Cập nhật: 04/01/2011 15:58:12 Article Rating
Xem cỡ chữ

 Điện ảnh Việt bắt đầu một năm mới bằng vụ phim Tết được “ém hàng” rất kỹ với những chiêu PR tưng bừng. Trong khi đó, giới sản xuất phim bằng tiền Nhà nước cũng dịch chuyển chậm với một vài dự án vừa khởi động. Một bên tất bật, một bên đủng đỉnh. Hình ảnh quen thuộc thường thấy trong bức tranh điện ảnh Việt vẫn chưa có nhiều thay đổi.

PR “tít mù”

 

Xác định “điện ảnh là hàng hóa” nên đồng thời với kế hoạch sản xuất phim chiếu Tết, các hãng tư nhân đã chi không ít tiền cho công tác quảng cáo, PR cho “hàng hóa” của mình. Những hình ảnh “hot” được tung lên mạng, những trailer gây ấn tượng được công bố, kèm theo đó là những cuộc thi  poster phim, đố phim với những giải thưởng hấp dẫn thu hút công chúng. Xem ra, giới làm phim tư nhân Việt  đã học tập khá nhuyễn bài toán bán hàng của Hollywood.

 

Nghĩa là đầu tư 1 triệu USD để sản xuất phim, thì cũng phải chi ít nhất  30 % kinh phí cho việc PR, quảng cáo. Chẳng thế mà phần lớn phim chất lượng  tầm tầm, thậm chí dưới mức trung bình nhưng nhà đầu tư vẫn thu hồi vốn, thậm chí lãi lớn. Lại đổ: “khán giả dễ tính”.

 

Mà có lẽ cũng đúng, cả năm xem phim Tây, mấy ngày Tết dành sự ưu ái cho phim Việt cũng là hợp lẽ, nhưng chẳng ai dễ tính được mãi. Nếu các đơn vị sản xuất không chịu thay đổi nâng cao chất lượng phim, tìm kiếm sự mới lạ để “cung” cho công chúng, mà vẫn “bổn cũ” trình ra, chắc chắn sẽ đối diện cảnh bị khán giả tẩy chay.

 

Trong số các  phim được công bố vào rạp Tết này, Sài Gon Yo chính thức “né” Tết. Đây là phim về đề tài hip hop được thực hiện bởi Stephane Gauger – đạo diễn gốc Việt từng làm Cú và chim se sẻ “ẵm” khá nhiều giải thưởng tại các LHP quốc tế. Lý do “né” chỉ là “chưa làm xong hậu kỳ”.

 

Nhưng thực chất là không muốn thị phần bị chia sẻ bởi  những bộ phim đối thủ khác trong bối cảnh rạp ít- phim nhiều mà ngày xuân thì ngắn tày gang...

 

Bởi thế, cuộc cạnh tranh vụ phim Tết năm nay sẽ chỉ còn Bóng ma học đường – phim 3D made in Vietnam, Đại chiến cô dâu- được làm bởi đạo diễn “dính” scandal đạo phim Victor Vũ và Thiên sứ... 99 (Hãng phim Phước Sang).

 

Thời điểm này, cả 3 phim đã “ấm chỗ” tại các rạp. Chưa biết thắng thua ra sao, nhưng nhìn cách PR của Thiên Ngân cho Bóng ma học đường phiên bản 3D, 2 đơn vị sản xuất là BHD và Phước Sang cũng phải gờm.

 

Nào là, Bóng ma học đường ứng dụng công nghệ làm phim hiện đại nhất trên thế giới hiện nay. Phim được quay trực tiếp bằng máy quay 3D mà không phải là chuyển định dạng từ 2D sang 3D, không gian nổi 3 chiều, kỹ xảo được thực hiện ở Hong Kong v.v và v.v...

 

...thì phim làm bằng kinh phí Nhà nước vẫn đang đủng đỉnh quay (phim “Mùi cỏ cháy” bắt đầu quay những cảnh đầu tiên)

 

... và lặng lẽ khởi quay

Nếu tư nhân làm phim “có 1 nói 10”, chưa quay đã PR rầm rộ, cả công khai cả úp úp mở mở, thậm chí các scandal liên quan tới những người tham gia phim cũng được tung lên để hút người xem thì các phim làm bằng kinh phí của Nhà nước lại lặng lẽ khởi quay, lặng lẽ cả khi đã làm xong và... ra rạp.

