Vở chèo “Quan Âm Thị Kính” đã thực sự lôi cuốn khán giả Pháp và bà con Việt Nam sống lâu năm tại Pháp.
Rực rỡ và hấp dẫn, từ sắc màu trang phục đến ngôn ngữ nghệ thuật, tài nghệ biểu diễn của nghệ sỹ, vở chèo “Quan Âm Thị Kính” của Việt Nam đã chinh phục khán giả Pháp chỉ qua hai đêm diễn cuối tuần qua tại Ngôi nhà các nền văn hóa thế giới tại Paris, trong khuôn khổ Liên hoan Văn hóa quốc tế lần thứ 16.
Trong một khán phòng nhỏ, sân khấu tại Ngôi nhà các nền văn hóa thế giới ở Paris được bài trí rất đơn giản, với một chiếc chiếu cói đặt giữa sân khấu, ngồi hai bên cánh là các nghệ sỹ chơi nhạc cụ và hát phụ họa. Nhưng trên sân khấu giản dị ấy, những nét đặc sắc trong biểu diễn, tinh tế đến từng động tác cử chỉ, giọng hát tuyệt vời của các nghệ sỹ và cốt truyện hài hước nhưng đầy ý nghĩa giáo dục của vở chèo “Quan âm Thị Kính” đã thực sự lôi cuốn khán giả Pháp và bà con Việt Nam sống lâu năm tại Pháp.
Vở diễn được giữ nguyên gốc với các nét nghệ thuật đặc sắc của chèo Việt nam, và có phần dịch phụ đề trên màn hình để khán giả hiểu cốt truyện cũng như ý tứ của lời thoại. Kết thúc buổi biểu diễn, khán giả đã vỗ tay không ngừng khiến nhóm nghệ sỹ biểu diễn 3 lần từ cánh gà ra chào cảm ơn sự yêu mến của khán giả.
Bước ra khỏi khán phòng sau vở chèo, ông Daniel, một khán giả người Pháp hào hứng chia sẻ cảm nhận của mình: “Tôi đã biết nhiều nghệ thuật sân khấu của phương Đông, nhưng đây là lần đầu tiên tôi được xem một vở chèo của Việt Nam và tôi thấy thực sự tuyệt vời. Giọng hát và tài biểu diễn của các nghệ sỹ rất hay và tinh tế. Cốt truyện rất hóm hỉnh nhưng đầy ý nghĩa giáo dục về nhân cách con người, về nghị lực của một người phụ nữ phải vào vai nam giới – cốt truyện này cũng khá gần gũi với một số câu chuyện dân gian ở châu Âu. Tôi đã học được điều gì đó cho mình, tôi thực sự xúc động và say mê”.
Ông Daniel cũng như nhiều khán giả khác nán lại rất lâu sau buổi diễn trò chuyện với các nghệ sỹ của Nhà hát Chèo Trung ương Việt Nam, xin chụp ảnh với họ và mua những chiếc đĩa hát chèo do đoàn mang từ Việt Nam sang.
Nghệ sỹ Vân Quyền- người đã thể hiện xuất sắc vai diễn Thị Mầu, nhận được nhiều sự đánh giá cao cho giọng hát tuyệt vời và tài nghệ diễn xuất sắc xảo và tinh tế của chị.
“Có được sự hưởng ứng vỗ tay nhiệt tình của khán giả là món quà vô giá với người nghệ sỹ. Vân Quyền đã sang Pháp biểu diễn lần này là lần thứ 3 thứ 4 rồi và lần này cũng có cảm xúc rất đặc biệt. Tất nhiên là nghệ thuật có tiếng nói chung nhưng khi biểu diễn cho khán giả nước ngoài nói chung, khán giả Pháp nói riêng mình phải biểu diễn thật chi tiết và tinh tế để sao cho qua ngôn ngữ múa, giọng hát, họ hiểu được mình muốn biểu đạt điều gì” - Nghệ sỹ Vân Quyền vui sướng nói về chuyến đi biểu diễn lần này của đoàn.
Chị Nguyễn Thủy Tiên, cán bộ Viện âm nhạc Việt Nam, người đóng vai trò cầu nối quan trọng đưa đoàn nghệ sỹ của Nhà hát chèo Trung ương sang Pháp biểu diễn lần này cho biết, ý tưởng đưa chèo Việt Nam sang chinh phục khán giả Pháp được chính một giáo sư âm nhạc người Pháp nêu ra với Viện âm nhạc Việt Nam. Và để có được thành công cho buổi diễn lần này, đoàn đã phải vượt qua rất nhiều thách thức về tài chính, nhân lực, rào cản về ngôn ngữ để đưa vở chèo “Quan Âm Thị Kính” đến với khán giả Pháp.
Chị Nguyễn Thủy Tiên cho biết thêm: “Thông thường một vở diễn đòi hỏi ít nhất 30 người nhưng kinh phí chỉ cho phép 12 người, nên đoàn phải tập lại sao cho hợp lý, một người đảm nhận nhiều vai. Vấn đề dịch lời của vở kịch cũng công phu, phải dịch từ tiếng Anh rồi giáo sư người Pháp lại dịch từ tiếng Anh sang tiếng Pháp và ông phải tìm hiểu tính cách từng nhân vật để dịch cho phù hợp. Thực sự phải nói rằng các nghệ sỹ rất yêu nghề khi quyết tâm sang diễn tại đây, họ rất vui và kỳ vọng rất nhiều vì có được một vở diễn như hôm nay ở Việt Nam cũng là niềm mơ ước”.
Có mặt trong đêm diễn đặc sắc của nghệ thuật chèo Việt Nam tại Ngôi nhà các nền văn hóa thế giới, Đại sứ trưởng phái đoàn Việt nam bên cạnh UNESCO Dương Văn Quảng đánh giá cao buổi biểu diễn. Ông cho biết, diễn xuất của các nghệ sỹ và cách dàn cảnh của vở diễn rất hợp với khung cảnh ở Paris. Ông hy vọng trong thời gian tới, Chèo nói chung và Hát văn nói riêng sẽ được xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới”.
Những buổi diễn có chất lượng nghệ thuật cao như thế này đóng vai trò rất quan trọng để đưa nghệ thuật chèo của Việt Nam đến với bạn bè Pháp nói riêng, bạn bè thế giới nói chung biết tới, góp phần bảo tồn bộ môn nghệ thuật truyền thống giá trị của Việt Nam./.
Theo Thùy Vân- Đào Dũng/VOV online