Sân khấu: sự trở lại của nước mắt. Nếu như năm 2009 sân khấu TP.HCM rộn ràng với hai cuộc hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc về kịch nói và cải lương thì năm 2010 có phần lặng lẽ.
Sự lặng lẽ thể hiện rõ nhất ở lĩnh vực cải lương khi phần lớn đơn vị tham gia hội diễn năm ngoái đều không có tác phẩm nào thật sự ấn tượng trong năm nay. Những đơn vị xã hội hóa cũng hoạt động cầm chừng, vé bán nhỏ giọt. Nghệ sĩ Linh Huyền mạnh tay bỏ tiền dàn dựng vở Bà chúa thơ Nôm ấp ủ nhiều đam mê nhưng gần như suất diễn nào cũng lỗ vốn. Cuối năm, một hội thảo vừa được tổ chức để hối hả tìm giải pháp cho cải lương với nhiều đề án, nhiều lời hứa, nhiều hi vọng.
Với kịch nói thì sự lặng lẽ của năm 2010 là cần thiết để những ồn ã qua đi, nhường chỗ cho những chiêm nghiệm sâu sắc. Đầu năm, làng kịch có thêm một thành viên mới: sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh của bộ đôi NSƯT Thành Hội - Ái Như, với lời hứa sẽ kiên định ra mắt những tác phẩm có chiều sâu. Sự kiện này dường như đã báo hiệu một xu hướng mới trong gu dựng, diễn và xem của sân khấu thành phố năm 2010: sự trở lại của nước mắt. Quả vậy, Hoàng Thái Thanh đã thực hiện lời hứa của mình bằng những vở bi kịch như Ngôi nhà của những linh hồn, Mùa đông cuối cùng, Trần gian phải có tình yêu, Ngôi nhà thiếu đàn bà... Đặc biệt, vở diễn Nửa đời ngơ ngác ra mắt vào cuối năm đã thật sự làm một cuộc bùng nổ ngoạn mục tại phòng vé của sân khấu kịch chưa đầy một tuổi này. Nửa đời ngơ ngác cùng với Cánh đồng bất tận (năm 2009) và Bí mật vườn Lệ Chi (năm 2007) làm thành bộ ba vở bi kịch được khán giả đón nhận nồng nhiệt nhất trong nhiều năm qua của làng kịch TP.HCM.
Cùng với sự khích lệ đó, sân khấu Idecaf đã dựng lại tác phẩm vang bóng một thời Một cuộc đời bị đánh cắp tạo hiệu ứng tốt trong khán giả, đồng thời củng cố niềm tin: những cái cười hả hê, ồn ã rồi cũng nhạt nhòa nếu thiếu giá trị nhân văn, những nỗi buồn đẫm nước mắt dù có đớn đau cỡ nào cũng sẽ ở lại nếu chạm vào trái tim của người xem.
Điện ảnh: Một năm ấn tượng
Năm 2010 đánh dấu sự thay đổi đáng kể bộ mặt điện ảnh Việt sau nhiều năm loay hoay tìm hướng đi và giải bài toán phim tư nhân nhà nước. Dấu hiệu đầu tiên đáng ghi nhận nhất chính là việc không còn đợi mùa tết phim Việt mới có cơ hội chiếm lĩnh rạp chiếu phim. Cả năm 2010, các hãng sản xuất cả tư nhân và Nhà nước đều đặn cho ra rạp các phim “made in Việt Nam”, dù đông khách hay còn thưa vắng vẫn được khán giả đón nhận, quan tâm khá nồng nhiệt. Có thể kể đến dấu ấn đặc biệt nhất gây sửng sốt cho các phòng vé của rạp phim Việt là phim Để Mai tính hiện đang giữ kỷ lục thời gian trụ rạp cũng như doanh thu (trên 30 tỉ đồng bán vé và hai tháng đứng rạp).
Vũ điệu tình yêu - một phim nhà nước (Hãng phim truyện Việt Nam) do các nhà làm phim phía Bắc làm - dù còn nhiều băn khoăn về chất lượng cũng đã giành được thiện cảm đáng kể của khán giả trẻ, quan trọng là đã được một nhà phát hành phim tư nhân đứng ra nhận phát hành trên toàn quốc. Đồng thời với sự kiện đó là Khát vọng Thăng Long (Công ty Kỷ Nguyên Sáng) hay Long Thành cầm giả ca (Hãng phim Giải phóng) - hai phim lịch sử, dòng phim vẫn hay bị coi là phim “cúng cụ”, do tư nhân và Nhà nước sản xuất - cũng đã được đón tay ra rạp bởi nhà phát hành Megastar và gây được sự chú ý nhất định với khán giả thông qua hiệu ứng truyền thông. Riêng Cánh đồng bất tận, phim chuyển thể từ truyện ngắn nổi tiếng của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, đã làm nên một cơn bão nho nhỏ trong tháng 10 sau khi ra mắt ở Liên hoan phim Busan. Nhiều tỉ đồng bán vé thu được và sự ồn ào của dư luận đã cho thấy một phim nghệ thuật nếu hướng đến khán giả và được truyền thông đúng cách vẫn có thể đem lại nguồn thu cho nhà sản xuất ở một thị trường điện ảnh đầy may rủi như Việt Nam.
