Cập nhật: 29/01/2010 21:47:22 Article Rating
Xem cỡ chữ

Sân khấu xã hội hóa nóng sàn tập với hàng loạt chương trình mới; Hài kịch không còn “độc tôn” vào dịp Tết mà còn có sự đua chen của chính kịch và cả bi kịch; Thêm nhiều điểm diễn sân khấu mới khai trương...

Những phép thử mới và cả những vở “độc chiêu” của từng sân khấu đã tạo cho sân khấu vào dịp Tết trở nên nhộn nhịp hơn hẳn mọi năm và dĩ nhiên khán giả sẽ có nhiều cơ hội để lựa chọn món ăn giải trí phù hợp với mình trong ngày đầu xuân.

 

Kịch Tết nóng sàn tập...

 

15 vở diễn mới đang được gấp rút hoàn thành trên sàn tập đã khiến sàn diễn của lực lượng sân khấu kịch nói xã hội hoá trở nên sôi động nhất. Có thể nói việc chuẩn bị cho “ra lò” những vở mới đã được các ông bầu, bà bầu chuẩn bị lên danh mục kịch và tính toán rất kỹ cho mùa diễn Tết, thậm chí nửa năm tới. Sớm nhất là 4 sân khấu của NSƯT Hồng Vân với lịch diễn đã lên rất chi tiết. Đạo diễn Thái Hòa đang dựng Lấy chồng cho vợ cho sân khấu kịch Phú Nhuận.

 

Đạo diễn Đoàn Khoa và NSƯT Hồng Vân đang cùng dàn dựng Giếng lạ cho điểm diễn sân khấu Nhà hát TP.HCM. Đạo diễn Thanh Sơn dựng Gái@yahoo.com, đạo diễn Trung Dân dựng Một ông, một bà cho sân khấu kịch Kim Châu. Với điểm diễn mới tại Superbowl nhắm tới phục vụ đối tượng khách du lịch vào mùa tết, bà bầu Hồng Vân tung ra chương trình Duyên Việt 1 mang chủ đề Hà Nội xưa được đạo diễn Đoàn Khoa dựng với một chương trình tạp kỹ tổng hợp có cả kịch nói, ca múa nhạc... và đặc biệt là vở kịch ngắn Người ngựa, ngựa người (theo truyện ngắn cùng tên của Nguyễn Công Hoan) sẽ được diễn bằng tiếng Anh.

 

Theo thông lệ hằng năm mỗi dịp xuân về Sân khấu Idecaf luôn có 4 vở mới ra mắt khán giả, ông bầu Huỳnh Anh Tuấn đã cho lên sàn 4 kịch bản mới của các tác giả Mỹ Dung, Lê Hoàng, Nguyễn Quốc, dàn dựng là các đạo diễn trẻ: Vũ Minh, Hùng Lâm, Hữu Châu. Ông bầu Huỳnh Anh Tuấn thông tin: “Sẽ có nhiều điều bất ngờ, thú vị dành cho khán giả trong các vở diễn mới này”. Đó là các vở: Con Tám, Con Cấm, Họng súng vô hình, Thuốc đắng giã tật, Vùng đất cấm... Lực lượng nghệ sĩ tên tuổi của Idecaf được huy động tổng lực với: NSƯT Thành Lộc, NSƯT Mỹ Duyên, Cát Phượng, Thanh Thủy, Đức Thịnh, Đại Nghĩa, Phi Phùng, Hữu Châu, Lê Khánh, Thânh Vân...

 

Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần cũng đang lên sàn: Hợp đồng cha nuôi (TG: Dũng Phạm, Đạo diễn Ngọc Tưởng), Đường vòng tình yêu (TG: Mỹ Dung, đạo diễn Thanh Hoàng). Sân khấu Kịch Sài Gòn sẽ ra mắt hai vở: Mua chồng (TG: Thanh Hương, đạo diễn Trần Minh Ngọc), Vũ nữ chân dài (đạo diễn Hoài Linh). Sân khấu Hoàng Thái Thanh sẽ khai trương ngay sau những ngày đầu Tết với vở Trần gian có mưa tại Nhà hát Thiếu nhi TP.HCM. Một trong những tâm điểm khiến giới sân khấu và khán giả chú ý đó là vở Xin lỗi, em chỉ là con đĩ tại Sân khấu Nhà hát Hòa Bình được Công ty V. Art đầu tư tới 3 tỷ đồng tiền kịch bản và dàn dựng.

