Cập nhật: 29/03/2012 15:35:58 Article Rating
Xem cỡ chữ

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương có từ xa xưa và đã trở thành một bản sắc văn hóa của cộng đồng người Việt. Dù đi đâu, ở đâu, mỗi người con đất Việt luôn hướng về nguồn cội, hướng về tổ tiên với một lòng thành kính tri ân. Vì lẽ đó, thờ cúng Hùng Vương đã và đang có sức lan tỏa mãnh liệt, trở thành chất keo bền chặt gắn nghĩa "đồng bào".

Di sản vô giá của dân tộc

 

Theo nhiều nhà nghiên cứu, 'Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương' thuộc văn hoá tín ngưỡng thờ tổ tiên của dân tộc Việt Nam. Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của dân tộc Việt Nam là đạo lý 'uống nước nhớ nguồn', trong đó, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương rất độc đáo có ý nghĩa sống động mà không một dân tộc nào trên thế giới có được.

 

'Cây có cội, nước có nguồn', các Vua Hùng luôn được nhân dân tôn thờ. Các Vua Hùng được nhân dân lập bàn thờ tại núi Nghĩa Lĩnh, Khu di tích lịch sử đền Hùng (Phú Thọ) và nhiều đền, miếu thờ cúng Hùng Vương cùng tướng lĩnh dưới thời các Vua Hùng trong cả nước. Trong tiến trình lịch sử, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương luôn là yếu tố nội lực của văn hoá dân tộc, góp phần hun đúc lòng tự hào, tạo nên tinh thần đoàn kết, yêu nước thương nòi của người Việt Nam.

Người Việt thờ cúng các Vua Hùng chính là để tôn vinh dân tộc mình. Bằng chứng sinh động để khẳng định tín ngưỡng thờ Hùng Vương luôn trường tồn cùng dân tộc và có sức sống mạnh liệt chính là hàng triệu con dân nước Việt sinh sống trên khắp mọi miền Tổ quốc đã lập tới hơn 1.400 di tích thờ các Vua Hùng. Hơn thế, vào ngày giỗ Tổ, trước anh linh các bậc tiên tổ, dù là người Việt Nam hay khách quốc tế đều trào dâng một cảm xúc thiêng liêng, một lòng tự tôn dân tộc mãnh liệt.

 

Đền Hùng không phải là gốc của một tôn giáo, các Vua Hùng không phải là giáo chủ, người Việt thờ cúng Hùng Vương không có học thuyết và cũng không có giáo hội truyền bá, nhưng từ hàng nghìn đời nay, người Việt Nam vẫn hành hương về đền Hùng để tri ân công đức các Vua Hùng, những người đã có công dựng nước, đặt nền móng cho dân tộc Việt Nam mãi trường tồn. Từ thực tế đó, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã tồn tại và phát triển trong cuộc sống cộng đồng người Việt hàng nghìn năm nay và trở thành một hình thức sinh hoạt văn hoá đặc sắc trong đời sống tâm linh của dân tộc Việt Nam.

 

“Tín ngưỡng thờ Hùng Vương” không chỉ là một di sản đơn lẻ mà là biểu hiện của nhiều loại hình di sản văn hóa phi vật thể liên quan đến đời sống của cộng đồng người dân ở Phú Thọ trong quá khứ và hiện tại. Có nghi lễ, có tập quán truyền khẩu, có nghệ thuật trình diễn, có tri thức về tự nhiên, xã hội và đặc biệt có lễ hội rất lớn nhân dịp giỗ Tổ.

 

Bảo tồn và phát huy di sản

 

Trong kho tàng di sản đa dạng thì tập quán, nghi lễ và lễ hội về Hùng Vương là một lĩnh vực di sản vô cùng quan trọng. Đó là ký ức sống về thời Hùng Vương. Đó là những thực hành xã hội liên quan đến việc thờ cúng Hùng Vương gắn liền với một không gian văn hóa rộng lớn của cộng đồng. Trải qua bao cuộc chiến tranh với những thăng trầm của lịch sử nhưng tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương vẫn luôn được duy trì và phát huy từ thế hệ này sang thế hệ khác bởi ý chí, tinh thần của cả quốc gia, dân tộc. Bởi vậy mà giỗ Tổ Hùng Vương từ bao đời nay là biểu tượng đã ăn sâu vào tâm khảm thiêng liêng của mỗi người dân đất Việt; là điểm hội tụ tâm linh, hội tụ bản sắc văn hóa và tinh thần đại đoàn kết dân tộc. Từ thời phong kiến đến ngày nay, hàng năm, giỗ Tổ Hùng Vương đều được tổ chức với nghi lễ trang trọng, thành kính.

