng thấy cái nào có lợi thì sẽ quyết định giữ. Bà Lý cũng cho rằng bảo tồn di sản không nên gắn vấn đề thương mại, du lịch vào, bởi như thế sẽ làm mất đi giá trị của chính di sản đó. Vấn đề bảo tồn hiện nay là phải nâng cao ý thức của cộng đồng bằng nhiều biện pháp, trong đó có giáo dục, tuyên truyền, bên cạnh đó là việc bảo vệ những "di sản sống" - các nghệ nhân. Công việc kiểm kê di sản để làm tư liệu mà nhiều nhà nghiên cứu đang làm hiện nay, dù là việc cần thiết nhưng không phải là biện pháp quan trọng nhất, bởi lẽ di sản luôn thay đổi theo thời gian. Bà Lý cho rằng "đừng nghĩ rằng di sản hôm qua là tốt còn hôm nay không tốt".
Theo Báo Giáo dục & Thời đại Online