Tại Hà Nội, sân khấu kịch xã hội hóa tại rạp Thanh niên của Đoàn kịch 2 Nhà hát Tuổi Trẻ do NSƯT Chí Trung làm Trưởng đoàn đã lên lịch diễn từ mùng 6 Tết Nguyên đán với chương trình hài kịch Tết với tên gọi Siêu thị cười vui. Chương trình quy tụ những tên tuổi nghệ sĩ hài như: NSƯT Chí Trung, Vân Dung, Đức Khuê... Điều thú vị là mỗi đêm diễn sẽ có 4 nhóm hài kịch khác nhau biểu diễn, khán giả sẽ có thể lựa chọn những “gói cười” khác nhau theo gu riêng về từng đề tài.

Sân khấu Tết năm nay hướng tới thị trường băng đĩa với một loạt đầu chương trình được phát hành như: Cười cái sự đời, Cả Ngố... Thị trường miền Nam các hãng sản xuất thiên về tấu hài, ca nhạc hài... thì miền Bắc lại dựng tiểu phẩm và phim hài.

 

Mới từ tư duy dựng vở

 

Khác với đổ xô dựng hài kịch vào dịp Tết đến thì năm nay nhìn vào dàn kịch mục biểu diễn của các đơn vị sân khấu đã cho thấy sự đổi mới tư duy ngay từ khâu lựa chọn kịch bản và đề tài. Chính kịch, kịch tâm lý, kịch lịch sử... đã lấn sân của hài kịch. Đáng mừng là xuất hiện nhiều vở kịch tâm lý xã hội về hạnh phúc gia đình, tình yêu đôi lứa cũng như khai thác những mặt tiêu cực của đời sống xã hội như tệ nạn tiêu cực, thói lười biếng thích ăn sẵn... Cuối năm 2009, Bộ VHTTDL đã liên tiếp tổ chức 4 đợt hội diễn thuộc các thể loại sân khấu: Kịch nói, cải lương, chèo, tuồng, kịch dân ca...

 

Đây là lý do khiến cho hầu khắp tất cả các đơn vị sân khấu trên cả nước đều có tác phẩm mới để diễn vào dịp tết này. Đây là những vở diễn được đầu tư kỹ lưỡng và quy tụ những tên tuổi nghệ sĩ sáng giá nhất của từng bộ môn sân khấu. Đi ngược dòng với “gu” dựng hài kịch theo thông lệ, lần này đạo diễn – NSND Lê Hùng cùng lúc dàn dựng hai vở bi kịch cổ điển của tác giả Henrick Ibsen người Na Uy cho hai nhà hát kịch: Nhà hát Kịch Việt Nam với Con vịt trời, Nhà hát Tuổi Trẻ với Brand.

 

Sự phong phú về thể loại, đa dạng về đề tài... tất cả dẫn tới người có lợi nhất là khán giả. Bởi lẽ mùa tết năm nay ngoài những tác phẩm hay có chất lượng tại các kỳ hội diễn, người xem còn có cơ hội để thưởng thức những món hàng “độc chiêu” từ các sân khấu lớn cho tới những sân khấu mới. Sự ra đời của nhiều sân khấu cũng như nhiều tác phẩm sẽ làm tăng tính cạnh tranh lành mạnh đối với các đơn vị sân khấu. Vấn đề đặt ra là ngoài những khâu tiếp thị, quảng cáo và cả sự mới mẻ trong các phép thử về tổ chức biểu diễn cũng như lựa chọn kịch mục thì việc tạo được uy tín cho thương hiệu của từng sân khấu lại phụ thuộc vào chất lượng nghệ thuật khi vở công diễn. Điều này thì còn chờ vào hiệu ứng của khán giả đối với từng vở.

 

 

Theo Báo VanHoa Online

Tệp đính kèm