Cập nhật: 17/02/2011 16:12:30 Article Rating
Xem cỡ chữ

Cần phải làm gì để lễ hội thực sự là nét đẹp văn hóa của dân tộc, là cuộc du xuân ý nghĩa của mỗi du khách vào dịp đầu năm?

Bùi Quang Thắng, Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam: Cần phân loại lễ hội

 

PV: Là người có nhiều năm nghiên cứu về lễ hội, ông có nhận xét gì về công tác quản lý lễ hội thời gian gần đây?

 

Đối với những di sản văn hóa vật thể, chúng ta có phân loại rõ ràng, rất thuận lợi cho việc quản lý. Còn những văn hóa phi vật thể nói chung, lễ hội nói riêng, chúng ta chưa làm được điều đó. Điều này khiến các nhà quản lý lúng túng trong việc quản lý lễ hội. Bởi mỗi lễ hội có một ý nghĩa khác nhau. Nếu không phân loại được thì không thể quản lý một cách khoa học và hiệu quả.

 

Chúng tôi đã đi điều tra ở nhiều tỉnh, thành và tạm thời phân các lễ hội truyền thống thành 4 loại. Chúng tôi làm theo cách định lượng, tức là lên một bảng thống kê những phương diện vật thể và những phương diện phi vật thể của lễ hội. Sau đó, mô hình hóa để phân loại. Những lễ hội nào còn giữ được từ 60-70% yếu tố truyền thống và có yếu tố đặc biệt (ví dụ như nghi lễ, diễn xướng đặc sắc) thì được coi là lễ hội loại đặc biệt. Còn lễ hội nào vẫn giữ được nét truyền thống nhưng không có yếu tố đặc biệt thì chỉ được xếp loại A, tức là bảo đảm tính truyền thống. Lễ hội đã bị mất mát quá nhiều thì xếp loại B. Loại C là những lễ hội đã bị mất. Nếu phân loại như vậy, chúng ta sẽ thấy những lễ hội đặc biệt cần đưa vào danh sách bảo tồn cấp quốc gia. Còn những lễ hội khác hoặc là nâng cấp lên hoặc là bảo tồn ở quy mô thấp hơn.

 

Nhưng rất tiếc cho đến nay, Bộ VH-TT&DL chưa phân loại được nên chưa có đối sách riêng với từng lễ hội. Quy chế quản lý lễ hội mà Cục Văn hóa thông tin cơ sở đưa ra không thể áp dụng cho tất cả lễ hội.

 

PV: Khi đất nước bước vào thời kỳ hội nhập, có nhiều luồng văn hóa nước ngoài du nhập vào nước ta. Điều này cũng góp phần làm cho một số lễ hội có sự biến tướng. Chúng ta cần làm gì để giữ lại những nét đẹp truyền thống của lễ hội?

 

Theo tôi, hội nhập rất tốt với các giá trị văn hóa truyền thống. Về mặt nguyên lý, bất kể một giá trị văn hóa nào, một hình thái văn hóa nào cũng đều tích hợp các yếu tố bên ngoài vào bản thân nó. Các lễ hội xưa cũng thế thôi.

 

Chúng ta thử xem xét một lễ hội có vẻ cổ xưa nhất là Hội Gióng. Nhìn bề ngoài cứ tưởng Hội Gióng nghìn năm nay như vậy, nhưng thực chất nó luôn tích hợp và biến đổi theo thời gian. Điều đó không có gì đáng lo ngại.

 

Vì vậy, chúng ta đừng có can thiệp thô bạo vào một hiện tượng văn hóa. Cứ để cho nó tự vận hành, tự tích hợp những yếu tố ngoại lai thì nó không bao giờ mất đi yếu tố gốc. Bởi tích hợp khác sự can thiệp thô bạo. Theo tôi, khi kinh tế càng phát triển thì những yếu tố cổ, những giá trị truyền thống sẽ quay về ở các lễ hội dân gian.

 

PV: Theo ông, các nhà quản lý cần làm gì để các lễ hội thực sự là nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc?

 

Thứ nhất, Bộ VH-TT&DL cần nhanh chóng phân loại lễ hội một cách rõ ràng, minh bạch. Lễ hội nào ở cấp quốc gia quản lý thì phải có nghiên cứu kỹ càng để làm sao vừa giữ được những nét bản sắc vừa thu hút đông đảo nhân dân tham dự. Thứ hai, cần làm rõ nguồn kinh phí để tổ chức lễ hội được lấy ở đâu.

 

Các cơ quan truyền thông đại chúng đừng nói khơi khơi là lễ hội làng tổ chức linh đình, tốn kém tiền bạc của Nhà nước và nhân dân. Lễ hội làng không tiêu tiền của Nhà nước, mà là do dân làng tự đóng góp. Với những lễ hội cấp huyện, tỉnh, người ta xin được tiền tài trợ để tổ chức thì cũng không cần can thiệp sâu. Chỉ có lễ hội lấy tiền Nhà nước để tổ chức thì mới cần xem xét một cách nghiêm ngặt. Bởi đã tiêu tiền thuế của nhân dân thì phải tiêu thế nào cho có hiệu quả. Trong việc tổ chức những lễ hội mới, Bộ VH-TT&DL cần thành lập những Hội đồng tư vấn để xét duyệt các kịch bản cũng như đấu thầu các đạo diễn có tài.

