Việc bảo tồn và quảng bá giá trị Hội Gióng đã được xác định trong một kế hoạch hành động của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các cơ quan liên quan.
Ngày 16/11/2010, UESCO đã công nhận Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc của Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Quyết định này đã nâng Hội Gióng lên tầm thế giới ở khía cạnh một lễ hội "độc nhất vô nhị" ở vùng châu thổ Bắc Bộ, có nhiều giá trị văn hóa, lịch sử và cộng đồng giữ vai trò chủ thể trong Hội Gióng, từ việc tổ chức lễ hội cho đến bảo tồn lễ hội từ xưa đến nay.
Việc bảo tồn và quảng bá Hội Gióng đã được xác định trong một kế hoạch hành động của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các cơ quan liên quan công bố tại cuộc họp báo chiều qua (30/11).
Trước hết, không gian của di sản Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc được xác định gồm vùng trung tâm và vùng lan tỏa. Vùng trung tâm là 2 địa điểm: Hội Gióng ở đền Phù Đổng, nơi sinh của Thánh Gióng và Hội Gióng ở đền Sóc, nơi hóa thân của người anh hùng theo huyền thoại.
Vùng lan tỏa gồm lễ hội thờ Thánh Gióng ở các làng Đặng Xá, Lệ Chi (huyện Gia Lâm); các làng Phù Lỗ Đoài, Thanh Nhàn, Xuân Lai (huyện Sóc Sơn); Sơn Du, Cán Khê, Đống Đồ (huyện Đông Anh); Xuân Tảo (huyện Từ Liêm); Đông Bộ Đầu (huyện Thường Tín); làng Hội Xá (Quận Long Biên) TP Hà Nội.
Các cơ quan liên quan và TP Hà Nội đã nêu một kế hoạch hành động phong phú để bảo tồn di sản Hội Gióng.
Theo đó, Hội Gióng cần được tuyên truyền, quảng bá rộng rãi để nâng cao nhận thức của cộng đồng về giá trị của di sản, từ đó họ thêm niềm tự hào và lòng quyết tâm bảo vệ, phát huy giá trị di sản. Hoàn thiện kết quả kiểm kê khoa học Hội Gióng cập nhật hàng năm. Tiếp tục kiểm kê khoa học về lễ hội phụng thờ Thánh Gióng ở các vùng còn lại ở Hà Nội và vùng phụ cận.
Lập danh sách những người thực hành lễ hội, xây dựng chính sách ưu đãi với người thực hành lễ hội. Sử dụng công nghệ thông tin trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu khoa học về Hội Gióng ở các làng liên quan phục vụ công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản. Sưu tập, phân loại, dịch ra tiếng Việt các văn bia, thần tích, sắc phong, câu đối liên quan đến Thánh Gióng ở các làng để lưu trữ và phục vụ cho việc tiếp cận của cộng đồng đối với các tư liệu về Hội Gióng.
Nhà nước hỗ trợ, tạo mọi điều kiện cho Ban Quản lý Bảo vệ Di tích lịch sử đền Phù Đổng, Trung tâm Du lịch di tích đền Sóc hoạt động, đồng thời ngăn ngừa xu hướng thương mại hóa, sân khấu hóa lễ hội. Hỗ trợ cộng đồng phục hồi đầy đủ Hội Gióng ở các làng Phù Lỗ, Thanh Nhàn, Xuân Lai (huyện Sóc Sơn); Sơn Du , Cán Khê, Đống Đồ (huyện Đông Anh); Xuân Tảo (huyện Từ Liêm); Đông Bộ Đầu (huyện Thường Tín).vv... Hỗ trợ cộng đồng tổ chức tự quản lý, thực hiện các chương trình tập luyện thực hành nghi lễ. Bảo tồn, tôn tạo những di sản vật thể ở đền Phù Đổng và đền Sóc và các di tích liên quan. Tư liệu hóa các điệu múa, bài hát của phường Ải Lao.
Thành lập câu lạc bộ các làng thờ tự Thánh Gióng trên cơ sở các Ban khánh tiết ở các làng hiện nay. Đổi mới hoạt động của Trung tâm Du lịch Di tích đền Sóc của huyện Sóc Sơn; Củng cố, nâng cấp Ban Quản lý bảo vệ di tích lịch sử văn hóa đền Phù Đổng của huyện Gia Lâm và các ban quản lý di tích các đền thờ Thánh Gióng ở các làng còn lại.
Ngoài các nhiệm vụ trên, kế hoạch hành động cũng đề cập việc cải tiến và nâng cao chất lượng các giờ dạy về truyền thuyết Thánh Gióng gắn kết với Hội Gióng; mở chuyên mục định kỳ trên Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội từ tháng Giêng đến hết tháng 4 Âm lịch hàng năm để quảng bá Hội Gióng; Khuyến khích và hỗ trợ cộng đồng xây dựng trang Web riêng về Hội Gióng./.
Theo Chinhphu.vn