Cập nhật: 01/01/2011 10:12:14 Article Rating
Xem cỡ chữ

Không có nền văn hóa nào có thể thay thế nền văn hóa nào. Chỉ có thể bổ sung lẫn nhau để làm nên bức tranh văn hóa thế giới đa dạng, nhiều màu sắc

“Trong thời đại mới, văn học nghệ thuật cũng có sứ mệnh mới. Mới đến đâu thì trước sau nó vẫn phải trung thành với lý tưởng, bồi đắp cho con người, nâng đỡ con người. Muốn vậy, nó cũng phải mang đậm hồn cốt dân tộc và đi sâu vào gốc rễ đời sống. Hội nhập tích cực nhưng cần tránh “cũ người mới ta” hoặc làm bản sao, làm cái bóng của người khác…”. Đó là nhận định của nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam (LHCHVHNT) trong buổi trò chuyện với phóng viên Báo TNVN nhân dịp tổng kết 4 năm thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

 

PV: Thưa ông, việc văn học nghệ thuật tham gia vào cuộc vận động sáng tác, quảng bá các tác phẩm về “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã đem lại những kết quả, ý nghĩa như thế nào?

 

Nhà thơ Hữu Thỉnh: Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” không chỉ có ý nghĩa về chính trị, đạo đức, tư tưởng, tinh thần mà còn có ý nghĩa rất lớn về mặt văn hóa. Vì Bác Hồ là một anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới. Bởi vậy, cùng với Cuộc vận động này, Ban Tuyên giáo Trung ương đã phát động cuộc vận động sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Tấm gương cao quý của Bác từ lâu đã là đề tài, cảm hứng sáng tạo của văn nghệ sĩ.

 

Hưởng ứng Cuộc vận động này, các văn nghệ sĩ tham gia rất đông đảo, có những cống hiến đặc sắc trên tất cả các loại hình. Nổi bật nhất là các lĩnh vực văn học, điện ảnh, hội họa, sân khấu. Về văn học, có nhiều công trình mới, sáng tác, nghiên cứu về Bác. Có tiểu thuyết, cả thơ và lý luận phê bình (của các tác giả Lê Xuân Đức, Thành Duy…). Hội Nhà văn Việt Nam cũng đã xuất bản 3 trong số gần 20 tập của bộ sách “Hồ Chí Minh với văn nghệ sĩ và văn nghệ sĩ với Hồ Chí Minh”. Về điện ảnh, đặc sắc nhất là 2 bộ phim “Nhìn ra biển cả” về thời tuổi trẻ của Nguyễn Tất Thành (kịch bản của Nguyễn Thị Hồng Ngát) và phim “Vượt qua bến Thượng Hải” của Hãng phim Hội Nhà văn.

 

Về hội họa, Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 2010 vừa qua là một thành công lớn. Trong số hơn 800 tác phẩm được chọn treo ở triển lãm thì chiếm số lượng lớn là những tác phẩm hội họa về Bác, của rất nhiều họa sĩ ở nhiều lứa tuổi khác nhau. Hình tượng, tấm gương đạo đức của Bác đã được nghệ thuật hóa rất sống động, có nhiều tìm tòi sáng tạo. VHNT tham gia vào cuộc vận động này với nhiều thành tựu, đủ các thể loại, ở cả Trung ương và địa phương. Điều đó thể hiện tình cảm tôn kính, gắn bó của văn nghệ sĩ cả nước với Bác Hồ.

 

PV: Năm 2011 là năm đất nước ta kỷ niệm 100 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, 70 năm ngày Bác trở về nước, vậy sẽ có những hoạt động cụ thể gì nhằm hướng tới đợt kỷ niệm này?

