Cập nhật: 07/12/2010 16:28:27 Article Rating
Xem cỡ chữ

Ở nước ta Làng chỉ được hình thành sau khi có một cộng đồng dân cư nhất định cư trú và sinh sống. Nhưng Làng văn hóa - du lịch các dân tộc Việt Nam lại được hình thành bằng những ý tưởng, các dự án, rồi các quyết định, trước khi có dân. Vì thế làm thế nào để có dân và phát triển theo thế bền vững và có hiệu quả đang được đặt ra như một vấn đề khá bức thiết.

Làng văn hóa - du lịch các dân tộc Việt Nam được khởi công xây dựng đến nay đã hơn 10 năm. Làng nằm dưới chân núi Ba Vì, cách trung tâm Thủ đô Hà Nội khoảng hơn nửa giờ đi bằng ôtô. Vị thế của làng được xác định là trung tâm hoạt động giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch tầm cỡ quốc gia, là nơi tập trung tái hiện, giữ gìn phát huy và khai thác các di sản văn hóa truyền thống, đặc sắc nhất của 54 dân tộc anh em; đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, hoạt động văn hóa thể thao của nhân dân trong nước và khách quốc tế. Đây cũng là địa điểm giới thiệu các giá trị văn hóa nổi tiếng của nhân loại, nơi giao lưu trao đổi văn hóa Việt Nam với các quốc gia, các nền văn hóa thế giới. Sau khi Làng đi vào hoạt động, sẽ là điểm hấp dẫn du khách trong nước và nước ngoài, là “ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc anh em Việt Nam để phát huy bản sắc văn hóa Việt Nam trong thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển của đất nước.

 

Theo Quyết định 540/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch đầu tư phát triển Làng văn hóa –du lịch các dân tộc Việt Nam đến năm 2015, chia làm hai giai đoạn: Giai đoạn 1 (2008- 2010): Hoàn thành xây dựng 34/54 làng dân tộc, thuộc Khu các làng dân tộc, Dự án Hạ tầng kỹ thuật chung và khai trương Làng văn hóa – du lịch các dân tộc Việt Nam vào năm 2010; Giai đoạn 2 (2010-2015): hoàn thành toàn bộ Làng văn hóa –Du lịch các dân tộc Việt Nam. Đến giữa năm 2010 Làng văn hóa – du lịch các dân tộc Việt Nam đã xây dựng xong 43/54 làng các dân tộc, hoàn thành cơ bản không gian của 54 dân tộc. Trong quá trình xây dựng các làng, Ban quản lý đã tổ chức nhiều cuộc họp, hội thảo với sự tham gia của các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành và đặc biệt là sự tham gia đóng góp ý kiến của chính các già làng, trưởng bản, của đồng bào các dân tộc, các nghệ nhân và các cơ quan, các ban ngành có liên quan...qua một quy trình khá chặt chẽ tỉ mỉ. Sau khi thực hiện việc dân chủ lấy ý kiến của đông đảo các tầng lớp nhân dân nhất là đồng bào các dân tộc và tạo được sự đồng thuận về mẫu nhà, công trình kiến trúc, chi tiết kiến trúc không gian của từng dân tộc, Ban quản lý đã mời chính đồng bào của các dân tộc đó tham gia xây dựng để đảm bảo tính chính xác, chân thực của các công trình... Với hy vọng rằng, khi các Làng văn hóa-du lịch các dân tộc Việt Nam chính thức đi vào hoạt động thì chính đồng bào các dân tộc sẽ là chủ thể để tự giới thiệu về phong tục tập quán từ tổ chức sản xuất đến mọi nề nếp sinh hoạt nhất là sinh hoạt văn hóa của cộng đồng trong mỗi làng nói chung, mỗi gia đình nói riêng.

 