 

Cũng dễ hiểu, bởi lâu nay giới làm phim bằng tiền ngân sách của Nhà nước quan niệm làm phim không phải để bán. Mà đã không bán thì cũng chẳng cần PR. Chưa nói đến việc, trong tổng dự toán chưa từng có khoản dành cho quảng cáo phim.

 

Không có tiền quảng cáo, không cần bán, nên nếu thông tin phim được công khai cũng là nhằm để PR cho tên tuổi của ai đó. Mà PR vì mục đích này, đương nhiên thông tin mức độ. Không hiếm trường hợp các thành viên tham gia phim khi ký hợp đồng đều có cam kết “không tiết lộ thông tin”.

 

Còn người có trách nhiệm thì  thực hiện triệt để việc “đóng cửa”. Những người biết việc bảo, đó là cách “an toàn” để làm cho xong việc mà không bị ai xăm xoi rằng kịch bản dở thế sao lại được duyệt? Ông này đã làm phim bao giờ đâu mà lại được giao dự án phim lớn thế?... Ý kiến này, chưa chắc đã đúng.

 

Nhưng với cách làm phim “đóng cửa” thông tin của một số đoàn phim làm bằng ngân sách nhà nước thì chỉ có thể giải thích cách ấy may ra lọt tai dư luận. Bước vào năm 2011, khu vực điện ảnh nhà nước có 3 dự án phim  đang thực hiện.

 

Đó là Tâm hồn mẹ (đạo diễn Nhuệ Giang) đang vào hậu kỳ; Mùi cỏ cháy (đạo diễn Hữu Mười) vừa khởi quay và Nếu anh còn sống (đạo diễn Lê Ngọc Linh) đang trong giai đoạn làm dự toán và chọn cảnh.

 

Không có gì mới, vì Mùi cỏ cháy và Nếu anh còn sống là những kịch bản đã được duyệt khá lâu, giờ mới triển khai vì lý do... tìm thêm kinh phí và “kén” đạo diễn. Nói trắng ra, là với những bộ phim đề tài chiến tranh mà tiền đầu tư không rủng rỉnh, kịch bản không xuất sắc thì kể cả đạo diễn tên tuổi và  mới chân ướt chân ráo vào nghề đều ngại.  Mùi cỏ cháy được khởi quay với kinh phí đầu tư 5,2 tỷ.  Ban đầu, bộ phim này được đầu tư 4,2 tỷ.  Chạy vạy kiếm thêm kinh phí, chờ đợi cả năm mới có thêm 1 tỷ  từ Nhà nước, chưa có tổ chức xã hội nào chịu rót tiền cho phim chiến tranh.

 

Tương tự, dự án phim Nếu anh còn sống cũng  đang phát tín hiệu tìm kinh phí. Câu trả lời nhận được từ những đơn vị nhận tín hiệu là: “Sẽ đầu tư, nếu đó là  phim... truyền hình”. Phải chăng phim truyền hình có giá hơn phim điện ảnh ? Chẳng phải, đơn giản chỉ là phim truyền hình thì chen quảng cáo thu lời dễ hơn.

 

Chuyển dịch chậm chạp, Hãng phim Truyện VN đã chuyển sang Công ty TNHH một thành viên và đang ở giai đoạn “duyệt điều lệ Công ty”. Tuy nhiên, theo các nghệ sĩ của Hãng thì tình hình sản xuất cũng như không khí hoạt động điện ảnh ở đơn vị trong chiếc áo mới này chưa có gì thay đổi.

 

Mới đây, Hãng này nhanh chân mua bản quyền  truyện ngắn Khói trời lộng lẫy của Nguyễn Ngọc Tư để dựng phim. Tuy nhiên, sau khi chuyển thể, chất lượng kịch bản chưa đạt yêu cầu... nên việc trình duyệt để xin kinh phí vẫn là câu chuyện của... tương lai. Và trong lúc chờ đợi một sự biến chuyển thực sự từ cơ thể của điện ảnh, các nhà làm điện ảnh lại tiếp tục bươn bả làm phim truyền hình để kiếm sống. Rất nhiều phim  truyền hình phát sóng dịp Tết tới là “con đẻ” của các nhà làm phim điện ảnh.

 

 

Theo Báo Vanhoa Online

Tệp đính kèm