 

Nhà thơ Hữu Thỉnh

Nhà thơ Hữu Thỉnh: Hội Nhà văn Việt Nam sẽ tổ chức Ngày hội thơ Việt Nam lần thứ 9 với chủ đề Đất nước - Mùa xuân, trong đó đặc biệt là chủ đề về Bác. Có 3 điểm nhấn là Hà Nội (tổ chức tại Văn Miếu), Nghệ An (tại Thành phố Vinh) và TP HCM (tại Bến Nhà Rồng). Trong dịp này sẽ xuất bản tập thơ 100 bài nhan đề “Người đi tìm hình của nước”, đồng thời tổ chức triển lãm những tác phẩm của Bác đã được dịch ra tiếng nước ngoài.

 

PV: VHNT là tài sản tinh thần quý báu của dân tộc Việt Nam, theo ông, trong thời buổi hội nhập và phát triển hiện nay, chúng ta cần làm gì để bảo tồn và phát huy giá trị tinh thần cao quý đó?

 

Nhà thơ Hữu Thỉnh: Nghị quyết T.Ư 5 khóa VIII, cũng như Nghị quyết 3 của Bộ Chính trị đã xác định rõ, chúng ta đang tập trung xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Một điều nữa cần nhấn mạnh là, không có nền văn hóa nào có thể thay thế nền văn hóa nào. Chỉ có thể bổ sung lẫn nhau để làm nên bức tranh văn hóa thế giới đa dạng, nhiều màu sắc. Bởi mỗi nền văn hóa có những đặc trưng, giá trị đặc sắc riêng. Do đó, muốn hội nhập với thế giới, phải nêu cao bản sắc dân tộc.

 

Chúng ta tiếp thu mọi tinh hoa của thế giới nhưng trước hết cần làm nổi yếu tố nội sinh, chủ thể của dân tộc chứ không phải giẫm vào bóng của người khác, sa vào bản sao của người khác. Càng không phải “cũ người mới ta”. Bởi người ta đến Việt Nam là để tìm cái họ chưa có. Thực tế là hiện nay trong việc tiếp thu của thế giới, chúng ta còn có chỗ vội vã, thiếu chọn lọc, thậm chí là bắt chước. Mà bắt chước tức là rơi vào bãi rác tinh thần. Muốn cống hiến với thế giới, văn hóa bản địa phải có bản sắc riêng độc đáo, không gì thay thế được.

 

PV: Vậy điều đó phải được thể hiện qua những việc làm cụ thể như thế nào, thưa ông?

 

Nhà thơ Hữu Thỉnh: Văn hóa là hệ giá trị bền vững của dân tộc, là địa chỉ tinh thần của dân tộc, giúp phân biệt dân tộc này với dân tộc khác. Bản sắc văn hóa dân tộc là hồn cốt của dân tộc, là cái ở bên trong tâm hồn cốt cách, chứ không phải cái bề ngoài. Tuy vậy, văn hóa luôn luôn vận động, phát triển. Hệ giá trị luôn được làm giàu. ở đây có vấn đề tiếp thu và chuyển hóa. Tiếp thu gì và chuyển hóa để làm gì? Tiếp thu tinh hoa để làm giàu cho chủ thể dân tộc. Muốn vậy trước hết phải đi vào đời sống để làm chủ nền văn hóa dân tộc.

 

Một tình trạng vô cùng đáng báo động hiện nay là nhiều khi chúng ta không hiểu dân tộc mình, không hiểu lịch sử mình. Do đó, nhiều cái hay cái đẹp của chính dân tộc mình lại chưa được biết tới. Cần giúp cho văn nghệ sĩ có điều kiện đọc, nghiên cứu, để hiểu và làm chủ nền văn hóa dân tộc. Đây là vấn đề của bản lĩnh văn hóa.

 

Thứ hai, phải đi vào dân. Bởi văn học dân tộc nằm trong đời sống tinh thần, tập quán, trong hồn quê, trong mỗi con người bình thường nhất.

 

Thứ ba, cần tránh đứt gãy với truyền thống. Cần nuôi dưỡng dòng chảy này từ trong máu, trong cách sống hàng ngày, trong những quan hệ máu thịt với cuộc sống, con người xung quanh.

 

Xin cảm ơn ông!./.

 

 

Theo vovnews.vn

Tệp đính kèm