Cập nhật: 07/10/2010 16:43:49 Article Rating
Xem cỡ chữ

Người dân xã Đức Bác, huyện Sông Lô (Vĩnh Phúc) có tục hát trống quân từ bao đời nay. Nhưng những làn điệu gắn liền với lễ hội Cầu Đinh này đang có nguy cơ trở thành hoài cổ

 

Nguyên do các làn điệu trống quân có nguy cơ mai một là bởi các nghệ nhân kỳ cựu như các cụ Nguyễn Văn Phấn, Triệu Thị Chĩ... đã bước vào cái tuổi “bát thập cổ lai hy” rồi mà vẫn chưa tìm được ai trong số lớp trẻ của quê hương có niềm đam mê hát trống quân để truyền lại.

 

Lễ đón rước bằng âm nhạc

 

Hát trống quân Đức Bác ra đời từ những huyền tích ở một trận lũ dữ trên sông Lô thuở xưa đã lấy đi một phần đất thuộc xã Đức Bác cắt sang xã Phù Ninh, huyện Phù Ninh (Phú Thọ). Đồng thời, nước cao, sóng lớn cũng nhấn chìm cô con gái cả của Vua Hùng cùng với bốn thôn nữ đang độ tuổi trăng tròn tại khúc sông này.

 

Câu chuyện tiếp theo kể về một em bé được mẹ sinh ra trong giấc mộng, lớn lên tự xưng là Nương công chúa và theo Hai Bà Trưng đi đánh giặc. Thắng giặc trở về, cô hoá trên phần đất của Đức Bác. Thấy thiêng quá, người dân đã sang bên Phù Ninh xin tên nàng về lập đền thờ.

 

Từ những tích đó, hai xã đã có quan hệ nước nghĩa, để hàng năm người Đức Bác đón người Phù Ninh qua sông làm lễ tế thờ Tứ Vị cô nương và đặt tên là Hội khai xuân Cầu Đinh (hay còn gọi là hát trống quân Đức Bác) diễn ra 3 ngày đầu tháng Giêng hàng năm.

 

Làn điệu trống quân ở đây có khác đôi chút so với hát trống quân của một số vùng quê đồng bằng Bắc bộ là nó nằm trong nghi lễ, cùng lối diễn xướng kết hợp giữa hát và múa. Tuy trống quân dùng hơi ít, nhưng họ vẫn sử dụng để dẫn theo phách đệm.

 

Ông Bùi Anh Dũng, cán bộ phụ trách văn hoá xã Đức Bác tự hào rằng: “Hát trống quân của quê hương tôi là một cuộc diễu hành nghệ thuật trao duyên mà không gian toàn bộ bằng lời hát đối ứng của 3 nam (kép) người Đức Bác và 3 nữ (đào) người Phù Ninh. Do lễ đón rước bằng âm nhạc nên điệu hát và tiếng trống luôn phải hoà quyện mượt mà, chặt chẽ với nhau. Bởi thế, trong cái triền miên những khúc trao tình ấy, người ta vẫn nhận ra kết cấu cuộc hội ngộ bằng những câu hát đối đáp có nội dung khác nhau ở mỗi chặng như: “Đi đâu từ sớm đến giờ/ Để cho anh đợi, anh chờ, anh mong/ Bên em còn dở hội chùa/ Cho nên em phải sang trưa thế này”. Và sau mỗi khúc hát của đào hay kép đều được đệm bằng câu hát “kia hợi a trống quân” giống như sự khẳng định nguồn cội, sự phân chia tuần tự mà không bị đứt quãng giữa đôi bên.

 

Mất tiếng vì phải lấy hơi dài

 

Tự hào là thế, song hát trống quân Đức Bác từ xưa đến nay luôn ở trong tình trạng không được “thuận chèo mát mái”, đàn phách lúc tưng bừng, lúc lặng câm. Bởi đền thờ Tứ Vị cô nương năm 1947 đã bị thực dân Pháp tàn phá, làm cho người dân không còn nơi thờ tự mới dẫn đến làn điệu này dần trôi vào quên lãng. Cũng may, đến năm 2002, khi Viện Âm nhạc Việt Nam về để tìm hiểu và phục dựng diễn tiến Hội khai xuân Cầu Đinh thì bà con mới tiếp tục được nghe những khúc ân tình, đưa đẩy ấy.

 

Tuy hát trống quân đã hồi sinh trong đời sống tinh thần người dân nơi đây, nhưng khổ cái lớp trẻ của địa phương hôm nay lại không mấy mặn mà với nó. Vì thế, cái cảnh một số nghệ nhân cao tuổi có cố chuyển giao cho con cháu giữ gìn, phát huy nét văn hoá đặc sắc của quê hương thì cũng bị mất tiếng vì phải lấy hơi dài... nên hát trống quân Đức Bác lúc này cũng chỉ đang trong tình trạng thoi thóp... thở mà thôi.

 

Nghệ nhân Nguyễn Văn Phấn (93 tuổi) giãi bày: Hát trống quân Đức Bác hiện giờ chỉ được lớp già của quê hương chép lại từ trong trí nhớ. Bởi thế, tôi sợ rằng và một thời gian không xa nữa, điệu hát này sẽ bị thất truyền. Các cụ Triệu Thị Dung, Triệu Thị Chĩ là thế hệ một lòng theo đuổi làn điệu trống quân mà khi sắp đến lúc phải “gần đất xa trời” cũng chỉ biết ngồi với nhau để than thở: “Thôi thì đã là cuối đời rồi, còn sức thì vẫn hát vì chí ít nó gợi cho mình hướng về lịch sử, nguồn cội. Lớp trẻ bây giờ lo đi làm kinh tế cả, nào có ai để ý gìn giữ những cái tinh túy của cha ông để lại đâu. Cho nên, trong các cuộc liên hoan văn nghệ quần chúng xã nhà, dân ca ngày một ít hơn tân nhạc. Hát trống quân tốt, ngày trước có 6 người, bây giờ chỉ còn 3, và rồi chẳng bao lâu nữa tất cả sẽ vắng bóng trên cõi đời này vì tụi mình đã già cả rồi. Mong mỏi mãi vẫn không tìm thấy lớp kế thừa, cứ để nó mai một và mất dần đi nét văn hóa này thì thật tiếc”.

 

Hát trống quân Đức Bác tương lai sẽ đi về đâu? Câu hỏi ấy như chiếc lưỡi câu ngoắc vào tâm trí những nghệ nhân nơi đây khi họ đã bước vào cái tuổi “xưa nay hiếm”. Một phần do bị “đói kinh phí”, phần nữa là sự thờ ơ của lớp trẻ nên đã dẫn đến những khúc hát triền miên trao tình ấy đang cùng chung số phận “hẩm hiu” với nhiều loại hình diễn xướng văn nghệ dân gian mang đậm tính cộng đồng làng xã dày đặc trên địa bàn như: Hát ví, hát ống, hát ru, hát chèo...

 

Chúng tôi hy vọng rằng, trong thời gian tới, các cấp chính quyền địa phương sẽ tìm ra được biện pháp bảo tồn để cho hát trống quân Đức Bác khỏi bị thất truyền trong đời sống hôm nay và mai sau./.

 

 

Theo  vovnews.vn

Tệp đính kèm