 

PGS.TS Hà Đình Đức: Du khách phải đem cái văn minh, văn hóa đến lễ hội

 

Những người làm công tác văn hóa phải định hướng được, lễ hội tuy mang tính tâm linh nhưng vẫn có ý nghĩa giáo dục, làm cho người đi lễ hướng thiện. Vì vậy, cơ quan quản lý cần có đề cương tổ chức lễ hội bài bản, quản lý chặt chẽ.

 

Lễ hội nào cũng phải có những đội giữ trật tự hướng dẫn du khách làm đúng theo quy định, nội quy của lễ hội. Đồng thời, du khách đến với lễ hội cũng phải đem cái văn minh, văn hóa đến lễ hội chứ không được đem nếp sống tùy tiện đến lễ hội.

 

Tình trạng người dân xả rác bừa bãi, chen lấn gây mất trật tự không thể đổ lỗi cho các nhà quản lý bởi chỉ một số ít người trong ban quản lý lễ hội không thể bao quát, quản lý được cả vạn người thiếu ý thức. Cùng với tuyên truyền, giáo dục cần tiến hành xử phạt hành chính những người không tuân thủ nội quy của lễ hội.

 

Ông Nguyễn Chí Thanh, Trưởng Ban quản lý khu di tích Hương Sơn (Hà Nội): Mong du khách chấp hành đúng nội quy, quy định

 

Rút kinh nghiệm từ những tồn tại của lễ hội năm 2010, năm nay, Ban tổ chức lễ hội đã đặt ra những biện pháp cụ thể để khắc phục, tập trung vào khâu dịch vụ, nhất là dịch vụ đò thuyền. Năm nay, chúng tôi tiếp tục triển khai mô hình đò thuyền có chất lượng để phục vụ du khách tốt hơn. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đặc biệt quan tâm đến vấn đề ATVSTP, đảm bảo một mùa lễ hội không có dịch bệnh, môi trường trong sạch.

 

Lễ hội Chùa Hương mang đậm tín ngưỡng tôn giáo đạo Phật. Chính quyền đã phối hợp với nhà chùa triển khai các nội quy, quy ước của Phật giáo, tạo điều kiện cho du khách làm công tác tín ngưỡng tâm linh. Ban tổ chức cũng mong muốn du khách chấp hành đúng nội quy, quy định và cộng đồng trách nhiệm cùng Ban tổ chức giữ gìn môi trường xanh sạch đẹp nơi bầu trời cảnh bụt.

 

Ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, Trưởng ban tổ chức lễ hội Yên Tử: Huy động lực lượng địa phương phục vụ du khách

 

Lường trước được việc lễ hội sẽ thu hút một lượng khách lớn tới hành hương, Ban tổ chức đã huy động các lực lượng tại địa phương để phục vụ du khách, đảm bảo an toàn cho du khách. Sẽ không còn cảnh hàng quán chen chúc, chèo kéo khách, hay những tiêu cực xảy ra trong quá trình tổ chức lễ hội...

 

Chúng tôi có hướng dẫn giao thông từ Quốc lộ 18 về địa điểm tổ chức lễ hội, và có các tuyến công an hướng dẫn giao thông. Các bãi đỗ xe cũng được chấn chỉnh và sắp xếp khoa học hơn. Có hệ thống loa hướng dẫn trật tự, vệ sinh, hướng dẫn du khách cách hành lễ. An ninh được đảm bảo tối đa, để ngăn chặn tình trạng móc túi, ăn xin. Chúng tôi có 3 trạm trực y tế cấp cứu để đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe cho du khách.

 

Ông Hồng Đại Kỳ, Trưởng phòng Văn hóa, Sở VH-TT&DL tỉnh Hà Giang: Tổ chức lễ hội điểm

 

Thực hiện chủ trương giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, Sở VH- TT&DL tỉnh Hà Giang đã tổng hợp tất cả các lễ hội, xem xét những lễ hội nào đang được thực hiện đầy đủ, những lễ hội nào cần phải xem xét duy trì, những lễ hội nào cần chỉnh sửa, bổ sung. Trong năm 2011, Sở VH-TT&DL đã có những văn bản chỉ đạo cho các thôn, bản trên địa bàn tỉnh trong việc tổ chức lễ hội. Chúng tôi sẽ tổ chức những lễ hội điểm để cho các thôn bản khác đến học tập. Từ lễ hội điểm thành công sẽ nhân rộng ra các lễ hội khác.

 

Chúng tôi cũng thường xuyên tuyên truyền cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn nắm được ý nghĩa của lễ hội. Trong việc tổ chức, cố gắng để lễ hội diễn ra đúng với bản sắc văn hóa truyền thống, tránh hiện tượng xuyên tạc, mê tín dị đoan. Cùng với thời gian, một số lễ hội của đồng bào các dân tộc đang mai một đi. Vì vậy, mong các cấp, các ngành cùng chung tay gây dựng lại lễ hội với nguyên bản của nó để dân bản gìn giữ và bảo tồn

 

 

Tệp đính kèm