Với chủ đề "Sắc màu Đà Nẵng," cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2012 (DIFC 2012) đã chính thức "khai hỏa" đêm 29/4 với sự tham dự của 5 đội đến từ Canada, Trung Quốc, Pháp, Italy cùng với đội chủ nhà Việt Nam.
Thực chất, đây là cuộc hội hộ của các nhà quán quân ở 4 cuộc thi trước, đội Italy (Công ty Parente Fireworks, vô địch DIFC 2011); đội Pháp (Công ty Jacques Couturier Organisation, vô địch DIFC 2010); đội Trung Quốc (Công ty Liuyang Dancing Fireworks, vô địch DIFC 2009); đội Canada (Công ty David Whysall International Fireworks, vô địch DIFC 2008) và đội chủ nhà Đà Nẵng-Việt Nam.
Tổng Giám đốc Global 2000, đơn vị tư vấn Cuộc thi trình diễn pháo hoa Đà Nẵng 2012 cho biết các đội tham dự mỗi người một vẻ, có cái hay và phong cách riêng, nhưng đều hướng tới chủ đề “Sắc màu Đà Nẵng.”
Mặc dù đến hơn 20 giờ mới chính thức diễn ra Lễ khai mạc, nhưng từ 16 giờ 30 các cổng cửa của khán đài ngoài trời lớn nhất Việt Nam với sức chứa 32.000 chỗ ngồi đã được mở để đón khách. Từ 15 giờ 30 trên các trục đường chính dẫn vào khán đài đã cấm các loại ôtô và đến 16 giờ 30 thì cấm mọi phương tiện, cả xe máy lưu thông trên các tuyến đường trên. Vào 17 giờ, dòng người đổ về khu trung tâm khán đài nằm ở đường Trần Hưng Đạo (bờ Đông sông Hàn) càng lúc càng nhộn nhịp.
Để tăng cường kiểm soát vé, bảo vệ an ninh trật tự cho cuộc thi, Ban tổ chức đã huy động khoảng 550 công an, vệ sĩ, cán bộ... làm nhiệm vụ hướng dẫn khách xếp hàng, soát vé, giữ gìn an ninh. UBND quận Sơn Trà đã in các bảng cho 125 điểm đăng ký giữ xe trên địa bàn, thể hiện giá giữ xe theo quy định và đường dây nóng của quận để xử lý việc nâng giá, thu tiền không đúng cam kết.
Công an thành phố huy động toàn lực, kể cả công an các quận, huyện và 300 cảnh sát cơ động đặc nhiệm của Bộ Công an giữ gìn an ninh. Cùng lúc đó, trên đường Bạch Đằng (bờ Tây sông Hàn) và đường Trần Hưng Đạo dọc sông Hàn, đa phần là các gia đình ở Đà Nẵng cùng bạn bè chuẩn bị đồ ăn thức uống và có mặt từ rất sớm, bất chấp cái nắng nóng đầu hè tìm cho mình những vị trí thuận lợi nhất để vừa trò chuyện vừa nhâm nhi một chút cho "chặt lòng" để chờ đợi thưởng thức sự thăng hoa của âm thanh và ánh sáng được thể hiện bằng các loại pháo hoa hiện đại nhất.
Tô điểm cho một chuỗi sự kiện chào mừng ngày thống nhất đất nước và Cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng là 20 chiếc thuyền hoa diễu hành trên sông Hàn. Mỗi thuyền hoa mang sắc thái, hình ảnh khác nhau nhưng cùng hướng đến một sắc màu Đà Nẵng và góp tô điểm cho dòng sông Hàn trong 2 ngày 29-30/4 càng lộng lấy, quyến rũ.
Đúng 20 giờ 45 phút, bữa tiệc thịnh soạn và hấp dẫn với sắc màu, đường nét và hình tượng đã chính thức bắt đầu. Đội Pháo hoa Canada lĩnh ấn tiên phong. Màn trình diễn pháo hoa nghệ thuật “Thắp sáng màn đêm” của đội Canada David Whysall International lần lượt tôn vinh vẻ đẹp của sông Hàn lung linh, ánh trăng huyền ảo trên mặt biển mênh mông, phong cảnh thơ mộng và cuộc sống sôi động về đêm...
