Một tư duy sáng tạo vượt ra ngoài khuôn khổ vì trái tim dành cho Đảng và dân. Đó là nội dung xuyên suốt 50 tập phim “Bí thư Tỉnh ủy” xuất phát từ ý đồ của nhà văn Thùy Linh và đạo diễn Trần Quốc Trọng đã dành nhiều tâm huyết để làm bộ phim sẽ được trình chiếu vào tháng 9 này.
Bộ phim tái hiện lại một thời kỳ lịch sử những năm 1960 và thập niên những năm 70. Đây cũng là thời kỳ Mỹ tăng cường ném bom ra miền Bắc Việt Nam. Phước Vĩnh là một tỉnh nối liền giữa biên giới và đồng bằng, có đường tàu hỏa chạy qua là huyết mạch chuyên trở hàng hóa viện trợ cho chiến trường nên thường xuyên phải chống trả với máy bay Mỹ, vừa phải chăm lo sản xuất. Hai nhiệm vụ đều vô cùng nặng nề, quan trọng.
Sản xuất thóc gạo lúc này không những để nuôi sống những người hậu phương mà còn cung cấp lương thực cho tiền tuyến. Vậy mà liên tiếp nhiều vụ mùa của địa phương toàn tỉnh, năng suất liên tục giảm, nguy cơ thiếu đói. Khi đó, mô hình HTX cấp cao đưa vào vận hành đã bộc lộ những hạn chế khiến cơ chế quan liêu bao cấp trở thành vật cản, không khuyến khích nông dân tăng năng suất lao động, tạo ra một lớp người lười biếng, thụ động, ăn sẵn ngồi chờ… Thêm nữa, một số cán bộ cứng nhắc, chỉ biết nghe và làm theo đường lối một cách máy móc, không chịu bám sát thực tế đời sống nông dân để thay đổi nhận thức mà còn là sự cản trở cho những việc làm của những người có trách nhiệm.
Nắm bắt được thực trạng đó, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Kim đã cùng các đồng chí của ông bám sát và đi sâu tìm hiểu thực tế của người nông dân. Khi đó, một vài HTX khoán ruộng cho nông dân làm vụ xen canh. Thấy có kết quả, ông Kim cùng mọi người nỗ lực tìm hiểu, thấy phương thức khoán đó huy động được sức người sức của khiến năng suất tăng vọt bèn bàn với Ban thường vụ và Ban nông nghiệp tỉnh và cho làm thí điểm ở một số HTX. Đồng thời ông cũng chỉ đạo việc kiện toàn lại bộ máy Ban quản trị của các HTX. Từ xuất phát điểm đó , bí thư Hoàng Kim cùng Tỉnh ủy ra Nghị quyết 86 của Ban thường vụ về một số vấn đề quản lý lao động nông nghiệp trong các HTX. Đây là một Nghị quyết đã dành được sự ủng hộ rất cao của Ban thường vụ Tỉnh ủy và các huyện ủy viên.
Việc làm của nông dân tỉnh Phước Vĩnh đã gây xôn xao và vang đến tận Trung ương với nhiều dư luận trái chiều, phần lớn là không đồng tình vì cho đó là đi ngược lại với đường lối của Đảng và Nhà nước trên con đường tập thể hóa XHCN. Bất chấp sự phản đối của một số người trong Ban thường vụ và trong tổ phái viên Trung ương đang công tác ở Phước Vĩnh, kể cả uy tín của mình với cấp trên, bí thư Tỉnh ủy Hoàng Kim vẫn kiên quyết thực hiện bằng được việc ông và các đồng chí của mình cho là đúng đắn. Ông hiểu chỉ có con đường thực hiện khoán hộ cho gia đình thì mới có thể vực dậy nền sản xuất nông nghiệp đang bị đình trệ đem lại đời sống no ấm cho người dân. Sự kiên quyết của ông đã phải trả giá đắt bằng sức khỏe luôn đau yếu và một bản kiểm điểm vì làm sai đường lối của Đảng nhưng điều đó không làm bí thư Hoàng Kim nhụt trí và thất vọng.
Hai năm sau ngày về hưu, bí thư Tỉnh ủy Hoàng Kim đã mất trong một cơn bạo bệnh, một căn bệnh âm ỉ mà khi xưa ông không có thời gian chăm sóc cho bản thân, đã quật ngã ông. Đưa tiễn ông về nơi vĩnh hằng là những người đồng chí luôn sát cánh bên ông và cả hàng nghìn, hàng nghìn nông dân đã mắc nợ ông và coi ông như một người anh hùng đã giúp họ thoát được cảnh nghèo đói. Ông mất đi nhưng những gì ông đã làm và để lại hậu thế thì vẫn còn sống mãi mà đỉnh điểm là Khoán 10 lịch sử đã làm thay đổi vận mệnh đất nước.
