Việc “nhà đài” phải ngưng phát sóng một bộ phim khi nó mới đi được già nửa chặng đường có lẽ là đỉnh điểm của việc khán giả bị phim... tra tấn bởi những bộ phim được gắn mác “giờ vàng”. Bài viết dưới đây không mổ xẻ thực trạng đáng buồn này nữa mà đi vào những lỗ hổng trong kiểm duyệt phim truyền hình (PTH). Đây được coi như nguyên nhân chính của thực trạng PTH đang bị thả nổi về chất lượng hiện nay.
Quy trình thẩm định kịch bản và thẩm định ra sao?
Theo Quy chế Đặt hàng, hợp tác sản xuất phim truyện truyền hình phát trên các kênh sóng của Đài THVN (VTV) ban hành kèm theo Quyết định số 918/QĐ- THVN ngày 4/8/2008 của Tổng giám đốc VTV, sau khi nhận được tóm tắt kịch bản (KB) và KB chi tiết (toàn bộ các KB nếu phim dưới 10 tập và ít nhất 10 tập nếu phim trên 10 tập), hai thành viên Hội đồng Thẩm định KB phim xã hội hoá được phân công đọc cùng với bản thuyết minh về phương án sản xuất. Sau 15 ngày, hai vị này gửi bản đánh giá KB và năng lực sản xuất, đưa ra đề xuất KB đó có thể đưa vào sản xuất hay không. Sau khi KB được thẩm định và chấp thuận, bước tiếp theo, nhà sản xuất trình bày với hội đồng phương án sản xuất: diễn viên, đạo diễn, quay phim, bối cảnh... cùng với những nét cơ bản nhất của phim và thuyết trình về năng lực tài chính…
Cái lỏng lẻo của quy chế trên, trước hết thể hiện ở việc: một dự án phim 30 - 40 tập, thậm chí cả trăm tập nhưng chỉ xem đề cương KB và ít nhất 10 tập KB. Dẫu sau đó nhà sản xuất có thuyết trình về phương án thì việc từ khoảng 10 tập để suy ra cả trăm tập thì chẳng khác nào… thầy bói xem voi.
Bất cập nữa chính ở việc sau khi ký hợp đồng với nhà đài, nhà sản xuất tự “vác” KB đi làm phim, chẳng có ai là người của đài giám sát. Về bản quyền phim, nhà đài và nhà sản xuất đồng đứng tên nhưng lúc ra trường quay thì chẳng thấy mặt mũi nhà đài đâu. Thế mới có chuyện nhà sản xuất phim Anh chàng vượt thời gian khi phát hiện đạo diễn quay phim bằng máy chụp ảnh liền bỏ không nghiệm thu những phần phim đã quay, thay ê-kíp mới và quay lại từ đầu. Hay khi ê-kíp tỏ thái độ bất hợp tác với nhà sản xuất bằng cách không giao bản phim gốc, nhà sản xuất phải dùng bản phim khác dựng vội gửi ra đài để kịp phát sóng.
Cũng theo quy chế nói trên, sau khi đọc đề cương và KB, trường hợp KB có thể sử dụng được nhưng phải sửa chữa và bổ sung chi tiết, thư ký hội đồng thông báo cho đơn vị sản xuất biết, yêu cầu tác giả làm việc với thành viên hội đồng... Nhưng trên thực tế, một số thành viên hội đồng không được biết KB đã chỉnh sửa ra sao, những góp ý của họ có được nhà sản xuất tiếp thu hay không, vì hợp đồng phát sóng nhà sản xuất ký với nhà đài.
Những ai duyệt phim và họ đã duyệt như thế nào?
Theo Thông tư số 08/2010/TTBVHTTDL ngày 18/8/2010 của Bộ VH-TT&DL: “Quy định tổ chức và hoạt động của Hội đồng thẩm định phim của đài truyền hình, đài phát thanh-truyền hình”, Hội đồng từ 5 thành viên trở lên gồm: Chủ tịch, Phó chủ tịch, các ủy viên là người đại diện cơ quan quyết định thành lập, người có chuyên môn về quản lý và hoạt động điện ảnh, có uy tín và do người đứng đầu đài ký quyết định ban hành. Kết luận của Hội đồng do Chủ tịch hoặc Phó chủ tịch được Chủ tịch ủy quyền ký phải được 2/3 thành viên trở lên có mặt tán thành hoặc từ 2/3 trở lên số thành viên đã gửi phiếu thẩm định trong trường hợp Hội đồng không họp. Từ thực tế những dự án phim trên VTV “giữa đường đứt gánh” như Anh chàng vượt thời gian hay mới phát sóng một tập cũng bị tạm dừng như Hãy cùng em điệu Sarikakeo có thể đặt dấu hỏi về trách nhiệm của các thành viên của Hội đồng này đến đâu?
“Với số lượng phim làm để phát sóng trên các kênh truyền hình hiện nay, PTH đang bị thả nổi về nhiều khâu: Từ thẩm định, tiến hành sản xuất đến đánh giá nghiệm thu”, đạo diễn Đỗ Thanh Hải, Giám đốc VFC chia sẻ với báo giới nỗi buồn về thực trạng PTH hiện nay. Một trong những cách hữu hiệu để ngăn chặn và tiến tới đẩy lùi việc thả nổi là phải xây dựng được hệ thống các quy định quản lý chặt chẽ, hợp lý và được thực thi nghiêm túc. Hội đồng duyệt phim cũng cần được rà soát và bổ sung để đáp ứng được yêu cầu. Có lẽ qua rồi cái thời những người gác cửa sóng ở các đài truyền hình coi việc duyệt phim là chỉ duyệt đúng sai về tư tưởng chứ không quan tâm đến chất lượng hay - dở…
Theo HOÀNG MAI
Báo SK & ĐS Online