Sau hai năm thực hiện, Trung tâm UNESCO Ðiện ảnh phát triển và Hãng Truyền thông Tứ Vân vừa hoàn thành sản xuất bộ phim Xẩm đỏ của đạo diễn Lương Ðình Dũng.
Bộ phim như một tác phẩm ký bằng điện ảnh, khắc họa nổi bật chân dung lão nghệ nhân Hà Thị Cầu, người đã được nhận Giải thưởng Ðào Tấn vì đã có nhiều đóng góp trong việc bảo tồn và giữ gìn các di sản văn hóa dân tộc.
Thông qua thân phận long đong, truân chuyên cùng nỗ lực níu kéo, giữ gìn nét tinh hoa hát xẩm của một nghệ nhân, bộ phim cho thấy nỗi niềm trăn trở, day dứt và luyến tiếc của những người trong cuộc về một loại hình nghệ thuật truyền thống đang bị mai một.
Cùng với tuồng, chèo, ca trù, hát xẩm đã có khoảng 700 năm tồn tại, được xem như một sinh hoạt âm nhạc phục vụ cho quảng đại người nghe ở các góc phố, vỉa hè, chốn chợ hay nơi cổng làng, cửa đình, cửa chùa. Ðã có một thời, những người hát xẩm bị đánh đồng là người hành khất, dẫn đến sự coi thường, vì vậy loại hình diễn xướng này cùng các nghệ nhân đã không được tôn vinh xứng đáng, dần dần bị thất truyền một cách đáng tiếc. Với phim Xẩm đỏ, nghệ thuật dân gian đường phố được giới thiệu một cách sống động và chân thực như vốn có, giúp người xem hiểu một cách đầy đủ hơn các giá trị văn hóa độc đáo và cả về người nghệ sĩ trình diễn. Theo đạo diễn Lương Ðình Dũng, bộ phim đã được thực hiện ròng rã trong hai năm, từ 1.200 phút quay để chắt lọc lại trong 35 phút chiếu. Sở dĩ không thể quay nhanh được vì những cảnh trong phim được quay với bối cảnh hoàn toàn tự nhiên, không có sự sắp đặt kể cả về âm thanh và hình ảnh. Hành động, lời nói, những đối thoại trực tiếp trong sinh hoạt đời thường, khi biểu diễn và cả độc thoại tự sự của nhân vật về đời, về nghề đã được đạo diễn sử dụng thay cho lời bình và thuyết minh dẫn giải trong phim.
Bên cạnh những góc quay đẹp, mang tính nghệ thuật cao, giàu cảm xúc và kỹ lưỡng trong xử lý kỹ thuật, sự chân thực và tự nhiên trong cảnh quay là yếu tố quan trọng làm nên sức cuốn hút của bộ phim. Không có những buồng thu âm thanh, những studio hiện đại, giọng xẩm luyến láy, mộc mạc, chân chất mà bay bổng, ám ảnh người nghe, thổn thức nỗi lòng của một cuộc đời nghệ nhân nhiều thăng trầm, chìm nổi. Ðan xen, làm nền cho lời xẩm tiếng đàn nhị réo rắt là âm thanh của cuộc sống chung quanh và nổi bật trên cái nền hối hả mưu sinh của người đời, là hình ảnh lão bà nghệ nhân trong các góc quay đặc tả chân dung mà mỗi nếp nhăn đều hằn sâu ký ức, lặng lẽ nhưng đã nói lên bao điều, như ý tưởng thể hiện của đạo diễn: 'Con người chỉ là hữu hạn với thời gian còn tiếng hát truyền lại sẽ mãi là vô hạn'.
Nghệ nhân Hà Thị Cầu được ví như người hát xẩm cuối cùng của thế kỷ, đã gần 95 năm tuổi đời và hơn 80 năm tuổi nghề, như một 'báu vật sống', một 'di sản văn hóa dân gian'. Trầm ngâm trong buổi hoàng hôn bên cửa sổ của làng quê Quảng Phúc, Yên Mô (Ninh Bình), bà kể về mình. Có những lúc, nỗi éo le của cuộc đời được kể lại bằng các đoạn xẩm mà bà đúc kết, 'triết lý' và vận vào mình trong cái vốn xẩm không biết bao nhiêu trăm bài của bà. Lấy chồng từ 16 tuổi, đẻ bảy người con nhưng chỉ nuôi được ba. Chồng mất sớm, thương con mà ở vậy nuôi con. Thời còn trẻ, nhiều lúc đi hát, người ta thương cho bát cơm, đói mà không dám ăn, lại vội bỏ đàn chạy về xẻ cho con gái nhỏ. Có đêm Giao thừa 30 Tết, bà và con vẫn phải lang thang trên đường phố hát phục vụ người đời. Một cuộc đời vất vả, lận đận đến như vậy mà vẫn đẹp sao tấm lòng nhân hậu, trân trọng nghệ thuật của ông cha, sẵn sàng truyền dạy không toan tính cho các thế hệ sau. Bà bộc bạch: 'Ai học thì tôi truyền đạt cho ngay, chứ nếu tôi chết rồi thì mang đi để làm gì. Thôi thì còn sống năm nào, có người tìm học thì cũng phải cố mà dạy cho người ta'. Những thước phim đã ghi lại hình ảnh bà lão nghệ nhân nắn nót, cẩn trọng trong từng phím đàn và ngay cả cách bà nâng cây đàn nhị cũng có thể cảm nhận được tấm lòng của bà với nghề hát xẩm.
Ðạo diễn Lương Ðình Dũng cho biết, anh chọn tên phim Xẩm đỏ bởi nếu có một phác họa bằng mầu sắc cho nghệ thuật hát xẩm thì nên là mầu đỏ. Ðó cũng là mầu báo động về một loại hình nghệ thuật có thể bị thất truyền khi những nghệ nhân của nó dần ra đi và còn là 'màu' của nước mắt, mồ hôi, của những thân phận nghệ nhân hát xẩm khốn khó, hẩm hiu khi xưa.
Đạo diễn trẻ Lương Đình Dũng từng được nhận Giải thưởng đạo diễn phim ngắn xuất sắc của Liên hoan phim quốc tế Tô-ki-ô năm 2006 với phim Chuyện ông Mờ và nhiều Bằng khen của Hội Điện ảnh Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Cùng với phim Xẩm đỏ, anh đang triển khai thực hiện dự án phim truyện dài 100 phút có tên Cõng. Kịch bản do Bùi Kim Quy chuyển thể từ truyện ngắn Cha cõng con của chính đạo diễn. Biên kịch Bùi Kim Quy đã khá thành công với phim Lời nguyền huyết ngải và dự án phim Ngủ mơ của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên vừa giành giải cao trong khuôn khổ Liên hoan phim quốc tế Hồng Công 2011.
Theo HỒNG VIỆT/Nhandan Online