Cập nhật: 25/04/2010 22:33:45 Article Rating
Xem cỡ chữ

Ðây là một vấn đề không mới, đã được bàn nhiều từ rất lâu. Ngay từ những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất quan tâm việc phải làm như thế nào để tiếng Việt của chúng ta ngày thêm đẹp hơn, phong phú hơn, hiện đại hơn. Và cố Thủ tướng Phạm Văn Ðồng cũng là một tấm gương sáng về việc gìn giữ tiếng nói, chữ viết của dân tộc.

Báo chí đã nhắc nhiều đến việc lạm dụng tiếng nước ngoài trong khi sử dụng ngôn ngữ nói hoặc viết. Chẳng hạn, với thuật ngữ công nghệ thông tin, các danh từ như mail, forum, website,... thường được sử dụng, thay vì dùng từ tương ứng trong tiếng Việt là thư, diễn đàn, trang điện tử; những động từ như search, post, join, register,... được dùng mà không phải là tìm kiếm, gửi, gia nhập, ghi tên... Giải trí và thể thao là hai lĩnh vực mà ở đó, mật độ xuất hiện các từ ngữ như thế khá phổ biến. Như sử dụng scandal thay cho bê bối, fair play thay cho chơi đẹp, knock out thay vì đánh gục, v.v. Người đọc là thanh niên thì còn đỡ, với người cao tuổi, người không biết ngoại ngữ, nhiều khi lật trang báo mà không biết nên đọc như thế nào, không hiểu ý nghĩa ra sao. Khi nghe đài, xem truyền hình, cũng một từ mà có phát thanh viên đọc thế này, có phát thanh viên lại đọc thế khác. Trong cuộc sống, không phải ai cũng giỏi ngoại ngữ đủ để nhận biết phát âm đúng hay sai. Dần dần, nghe và đọc mãi thành quen, một thói quen mà dường như ít quan tâm đến tính chuẩn xác.

 

Tiếng lóng cũng là một vấn đề được nhiều người quan tâm. Có tiếng lóng chỉ sử dụng trong phạm vi hẹp, giữa những người cùng chung một ngành nghề, một lĩnh vực nào đó, lại có tiếng lóng đã thông dụng. Nhưng lối nói lóng kiểu "phan đình giót" (rót rượu), "cao bằng" (rượu trong mỗi chén đều nhau), "bắc cạn" (uống hết rượu trong chén) thì cần xem xét, vì đó có thể là sự xúc phạm. Cách đây vài năm, ở các thành phố, lại thấy xuất hiện tiếng lóng của thanh thiếu niên. Hiện tượng này đã gặp không ít ý kiến phản đối, nhất là khi trên mấy diễn đàn, một số bạn trẻ 8X cho rằng, phải dùng tiếng lóng mới gọi là "sành điệu". Thế hệ 8X và 9X (cách gọi thông thường hiện nay đối với những người sinh từ năm 1980 đến 1989 và từ năm 1990 đến 1999) đã tạo nên những khác biệt không chỉ trong ngôn ngữ nói mà cả trong ngôn ngữ viết. Họ rút gọn câu, sử dụng những chữ cái, con số thay thế cho chữ cái khác trong câu. Dù dư luận đã lên tiếng phê phán nhưng tình hình ít biến chuyển. Bởi người sử dụng đã có các cách thức khác nhau để duy trì sự tồn tại, đẩy mạnh tốc độ phổ biến của lối viết này như qua chat (trò chuyện qua mạng), comment (bình luận) ở các forum (diễn đàn), blog (nhật ký trên mạng), các trang liên kết xã hội, sms (tin nhắn qua điện thoại di động)... Tình trạng kể trên đã phổ biến đến mức, chỉ cần đọc là biết tác giả ở trong độ tuổi nào. Thậm chí, một số người lớn tuổi hơn cũng sử dụng loại ngôn ngữ này để được coi là "sành điệu"! Rồi là tình trạng sai chính tả, mắc lỗi trong diễn đạt cũng có nguy cơ lan rộng, và dường như có một số tờ báo ít quan tâm vấn đề này. Khi mà có thể sử dụng từ điển tiếng Việt để bảo đảm sự chính xác thì vẫn cứ gặp lỗi đánh máy văn bản, lỗi do "nói ngọng" nên đã chuyển từ ngôn ngữ nói sang ngôn ngữ viết, hoặc lỗi do ảnh hưởng từ cách diễn đạt của ngôn ngữ nước ngoài, v.v.

 

Ngôn ngữ là tài sản văn hóa quý giá và gắn liền với lịch sử phát triển của mỗi dân tộc. Ngôn ngữ là một biểu thị của một nền văn hóa có bản sắc riêng, là yếu tố để chúng ta ý thức được mình là người Việt Nam, không phải là người nước ngoài. Giữ gìn sự trong sáng và làm cho tiếng Việt ngày càng phong phú, sinh động hơn luôn là việc làm cần thiết. Ðó vừa là hành vi văn hóa của mỗi người, vừa là thái độ trân trọng một tinh hoa văn hóa mà cha ông đã trao lại.

 

 

Theo NDOnline

Tệp đính kèm