Mô hình "xây dựng gia đình văn hoá giai đoạn CNH, HĐH đất nước" đang phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng xây dựng gia đình văn hoá trong bối cảnh Việt Nam đẩy mạnh hội nhập, phát triển kinh tế thị trường, CNH, HĐH đất nước. Đây là ghi nhận của đông đảo đại biểu trong hội nghị tổng kết mô hình này do Bộ Văn hoá, Thể thao & Du lịch tổ chức tại Nam Định ngày 10/12.
Mô hình "xây dựng gia đình văn hoá giai đoạn CNH, HĐH đất nước" được triển khai thí điểm tại 8 tỉnh đại diện cho 8 khu vực trong cả nước gồm: Vĩnh Phúc, Hoà Bình, Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Kon Tum, Bình Dương và Long An từ năm 2008 với mục tiêu đào tạo đội ngũ cán bộ chỉ đạo, quản lý mô hình các cấp; xây dựng tài liệu để cung cấp kỹ năng, kiến thức cần thiết cho các gia đình; hỗ trợ các gia đình thực hiện có hiệu quả việc xây dựng gia đình văn hoá...
Tại các điểm triển khai mô hình, các tỉnh đều tập trung truyên truyền các nội dung liên quan đến xây dựng gia đình, nếp sống văn hoá, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam; phổ biến văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến gia đình, bảo vệ trẻ em, luật phòng chống bạo lực gia đình... Trên 300 lượt cán bộ Ban quản lý mô hình, trưởng thôn, chủ nhiệm câu lạc bộ xây dựng gia đình văn hoá ... cũng được tham gia tập huấn về kỹ năng xây dựng mô hình; đông đảo người dân tại các địa phương triển khai cũng được cung cấp tài liệu miễn phí. Ở mỗi thôn, ấp thuộc các địa phương triển khai mô hình đều tổ chức sinh hoạt ít nhất 1 tháng /lần xung quanh các vấn đề về xây dựng gia đình văn hoá thời kỳ CNH, HĐH đất nước, lồng ghép toạ đàm về phòng chống bạo lực gia đình và bình đẳng giới...
Sau 3 năm triển khai, Việt Nam đã xây dựng được bộ tài liệu hướng dẫn xây dựng mô hình. Tại các điểm triển khai mô hình, nhận thức của lãnh đạo các cấp và nhân dân về vấn đề gia đình đã có những chuyển biến tích cực, người dân được tuyên truyền, phổ biến, nâng cao kiến thức, kỹ năng xây dựng gia đình văn hoá nên tỷ lệ hộ gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hoá được nâng cao. Đơn cử như tại phường Phú Mỹ - TX Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, tỷ lệ gia đình được công nhận văn hóa đã tăng từ 78,25% vào năm 2008 lên 86,84% vào năm 2010. Tại tỉnh Vĩnh Phúc, trong 3 năm mô hình triển khai ở xã Tam Hồng, huyện Yên Lạc, tỷ lệ hộ gia đình văn hoá năm 2010 đạt 89%, tăng 3% so với năm 2008. Đặc biệt, một số địa phương như Long An, Bình Dương ... tiến hành xã hội hoá công tác xây dựng gia đình văn hoá, trong đó huy động sự đóng góp của cộng đồng để duy trì phát triển mô hình /.
Theo TTXVN