Không thể không kể đến một hướng đi khác đơn lẻ là bộ phim Bi đừng sợ của đạo diễn Phan Đăng Di, được làm bằng kinh phí độc lập nhưng đã giành sáu giải thưởng từ các Liên hoan phim như Cannes, Vancouver, châu Á - Hong Kong và Stockholm. Phim đã được duyệt và có lẽ sẽ phát hành tại Việt Nam trong năm 2011.
Bốn phim tết ra rạp là Bóng ma học đường, SaiGon Yo!, Cô dâu đại chiến và Thiên sứ 99 với đề tài vui vẻ, nhẹ nhàng đúng tinh thần tết sẽ khép lại một năm ấn tượng của điện ảnh Việt.
Phim truyền hình: Dấu ấn ca sĩ
Năm 2010, phim truyền hình vẫn tiếp tục phát triển với tốc độ “tên lửa”. Không chỉ hai đại gia VTV và HTV, các đài địa phương và truyền hình cáp như Hà Nội, Vĩnh Long, Đồng Nai, SCTV... cũng tăng tốc khi ra mắt giờ phim Việt với những bộ phim hoàn toàn mới.
Trong xu thế ấy, dấu ấn ca sĩ hiện diện trong các phim ngày càng đậm nét. Họ trở thành lực lượng diễn viên mới hùng hậu có mặt ở hầu hết các phim. Có thể đưa ra vài bộ phim quy tụ nhiều ca sĩ như Màu của tình yêu (30 tập) với Lương Bích Hữu, Thiên Vương, Khổng Tú Quỳnh; Thiên đường vắng em (30 tập) thì có Tim, Vy Oanh; Jenny Hải Yến, Kasim Hoàng Vũ, Đài Trang, Hải Băng... có mặt trong Xúc xắc mùa thu (30 tập). Trong số các ca sĩ đóng phim, chỉ vài gương mặt cũ xem ra có khả năng diễn xuất như Phương Trinh, Thanh Ngọc, Bá Thắng..., còn những gương mặt mới chưa thật sự tạo được dấu ấn trong lòng khán giả.
Đặc biệt, thể loại phim ca nhạc khá mới mẻ đang là “mốt” mới của phim Việt. Hiện có khoảng ba phim đang phát sóng trên truyền hình theo thể loại này như Phía sau hào quang (HTV7), Hát ca bềnh bồng (HTV7), Cho một tình yêu (VTV3)... Trong các phim này, Phía sau hào quang ít nhiều gây được sự chú ý của khán giả bởi đề cập những ngóc ngách trong giới ca sĩ. Cho một tình yêu với sự tham gia diễn xuất của ba ngôi sao trong làng ca nhạc Việt như Mỹ Tâm, Tuấn Hưng, Quang Dũng dù lập nên một kỷ lục mới trên diễn đàn http://www.dienanh.net với 600 trang ý kiến người xem, nhưng lại đang ngày càng đuối cả về nội dung lẫn... lượng bài hát được thể hiện trong từng tập phim.
Vì thế có lẽ dấu ấn ca sĩ của năm 2010 trên phim truyền hình chỉ mới dừng ở mức số lượng, chứ chất lượng - tức khả năng diễn xuất của họ - cần thêm thời gian.
Ca nhạc: ì ạch và xôm tụ
Chín tháng đầu năm, làng nhạc Việt khá yên ắng và buồn tẻ. Những nhộn nhịp, nếu có, cũng chỉ xoay quanh các vụ “lộ hàng”, “bầu bí”, tân trang nhan sắc, hát nhép, đạo nhạc, “cơm không lành canh không ngọt” giữa bầu sô và ca sĩ, làm từ thiện “ảo” và quỵt tiền từ thiện từ các sô ca nhạc... Nhưng Ngôi sao tiếng hát truyền hình, nhất là Vietnam Idol và Sao Mai - Điểm hẹn 2010... đồng loạt “lên sóng” vào ba tháng cuối năm đã kéo bạn yêu nhạc và người làm nghề về với âm nhạc. Các ca sĩ cũng tranh thủ dịp cuối năm ra album mới và làm sô với mục đích phục vụ thị trường năm mới, tìm kiếm giải thưởng vào dịp cuối năm khiến làng nhạc Việt thêm phần xôm tụ.
Tuy nhiên, năm 2010 vẫn bị coi là một năm ì ạch của làng nhạc Việt. Sô ca nhạc và đĩa nhạc mới tung ra phần lớn đều lỗ hoặc huề vốn (dù có sô vé bán lên đến 4 triệu đồng/vé và có đĩa bán đến 200.000 đồng/đĩa). Các ca sĩ đổ xô đi đóng phim, theo đuổi các hoạt động xã hội - từ thiện hoặc chuyển sang làm bầu sô, kinh doanh. Nhưng những người trong nghề cho rằng đó là “khoảng lặng” cần thiết và buộc phải có trong giai đoạn nghiên cứu lại thị trường âm nhạc sau khủng hoảng vừa qua. Sau “khoảng lặng” này, hàng loạt dự án chất lượng hứa hẹn sẽ được tung ra vào đầu năm 2011 bởi các nhà sản xuất, bầu sô và cả ca sĩ đều cho biết họ ít nhiều đã tìm thấy những hướng đi mới, cách thức tiếp cận và phục vụ mới cho nhiều đối tượng yêu nhạc hiện tại. Năm 2011 vẫn là năm mà làng nhạc Việt phải dốc sức “giành giật” lại khán giả, thị trường như truyền hình và điện ảnh đang làm. Chuyện hướng ra khu vực vẫn còn phải đợi vài ba năm nữa...
Theo Tuoitre Online