Cập nhật: 17/02/2010 16:16:41 Article Rating
Xem cỡ chữ

Sau Tết Nguyên đán, cũng là lúc khắp nơi trên đất nước ta bước vào mùa lễ hội thu hút hàng triệu người nô nức trảy hội.

Ðây là dịp để mỗi người dân đất Việt hướng về cội nguồn, tưởng nhớ, tôn vinh các bậc hiền tài có công dựng nước và giữ nước, những người có nhiều đóng góp với cộng đồng, dân tộc, được suy tôn và cả các đấng thần linh giúp con người hướng về điều thiện, nhân lên trong họ niềm tin về những điều nhân ái trong cuộc sống.

 

Lễ hội mùa xuân còn là không gian cần thiết để lưu giữ những giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống tồn tại trong dân gian, và là nơi tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, thể thao mang tính cộng đồng, góp phần giải tỏa những căng thẳng sau một năm làm việc vất vả.

 

Tuy nhiên, bên cạnh những lễ hội lớn mang tính liên vùng và có tầm ảnh hưởng rộng, được tổ chức một cách bài bản, có kế hoạch và sự quản lý chặt chẽ của địa phương cùng các cơ quan chức năng, vẫn còn nhiều lễ hội từ nhiều năm nay việc tổ chức gây không ít bức xúc trong  dư luận xã hội.  Trước  hết  là  công  tác tổ chức lễ hộiở nhiều nơi còn lộn xộn, chỉ chú trọng thu tiền mà chưa quan tâm đến chất lượng lễ hội. Có những lễ hội trình diễn quan họ của vùng đất Kinh Bắc xưa, kể cả hội làng và hội tỉnh hằng năm vẫn còn tình trạng để không gian "chợ búa", thương mại lấn át không gian trình diễn nghệ thuật truyền thống. Nhiều loại hình diễn xướng, thể thao, trò chơi dân gian bị mai một hoặc biến tướng không còn như trước. Các sòng bạc trá hình dưới hình thức vui chơi có thưởng cùng những chiếu bạc tồn tại công khai, trong khi các cơ quan chức năng buông lỏng quản lý. Ðó là chưa kể đến việc bung ra các tệ nạn mê tín, bói toán, hầu đồng, dị đoan, với những kẻ "cò mồi" ăn theo lễ hội, làm mất đi vẻ đẹp văn hóa thuần khiết và ý nghĩa tâm linh thiêng liêng. Bên cạnh đó, việc thu tiền lễ hội với giá cao, cùng đủ loại phí dịch vụ như dựng lều bán hàng, trông xe,... tạo ấn tượng không tốt, làm phiền lòng du khách và người hành hương dự hội đầu Xuân. Từ thực tế này các ban tổ chức lễ hội và chính quyền các địa phương nơi tổ chức lễ hội cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý, nâng cao chất lượng công tác tổ chức lễ hội; quan tâm hơn việc giữ gìn môi trường lễ hội lành mạnh: từ việc bố trí, sắp xếp hợp lý những không gian hoạt động của lễ hội và các dịch vụ cho đến kiểm soát chặt chẽ vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm, phòng, chống cháy, nổ. Phối hợp các cơ quan chức năng địa phương thường xuyên rà soát, nắm vững địa bàn để có hình thức xử lý nghiêm khắc các hành vi lợi dụng lễ hội để "buôn thần, bán thánh", lừa bịp du khách. Cần giữ gìn các giá trị văn hóa lễ hội tốt đẹp, mang bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời khôi phục lễ hội nhưng phải biết "gạn đục, khơi trong" những điều gì nên giữ và điều gì nên bỏ.

 

 

Theo NDOnline

Tệp đính kèm