Phải công nhận rằng công trình kiến trúc mỗi căn nhà trong Làng là rất đẹp, rất chân thực lại phù hợp với không gian vùng bán sơn địa của đồng bào các dân tộc có núi non, sông nước...tuy nhiên khi hỏi chuyện một số đồng bào đân tộc thiểu số trên mọi miền đất nước về dự mấy ngày lễ hội thì ai nấy đều lắc đầu và tỏ ý không muốn ở lại Làng lâu dài. Ông Atna-pua 59 tuổi, có năm đứa con, người dân tộc Ê-Đê ở buôn Hồ Giới, phường Tân Lập TP Buôn Ma Thuột cho biết “Mình chỉ ở mấy ngày dự lễ hội thôi, chứ ở lâu dài thì buồn lắm, không ưng cái bụng đâu mà!”. Già làng Brôi Vết ở làng Đăk Răng, xã Đak Rục, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum cho biết: “Già rất vui khi thấy cái nhà truyền thống của người Giẻ Triêng làm ở đây rất giống cái nhà ở làng Đăk Răng mình. Nó cũng gần gũi thân thuộc như cái nhà quen thuộc ở làng mình vậy! Trong mấy ngày dự lễ hội khai trương làng ở đây mình cùng với đội văn nghệ của làng sẽ trình diễn thổi những nhạc cụ truyền thống như thổi talit, đánh chiêng, đánh trống quay sợi, dệt thổ cẩm và lễ mừng lúa mới để du khách biết đến nét văn hóa riêng có của người Giẻ Triêng”. Già làng Brôi Vết cho biết thêm: “Các hoạt động văn hóa lễ hội của người Giẻ Triêng luôn được các nghệ nhân và người làng trân trọng, giữ gìn rồi truyền dạy cho những người trẻ. Bọn trẻ cứ theo mình mà học, không ai bỏ dược cái văn hóa vốn có từ lâu của mình đâu!”. “ Thế già làng có ở lại lâu dài ở Làng văn hóa - du lịch này không?”- Chúng tôi hỏi. Già làng Brôi Vết cười và trả lời ngay: “Không ở đây lâu được đâu! xong mấy ngày hội mình phải về nhà ngay đó! Nhớ nhà lắm, mình không quen sống xa cái làng đã sinh ra mình đâu!”.

  

Sau hơn mười năm xây dựng, Ban quản lý Làng văn hóa –du lịch các dân tộc Việt Nam đã tổ chức được hai sự kiện gây được ấn tượng sâu sắc, có ý nghĩa nhất: : Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam tháng 4-2009 và Ngày khai trương “Mở cổng làng” tháng 9-2010 mừng Đại lễ 1000 Thăng Long-Hà Nội. Trong những ngày lễ hội trọng đại trên, hàng nghìn diễn viên của nhiều đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp và không chuyên ở các địa phương trên mọi miền đất nước được huy động đến trình diễn. Những ngày hội thì các làng, các ngôi nhà tấp nập người ra vào, những điệu đàn, lời ca tiếng hát vút lên. Đúng là vui như “mở hội”! Nhưng sau ngày hội, các ngôi nhà trong các làng lại vắng hoe, tĩnh lặng. Mỗi làng chỉ còn lác đác vài anh bảo vệ đi ra, đi vào. Những ngôi nhà trong các làng được xây dựng công phu nhưng vắng hơi người. Những căn nhà được xây cất khang trang đẹp đẽ sẽ mất đi rất nhiều ý nghĩa khi không có chính những chủ thể cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, ăn, ở sinh hoạt và gắn bó với nó.

 

Vì vậy để Làng văn hóa-du lịch các dân tộc Việt Nam hoạt động có hiệu quả và phát triển bền vững sau khi khai trương Làng, một mặt tiếp tục đầu tư, xây dựng hoàn thiện, mặt khác Ban quản lý Làng văn hóa-du lịch các dân tộc Việt Nam  cần nghiên cứu, triển khai công tác đào tạo xây dựng một đội ngũ cán bộ nghiêu cứu chuyên nghiệp, có khả năng vận dụng kiến thức vào thực thực tiễn - đặc biệt là năng lực tổ chức, vận động con em đồng bào các dân tộc ra ở hẳn làng, gắn bố lâu dài và có tình cảm đam mê với những căn nhà mới xây cất ở cách rất xa nơi họ đã sinh ra. Để phát huy tối đa các giá trị di sản văn hóa của cộng đồng 54 dân tộc anh em, phương thức tốt nhất là sử dụng tiếng nói của cộng đồng. “Những chủ thể tự giới thiệu” phải là người thực hành chủ thể văn hóa. Họ phải được học tập, đào tạo và bồi dưỡng về mọi mặt để có đủ năng lực tự giới thiệu những nét đặc sắc nhất văn hóa của dân tộc mình. Trên cơ sở các chủ đề đã được trưng bày, mỗi buôn, làng, bản cần có người hiểu được đẩy đủ nguồn gốc những nét riêng có về bản sắc đời sống văn hóa của dân tộc mình, có như vậy tính chân thực của từng dân tộc, mỗi chủ thể sẽ sinh động hơn khi giới thiệu với khách đến thăm quan

 

 

Theo Báo điện tử ĐCSVN

Tệp đính kèm