Trong từng phân đoạn, pháo hoa lung linh huyền ảo kết hợp với nền nhạc sôi động hoặc êm đềm sẽ thể hiện nhịp đập của một thành phố tươi trẻ, sôi động nhưng cũng không kém phần đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Mở đầu bằng giai điệu êm đềm của bài hát “O Fortuna” kinh điển, màn trình diễn David Whysall ca ngợi vẻ đẹp huyền diệu của ánh trăng, một phần không thể thiếu trong văn hóa người Việt.
Tiếp đó, bài hát “I gotta feeling” sôi động kết hợp với hiệu ứng pháo hoa mạnh mẽ, dồn dập là điểm nhấn của màn trình diễn, thể hiện sức sống căng tràn của thành phố Đà Nẵng trẻ trung và sống động. Khán giả đã được tận hưởng một bữa tiệc đường phố sôi động và rực rỡ ánh sáng, đồng thời với những tác phẩm âm nhạc thính phòng, giao hưởng hay opera réo rắt. “Dance of the Reeds” và bản concerto nổi tiếng “Butterfly Lovers” như đang khắc họa trên bầu trời đêm những danh lam thắng cảnh của thành phố làm rung động lòng người. Đà Nẵng còn là thành phố của những sự kiện lớn.
Bài hát “Fireworks” của ca sĩ trẻ Katy Perry như đang tôn vinh Cuộc thi trình diễn pháo hoa Đà Nẵng, cuộc thi tầm cỡ quốc tế và được đông đảo khán giả đón nhận. Cũng thông qua bài hát này, đội Canada như muốn khẳng định chính mình với lời nhắn nhủ “Màn đêm là của chúng tôi.” Hồi kết của “Thắp sáng màn đêm” là một phân đoạn bùng nổ màu sắc và ánh sáng trên nền nhạc hòa tấu violon Can Can sôi nổi.
Tiếp đến Đội pháo hoa chủ nhà Việt Nam kể Sử thi Việt Nam qua nhạc, qua hiệu ứng đặc biệt với 5 phần. Phần 1, Ca ngợi đất nước Việt Nam tươi đẹp với ca khúc Việt Nam quê hương tôi (Nhạc sĩ: Đỗ Nhuận), Việt Nam, đất nước 4000 năm lịch sử, với những truyền thống anh hùng bất khuất, đấu tranh chống giặc ngoại xâm oanh liệt và tự hào, đất nước biểu tượng cho sự hy sinh và lòng dũng cảm. Với những giai điệu trữ tình ngân nga và ca từ đầy lãng mạn được thể hiện qua bài hát Việt Nam quê hương tôi của nhạc sĩ Đỗ Nhuận như gửi lời chào mừng bạn bè quốc tế, du khách gần xa, đến với Việt Nam và thành phố Đà Nẵng trong đêm pháo hoa rực rỡ sắc màu.
Phần 2, Khẳng định vinh quang của con người Việt Nam với ca khúc Việt Nam trên đường chúng ta đi (Nhạc sĩ: Huy Du). Trong giai điệu hùng tráng, tiết tấu mạnh mẽ, dập dồn, hình ảnh đất nước Việt Nam vẫn kiên cường tiến bước. Trải qua bao thử thách, gian nan và những thăng trầm lịch sử, dù trong thời chiến hay thời bình, đất nước Việt Nam vẫn luôn luôn sẵn sàng vượt qua bao thách thức, bảo vệ vững chắc tổ quốc, vững vàng trong tiến trình hội nhập, giao lưu với cộng đồng quốc tế nhằm xây dựng đất nước ngày càng phát triển, sánh vai cùng các quốc gia trên thế giới. Việt Nam, tên gọi thiêng liêng, luôn khắc sâu trong tâm hồn bao người dân đất Việt.
Phần 3, Nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh với ca khúc Tiếng hát giữa rừng Pắc Pó (Nhạc sĩ: Nguyễn Tài Tuệ), trong niềm vui chiến thắng, đất nước vang khúc khải hoàn, cả đất nước bồi hồi, tưởng nhớ đến bao vị anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh cho độc lập, tự do của dân tộc, đặc biệt tưởng nhớ đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam, danh nhân văn hóa thế giới. Những thanh âm du dương, truyền cảm nhưng sôi động, thể hiện hình ảnh thân thương của Bác Hồ, vị cha già dân tộc luôn hiển hiện trong ký ức triệu triệu người con đất Việt. Những hy sinh, cống hiến và hình ảnh của Người luôn là tấm gương soi lối chỉ đường cho đất nước hướng đến tương lai tươi sáng. Tình cảm thiêng liêng của Người mãi mãi còn đọng lại trong lòng chúng ta.
