Cập nhật: 21/01/2011 15:15:57 Article Rating
Xem cỡ chữ

Tại Lễ hội Hoa Xuân và Đồ uống Tết 2011, sẽ khởi động chương trình tuyển chọn “Quốc phục” và “Quốc tửu”.

Như chúng tôi đã đưa tin, Bộ VH, TT&DL phối hợp với UBND thành phố Hà Nội và các đơn vị liên quan đã lấy ý kiến người dân qua mạng để bình chọn cho “Quốc hoa”. Và tới đây, tại Lễ hội Hoa Xuân và Đồ uống Tết 2011, sẽ khởi động chương trình tuyển chọn “Quốc phục” và “Quốc tửu”. Đã có không ít ý kiến của các giáo sư đầu ngành văn hoá cho rằng, đây là một cuộc bầu chọn khó đạt được ý nghĩa đặt ra.

 

Cuộc bầu chọn không cần thiết?

 

Cách đây không lâu, ý tưởng bầu chọn quốc hoa được đưa ra đã tốn không ít giấy mực của báo chí. Tuy nhiên, ngành văn hóa vẫn làm một cuộc trưng cầu ý kiến, kết quả thu về là hoa sen chiếm ưu thế hơn cả. Sắp tới, ngành văn hóa cũng sẽ cho trưng bày, triển lãm các chuyên đề về hoa sen. Như vậy, một cách gián tiếp thì hoa sen đã vươn lên vị trí số 1 về bình chọn của ngành văn hóa và khả năng sẽ là “Quốc hoa”.

 

Kết quả thăm dò ý kiến lựa chọn “Quốc hoa” qua mạng Internet được thống kê như sau: Hoa sen: 40,3%, hoa mai: 33,6%, hoa đào: 8,2%, cây tre: 9,5%, hoa lan: 0,6%, hoa gạo: 0,6%, hoa quỳnh: 0,6%, hoa ban: 1,2%, hoa cau: 1,8%, hoa súng: 0,6%...

 

(Nguồn: Ban Chỉ đạo và Ban Biên soạn đề án “Quốc hoa” Việt Nam )

Theo Giáo sư Kiều Thu Hoạch, để lựa chọn được “Quốc hoa” không phải là chuyện dễ. Trung Quốc là nước trồng nhiều hoa sen và có nhiều chủng loại hơn Việt Nam. Trong khi đó, loài sen lại có xuất xứ từ Ấn Độ. Việc lựa chọn hoa sen liệu có bộc lộ được đặc trưng văn hóa của Việt Nam?

 

Còn với “Quốc phục” và “Quốc tửu”, ngành văn hóa cũng sẽ đưa ra khá nhiều sự lựa chọn. “Quốc phục” cho trưng bày hình ảnh trang phục của các thời Lý, Trần, Lê, trang phục hội nghị ASEAN, APEC... Ban Tổ chức cũng sẽ tổ chức xây dựng đề án, tổ chức hội thảo, tổ chức thi thiết kế; thành lập Hội đồng tuyển chọn, triển lãm lấy ý kiến nhân dân, sau đó trình diễn và công bố. Nhiều ý kiến cho rằng những việc này quá tốn kém tiền của, trong khi bấy lâu nay chiếc áo dài đã gần như là trang phục mặc định biểu tượng của phụ nữ Việt Nam.

 

Giáo sư Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho rằng, nếu chọn quốc phục thì có thể theo hướng chọn chiếc áo dài cho nữ và nam là áo the khăn xếp. Những bộ quần áo này rất đơn giản mà thể hiện rất rõ nét cho văn hóa của chúng ta. Lâu nay, hình ảnh này đã ăn sâu vào tiềm thức của người Việt Nam và bạn bè quốc tế.

 

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng thì cho rằng đây là một cuộc bầu chọn vô duyên và... vô lý. “Khó tìm ra một sản phẩm đúng với tiêu chí gắn với dân tộc, lịch sử và văn hóa người Việt mà lại nổi bật. Chúng ta có nhiều việc đáng bàn hơn là một cuộc bầu chọn không cần thiết này”, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng nói.

 

Liệu có tìm ra “Quốc tửu”?

 

Chuyện về “Quốc tửu” là vấn đề gây bàn luận nhiều hơn cả. Nhiều người cho rằng, họ đồng tình với việc bầu chọn quốc hoa và quốc phục nhưng không nên bầu chọn quốc tửu vì việc uống rượu không phải là chuyện nên tôn vinh.

 

Người phụ trách đề án “quốc tửu”, ông Vương Duy Bảo, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, cho biết: Việt Nam đang trên đà hội nhập nên quốc phục và quốc tửu là vô cùng cần thiết khi tiếp khách quốc tế. Rượu ở đây là bản sắc văn hóa của dân tộc. Chúng tôi chỉ mới bắt đầu trên lộ trình đi tìm quốc tửu.

 

Trong khi đó, dư luận không thể không băn khoăn khi đơn vị tổ chức bầu chọn đưa ra hàng loạt các loại rượu rất khó... thể hiện một nét văn hóa nào của người Việt Nam. Có ý kiến cho rằng, việc trưng cầu ý kiến về quốc tửu có phần bị thương mại hóa bởi cuộc triển lãm đưa ra hàng loạt loại rượu công nghiệp.

 

Giáo sư Tô Ngọc Thanh cho rằng, việc bầu chọn quốc tửu không phải là vấn đề đáng phê phán bởi nhiều đất nước khác cũng có quốc tửu như Trung Quốc có rượu Mao đài, Pháp có rượu vang, Nga có Vodka... Tuy nhiên, ông Thanh đưa ra ý kiến nếu sản phẩm đó được gọi là “Quốc tửu” thì chỉ cần nhắc đến nó người ta sẽ nhớ ngay đến người Việt Nam và sản phẩm đó cũng được bạn bè quốc tế biết tới.

 

Giáo sư Thanh cho biết thêm, việc bầu chọn phải được cân nhắc kỹ bởi sản phẩm được bầu chọn phải thể hiện được văn hóa của người Việt. Ví dụ như loại rượu nếp cái hoa vàng trước đây được chưng cất rất cầu kỳ, uống bằng chén mắt trâu và vừa uống vừa nhâm nhi. Việc uống rượu chỉ là cái cớ để hàn huyên chứ không phải là uống để lấy say như cách uống rượu của nhiều người ngày nay.

 

Giáo sư Kiều Thu Hoạch có ý kiến khá hóm hỉnh về “Quốc tửu”: “Tôi đố tìm được rượu gì làm quốc tửu! Vì cả 3 miền nước ta đều có những loại rượu riêng”.

 

 

Theo GiadinhNet

 

Tệp đính kèm