Tiễn đưa GS Trần Văn Giàu về đất mẹ“Rừng Na Uy” gây chú ý tại Việt NamTổ chức tang lễ giáo sư Trần Văn Giàu cấp nhà nướcTrần Anh Hùng: Rừng Na Uy là một thử thách với tôi(TT&VH Cuối tuần) - Các sự kiện văn hóa nghệ thuật đang diễn ra hối hả như để chạy đua với thời gian khi chỉ hơn một tuần nữa thôi, thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21 sẽ khép lại.
Bộ VH-TT&DL vừa ra chỉ thị hướng dẫn tổ chức đón Tết Tân Mão. Theo đó, ngoài việc chú trọng tiết kiệm, an toàn…, chỉ thị nhấn mạnh việc quan tâm đến các hoạt động vui chơi giải trí cho trẻ em, tăng cường chiếu phim Việt Nam trên truyền hình cũng như tại các rạp, chú trọng tổ chức các trò chơi dân gian và nâng cao nếp sống văn minh trong việc tổ chức lễ hội, đảm bảo vệ sinh môi trường tại các điểm diễn ra lễ hội. Việc này quan trọng lắm và hầu như năm nào cũng được Bộ quan tâm chỉ đạo từ trên xuống, tuy nhiên, sau mỗi dịp Tết, nhìn lại hoạt động lễ hội thì dường như đều không có được kết quả như mong đợi.
Tọa đàm Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể đờn ca tài tử của TP.HCM vừa diễn ra hôm 21/12. Tại đây, những người có tâm huyết với lĩnh vực đờn ca tài tử như GS.TS Trần Văn Khê, GS.TS Trần Quang Hải và các GS, PGS, tiến sĩ đang làm việc tại Nhạc viện TP.HCM, ÐH Sân khấu - Điện ảnh, ÐH Văn hóa, các nghệ nhân dân gian... đã đưa ra nhiều ý kiến tâm huyết xung quanh các vấn đề của nghệ thuật đờn ca tài tử nhằm bảo tồn và phát huy bộ môn nghệ thuật này trước khi quá muộn. Cùng với việc Bộ VH-TT&DL đã lập hồ sơ đệ trình UNESCO ghi danh đờn ca tài tử vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể, GS.TS Trần Văn Khê - thành viên danh dự Hội đồng Quốc tế âm nhạc UNESCO đã được tổ chức này mời ông cùng nghệ nhân dân gian Bạch Huệ ghi âm một đĩa nhạc gồm 11 bài theo thể loại đờn ca tài tử với nhan đề Viet Nam traditions of the South và phát hành dưới thương hiệu Tuyển tập UNESCO (UNESCO Collection).
Cũng trong dòng chảy của các bộ môn nghệ thuật dân gian – dân tộc, nghệ thuật hát bài chòi đã được trở lại đất Bắc sau 35 năm vắng bóng với vở diễn thuộc hàng kinh điển: Thoại Khanh – Châu Tuấn tại sân khấu thủ đô Hà Nội. Vở diễn này đã được Cục NTBD và TT Nghiên cứu, bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam bắt tay dàn dựng từ hơn một năm trước và sự đón nhận nồng nhiệt của khán giả thủ đô đã khích lệ những người thực hiện làm thêm những vở diễn khác trong thời gian tới. Nhưng trước tiên, sau Hà Nội, Thoại Khanh – Châu Tuấn sẽ tiếp tục đến Nam Định, Thái Nguyên, Hải Phòng.
Song song với việc gìn giữ vốn cổ, các ban ngành văn hóa cũng còn phải lo đi giải quyết những vấn nạn gây ra sự thiếu văn hóa. Đoàn kiểm tra liên ngành 814 của phòng Văn hóa thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang vừa kiểm tra và xử lý hai hộ dân bán ảnh khỏa thân trong khu di tích lịch sử chùa Phù Dung (phường Bình San, Hà Tiên) với mức phạt mỗi hộ 5 triệu đồng. Mức phạt này không rõ có đủ “đô” để làm gương cho những người kinh doanh buôn bán các sản phẩm văn hóa ở các khu di tích?