Phần 4, Thể hiện sắc màu Đà Nẵng ngày càng đổi mới với ca khúc Đà Nẵng, thành phố tuổi thơ tôi (Nhạc sĩ: Hoàng Dũng), trong nét nhạc lúc khoan thai, êm dịu, lúc mạnh mẽ, một hình ảnh thành phố Đà Nẵng đang vượt qua bao khó khăn thử thách, mỗi một công dân Đà Nẵng đang hối hả, ngày đêm chung sức chung lòng dựng xây quê hương ngày càng tươi đẹp, văn minh và hiện đại, xứng đáng là thành phố anh hùng trong chiến đấu, tiên phong trong sự nghiệp đổi mới.
Phần 5, Vinh quang Việt Nam đất nước anh hùng với ca khúc Đất nước trọn niềm vui (Nhạc sĩ: Hoàng Hà), Với những cảm xúc mạnh mẽ, âm nhạc tiếp tục khắc họa niềm hạnh phúc dâng trào, mừng ngày hội lớn của non sông. Những ngày cuối tháng 4 lịch sử, trời ngập nắng, phố phường rực rỡ cờ hoa, cùng hân hoan chào đón niềm vui và cất cao khúc khải hoàn ca. Năm nay, đội chủ nhà cũng có sự cách tân từ kỹ thuật bắn, góc bắn; đã có điều tiết sự xuất hiện của các quả pháo và chùm pháo (tần suất bắn) linh hoạt hơn. Các hiệu ứng cũng sắc nét hơn để biểu đạt trọn vẹn chủ đề tư tưởng.
Kết thúc đêm đầu tiên là Đội pháo hoa Trung Quốc, Câu chuyện Đào Nguyên được kể bằng sắc màu. Theo như Đội trưởng Zhong Zimin, đội từng vô địch DIFC bằng chuyện tình lãng mạn của đôi uyên ương Lương Sơn Bá-Chúc Anh Đài. Năm nay đội cũng quyết tâm chinh phục công chúng và ban Giám khảo bằng truyền thuyết về Thung lũng hoa đào.
Kể lại tích xưa bằng ngôn ngữ đường nét, hình tượng và các hiệu ứng chuyên biệt của pháo hoa có lẽ là thế mạnh của chúng tôi. Bằng câu chuyện, ở vùng đất phương Đông thời xa xưa, có một truyền thuyết cổ xưa về đào hoa nguyên. Ngày ấy, đã lâu lắm rồi, có một ngư dân chèo con thuyền nhỏ, men theo dòng suối lên thượng nguồn, suối chảy quanh co dường như bất tận.
Đột nhiên, trước mắt xuất hiện một ngôi làng tuyệt đẹp. Lối vào làng, cỏ thơm xanh ngát, muôn hoa khoe sắc. Dân làng chăm chỉ làm lụng, ngày ngày ra đồng sớm, cần mẫn cấy cày, chăn nuôi. Họ sống hòa thuận trong tình tương thân tương ái, đầy ắp tiếng cười. Họ hoàn toàn không biết đến nơi trần gian mà người trần tục sinh sống. Ở đó thật thảm cảnh, thiên tai, những cuộc chém giết tranh giành đất đai, tài nguyên; biết bao cảnh đời lâm vào loạn lạc.
Người ngư dân đó sau khi thăm làng đào đã trở về quê nhà. Ông ta kể lại cho xóm giềng nghe… Và một hôm, ông ta quay lại tìm ngôi làng ấy. Nhưng Thung lũng đào nguyên hôm nào, giờ không còn tìm thấy? Thông qua câu chuyện về Thung lũng đào nguyên, cuộc sống hòa bình, hạnh phúc, an lành, con người chất phác, chan hòa đã trở thành mục tiêu và kỳ vọng của muôn đời, của con người.
Đêm đầu tiên của Cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2012 đã để lại trong lòng du khách những ấn tượng thật khó quên và họ lại náo nức chờ đến đêm thứ hai (30/4) cũng là đêm cuối cùng của Đại tiệc âm thanh và ánh sáng trên sông Hàn./.
Theo Văn Sơn / TTXVN