Tối ngày 12.11, Festival Cồng chiêng quốc tế Tây Nguyên đã khai mạc tại Quảng trường 17/3, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai, với chủ đề: “Âm vang cồng chiêng và sức sống Tây Nguyên”.
Hơn 60 đoàn cồng chiêng thuộc 5 nước trong khu vực Đông Nam Á và 24 tỉnh, thành của Việt Nam (với 3.000 nghệ nhân) và hơn 20.000 người dân TP Pleiku tham dự. Chương trình khai mạc Festival Cồng chiêng quốc tế năm 2009 tại Gia Lai sẽ tập trung giới thiệu nét đặc sắc của văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, tái hiện dấu ấn lịch sử của tỉnh Gia Lai qua các thời kỳ phát triển. Những nội dung trên được thể hiện hoành tráng với sân khấu chính, sân khấu đại cảnh và nhiều sân khấu phụ. Kết thúc lễ khai mạc, 1.000 cồng chiêng đã kết thành hình Khuê Văn Các (Hà Nội) để hướng tới 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội và 15 phút bắn pháo hoa rực rỡ trên bầu trời.
Lễ hội cồng chiêng sẽ được diễn ra trong 4 ngày (từ ngày 12 - 15/11/2009) với chủ đề “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” đã thu hút hơn 3.000 du khách tham quan đến từ các tỉnh, thành trong nước và nước ngoài.
Ngoài ra, trong 4 ngày diễn ra lễ hội, cùng với các hoạt động nhằm tôn vinh giá trị không gian văn hóa cồng chiêng, nhiều hoạt động văn hóa đặc trưng của núi rừng như: Lễ phục dựng truyền thuyết gươm thần và lễ cầu mưa; Lễ đâm trâu mừng chiến thắng của người Bahnar; Lễ mừng lúa mới của người Jrai; Lễ Pơthi (bỏ mả); Thi tạc tượng, thi chỉnh chiêng...
Hiện nay, đóng góp vào kho tàng cồng chiêng Tây Nguyên, Gia Lai còn 5.655 bộ cồng chiêng, tăng hơn 500 bộ so với năm 2005. Như vậy, tính tới thời điểm này, Gia Lai là địa phương còn đang lưu giữ được nhiều cồng chiêng nhất so với các tỉnh bạn trong khu vực. Xã còn lưu giữ được nhiều cồng chiêng nhất tỉnh là xã La O, huyện La Grai hiện có 517 bộ cồng chiêng, trong đó có 202 bộ chiêng quý. Những bộ cồng chiêng được lưu giữ gần như nguyên vẹn về cấu trúc và âm thanh của dàn chiêng cổ.
.
Thể thao & Văn hóa Online