Nhân vật Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Kim được lấy từ nguyên mẫu cố bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc, một đảng viên, một bí thư ưu tú của Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Phúc.
Chia sẻ về bộ phim rất nhiều tâm huyết, đạo diễn Trần Quốc Trọng tâm sự: “Khi tìm hiểu về nhân vật Kim Ngọc, tôi thấy rất thú vị. Đây là một đề tài nhạy cảm bị lãng quên từ nhiều năm. Bộ phim nói về một con người vì Đảng vì dân có thể hy sinh tất cả. Sau một thời gian chúng ta nhìn nhận lại một cách bình tĩnh, khách quan sự ấu trĩ, nhận biết nhân sinh quan, thế giới và một cách khô cứng, giáo điều, kéo lùi lại bước tiến của xã hội hơn 20 năm. Mọi người hiểu ra cụ Kim Ngọc có công như thế nào, là cha đẻ cho một chế độ khoán. Đó là một bước phát triển bất ngờ, táo bạo và đi tới thành công”.
Khi dựng lại toàn bộ những cảnh xưa cũ, đoàn làm phim đã gặp rất nhiều khó khăn, phức tạp. Sau một tháng vật lộn đi tìm cảnh quay, đoàn làm phim đã quyết định chọn quay ở Vĩnh Phúc. Vì bối cảnh đã quá xưa cũ nên dựng lại rất khó, đoàn làm phim đã phải làm lại hoàn toàn, tìm nhà cũ, dở bỏ đồ mới thay thế đồ cũ cho phù hợp với cảnh phim. Rồi đến những vật dụng quá cổ như : áo tơi, vỏ phích… tìm được để quay cũng rất khó. Suốt một tháng đoàn mới tìm được một bối cảnh ưng ý. Nhiều cảnh quay bị gián đoạn mất hàng tháng. Nhờ khoán hộ của cụ Kim Ngọc, lúa trổ đồng, buổi sáng bà con gặt nhanh, đoàn làm phim phải “đuổi theo” để quay cho kịp. Nhiều gia đình gặt đêm vì thời tiết oi bức, đoàn làm phim lại phải thuê lúa của bà con để quay trước cảnh đình Tam Dương.
Không chỉ phục dựng lại toàn bộ về cảnh, cái gì cũng phải xưa cũ, phải thật, phải đúng với thời kỳ đó mà đoàn làm phim phải bỏ tiền ra may hàng trăm bộ quần áo cho nông dân, có những cảnh không đủ phải tận dụng quần áo cũ của bà con.
Khó khăn nhất là đội ngũ diễn viên. Hầu hết cả ê kíp đoàn làm phim phải ở lại tỉnh một năm để hoàn thành bộ phim. Nhiều diễn viên nổi tiếng tham gia đóng phim: diễn viên Dũng Nhi trong vai Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Kim; Nghệ sĩ ưu tú Minh Châu trong vai bà Thường- trưởng ban kiểm tra tỉnh ủy; NSUT Mai Hoa trong vai Chi - bí thư huyện ủy; NSUT Lan Hương trong vai bà Lê - vợ Bí thư Hoàng Kim; NSUT Đức Trung trong vai ông Ân - phái viên Chính phủ… đã nỗ lực hết mình hóa vai vào vai diễn. Nhiều vai trong phim phải đòi hỏi diễn viên từng trải, có kinh nghiệm vì bộ phim tái hiện lại thời kỳ bao cấp, đòi hỏi phải sống qua, trải qua. Các diễn viên đã không ngừng tìm tòi, học hỏi để hóa thân. Ngoài ra, đoàn làm phim còn nhờ các diễn viên ở đoàn Chèo Vĩnh Phúc, trung tâm văn hóa tỉnh, đội văn nghệ ở các huyện, sinh viên, các diễn viên nghiệp dư… tham gia. Riêng cảnh đám tang trong phim đã huy động tới 500 người.
Với quy mô hoành tráng, đây là một bộ phim truyện thuộc dòng phim chính luận, được Đài truyền hình Việt Nam đầu tư kinh phí, đoàn làm phim đã nỗ lực hoàn thành để cống hiến cho khản giả những thước phim hay nhất. Điều đáng nói nhất là nhân cách một con người ở một thời kỳ khó khăn, nhiều sức ép mà dũng cảm đối mặt, thậm chí đánh đổi sinh mạng chính trị của mình đem lại lợi ích cho dân, cứu hàng triệu người khỏi cảnh chết đói… Đó là sức hấp dẫn và đặc sắc mà bộ phim “Bí thư tỉnh ủy” đem lại cho khán giả!
Theo Báo VinhPhuc Online