 

Từ yếu tố tâm linh và sức sống mãnh liệt đó, trong thời gian qua, tỉnh Phú Thọ đã cố gắng để bảo vệ di sản quý báu này. Cùng với đó, tỉnh đã xây dựng Hồ sơ 'Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương' đệ trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; xây dựng chương trình hành động nhằm bảo tồn và phát huy “Tín ngưỡng thờ Hùng Vương của người Việt ở tỉnh Phú Thọ”.

 

Theo ông Nguyễn Xuân Các, Giám đốc Khu di tích lịch sử đền Hùng, hằng năm, tỉnh thường xuyên kiểm kê khoa học tín ngưỡng thờ Hùng Vương của người Việt ở Phú Thọ; mở rộng địa bàn kiểm kê khoa học về tín ngưỡng thờ các vua Hùng với các di tích trên địa bàn cả nước và một số di tích trọng điểm thờ Vua Hùng ở nước ngoài; sưu tầm, nghiên cứu các nghi thức, trò diễn liên quan đến tín ngưỡng thờ Hùng Vương của người Việt ở Phú Thọ ở các làng quê trên địa bàn; sưu tập, phân loại, dịch ra chữ quốc ngữ các ngọc phả, văn bia, thần tích, sắc phong liên quan đến tín ngưỡng thờ Hùng Vương; bảo tồn, tôn tạo những di sản vật thể ở đền thờ vua Hùng ở các làng thuộc tỉnh Phú Thọ; hỗ trợ cộng đồng tổ chức các nhóm truyền dạy, nghi lễ, trò diễn, các thực hành xã hội của tín ngưỡng thờ Hùng Vương của người Việt ở Phú Thọ…

 

Ông Các cho biết thêm, để phục hồi, duy trì và bảo tồn bền vững di sản này trong cuộc sống hôm nay trước hết cần nhận dạng một cách đầy đủ các yếu tố của di sản một cách khoa học. Cần kiểm kê với sự tham gia của cộng đồng và kết quả của kiểm kê là kế hoạch và biện pháp bảo vệ do cộng đồng xây dựng với sự hiểu biết đầy đủ. Bảo tồn và phát huy tín ngưỡng thờ Hùng Vương thông qua việc Giỗ tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng hàng năm được tổ chức một cách trọng thể trang nghiêm nhằm giáo dục cho mọi người dân biết ơn các Vua Hùng và những anh hùng dân tộc đã có công dựng nước và giữ nước trong lịch sử vẻ vang của dân tộc.

 

Ngoài ra, các không gian văn hóa liên quan đến “Tín ngưỡng thờ Hùng Vương” cần được giới thiệu một cách chuyên nghiệp và sâu sắc những nét đặc trưng của di sản văn hóa. Để đạt được điều đó, việc đào tạo một đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp là rất quan trọng; từ những người tham gia vào các hoạt động nghiên cứu cho đến đội ngũ cán bộ, nhân viên phục vụ có kiến thức sâu rộng về văn hóa và du lịch, đặc biệt phải có kiến thức về việc bảo tồn di sản văn hóa, các quy tắc, chuẩn mực, mục tiêu và các yêu cầu trong việc thực hiện các công việc chuyên môn.

 

Bên cạnh đó, nên khuyến khích các cộng đồng tự quản lý di sản văn hóa của mình. Phải đào tạo và trang bị cho cộng đồng những kiến thức để tự quản một cách hợp lý. Do đó, rất cần thiết nâng cao nhận thức cho cộng đồng và khuyến khích họ quản lý những di sản đó cho thật tốt.

 

Tỉnh Phú Thọ đã lập đề án, kiểm kê di sản tín ngưỡng thờ Hùng Vương theo hướng dẫn của UNESCO theo hai đợt, tư liệu hóa tư liệu sưu tầm tại 226 địa điểm thờ Hùng Vương trong tỉnh; tổ chức các hội thảo, tọa đàm về tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên trong xã hội đương đại và tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam.

 

 

Theo NGỌC LONG

Báo Điện Tử Nhân Dân

Tệp đính kèm