Liên quan đến việc gìn giữ thuần phong mỹ tục và chữ nghĩa dân tộc, mới đây, Trung Quốc vừa ban hành lệnh cấm sử dụng tiếng Anh trên các phương tiện truyền thông và xuất bản. Cơ quan quản lý báo chí của nước này cho rằng việc dùng tiếng Anh trên các tờ báo, đài phát thanh, truyền hình sẽ làm mất đi sự trong sáng của tiếng Trung Quốc và gây những tác động bất lợi cho môi trường văn hóa. Quả là một quyết tâm đáng ghi nhận trong thời buổi mọi lĩnh vực đều đang bị “phẳng hóa” trong thế giới phẳng.
Vậy là Rừng Na Uy, bộ phim được nhiều người yêu văn học và say mê tác giả của cuốn sách cùng tên Murakami Haruki chờ đợi lâu nay, và vị đạo diễn của bộ phim này – Trần Anh Hùng – đã đến Hà Nội với buổi ra mắt đầu tiên tại Việt Nam vào ngày 22/12. Sau vài ngày được chiếu tại Nhật Bản, Rừng Na Uy chỉ xếp hạng thứ ba về doanh thu tại các phòng vé và bị xem là không thành công tại “chính quốc”, chưa biết tình hình bán vé tại Việt Nam ra sao nhưng chắc chắn, bộ phim này sẽ thúc giục được hầu hết những độc giả Việt Nam đã từng yêu mến tác phẩm văn học này đến rạp. Cũng thuộc lĩnh vực điện ảnh, trong dòng chảy của các bộ phim được sản xuất trên kịch bản là các tác phẩm văn học best-seller, một bộ phim hứa hẹn trở thành bom tấn khác cũng đã đi vào kế hoạch sản xuất: Biểu tượng thất truyền (The lost symbol) – tác phẩm mới nhất của nhà văn đã tạo ra cơn sốt mang tên Mật mã Da Vinci, Dan Brown. Vẫn là hãng Columbia Pictures mua bản quyền sản xuất, chưa biết tài tử Tom Hank có thủ diễn vai giáo sư Robert Langdon không nhưng lần này, người đảm trách phần chuyển thể kịch bản là chính tác giả của cuốn tiểu thuyết này, Dan Brown. Bộ phim sẽ được bấm máy trong năm 2011.
Liên hoan truyền hình toàn quốc lần thứ 30, sự kiện lớn nhất của ngành truyền hình cả nước đã khai mạc tại TP Cần Thơ ngày 20/12 và sẽ kết thúc vào ngày 26/12. Đã có 754 tác phẩm thuộc 10 thể loại được gửi tới tham dự. Ngoài những thể loại quen thuộc như: phóng sự, chuyên đề, phim truyền hình, ca nhạc… lần đầu tiên một thể loại mới được công nhận là một hạng mục dự liên hoan đó là chương trình quảng bá (trailer giới thiệu chương trình). Dự kiến sẽ có 35 giải vàng, 48 giải bạc và 120 bằng khen sẽ được trao và lần đầu tiên sẽ có giải dành cho cá nhân ở thể loại phim TH.
Bên cạnh những sôi động cuối năm, giới sử học và những người quan tâm tới văn hóa nước nhà chợt lắng lại trước sự ra đi của giáo sư Trần Văn Giàu. Tên tuổi người Anh hùng lao động, nhà giáo nhân dân này đã gắn chặt với cuộc Cách mạng Tháng Tám ở miền Nam, ông là cha đẻ của nhiều công trình nghiên cứu, các tác phẩm về lịch sử Việt Nam và triết học, đồng thời là người đã đào tạo nhiều nhà nghiên cứu, nhà sử học hàng đầu của nước ta. Ra đi ở tuổi 100, cái tuổi hiếm ai có được nhưng ông vẫn để lại những tiếc nuối cho những người quan tâm đến sử học nước nhà.
Theo Thể thao & Văn hóa Online