Cập nhật: 26/07/2012 15:20:40 Article Rating
Xem cỡ chữ

Đây là chủ đề của Hội nghị do Cục Điện ảnh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức ngày 25/7, tại Hà Nội.

Phát biểu tại Hội nghị, TS Ngô Phương Lan - Cục phó phụ trách Cục Điện ảnh cho biết: Trong một thập kỷ qua, thực hiện chủ trương mở cửa, hội nhập và xã hội hóa, các công ty nước ngoài, công ty liên doanh và công ty tư nhân về phát hành – phổ biến phim kinh doanh ngày càng hiệu quả, một số cụm rạp được xây mới hoặc cải tạo, sửa chữa thu hút khán giả; hoạt động chiếu bóng “sống lại” sau nhiều năm ngắc ngoải.

 

Tuy nhiên, do không điều tiết được nguồn phim phát hành, Việt Nam gia nhập WTO nên không có hạn ngạch nhập phim, dẫn đến mặt tích cực là khán giả được thưởng thức nhiều phim hay, nhưng tiêu cực là nguy cơ xâm lấn của các phim ngoại ngày càng cao, các công ty nước ngoài, liên doanh chỉ hoạt động ở thành phố lớn, nên khán giả ở các địa phương, nhất là vùng sâu, vùng xa ít có điều kiện thưởng thức phim điện ảnh. Khán giả trẻ thường chỉ thích xem phim giải trí...

 

Theo TS Ngô Phương Lan, nếu không tích cực đẩy mạnh hoạt động phát hành - phổ biến phim thì các tác phẩm điện ảnh sản xuất ra có hay đến mấy cũng không đến được với người xem và không phát huy được tác dụng đối với xã hội.

 

Tham dự và phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái cho rằng: phát hành và phổ biến phim phải là khâu quyết định cho sản xuất. Nhiệm vụ quan trọng sắp tới của Cục Điện ảnh là xây dựng chiến lược phát triển điện ảnh, trong đó có nội dung nhà nước phải xây dựng cụm rạp như một thiết chế cứng, phải đầu tư cho quảng bá, phát hành, có chính sách cho đội ngũ phát hành phim, chiếu bóng lưu động…

 

Tại Hội nghị, các đại biểu cũng tham gia phát biểu ý kiến với những đề xuất trực tiếp xoay quanh những giải pháp về chính sách hiện đại hóa công nghiệp điện ảnh, điều tiết nguồn phim, tăng cường phát hành, phổ biến phim Việt Nam với công nghệ số, bảo đảm đạt ít nhất 30% buổi chiếu phim Việt tại rạp.

 

Theo báo cáo của Cục Điện ảnh, hiện cả nước có 93 rạp chiếu phim, trong đó tuy Nhà nước có 72 rạp, nhưng phần lớn đã xuống cấp trầm trọng, trừ Trung tâm Chiếu phim quốc gia. Năm 2011, chỉ có 17 phim truyện Việt Nam sản xuất, trong khi nhập 106 phim. Hệ thống rạp của nhà nước chỉ thực hiện 74.387 buổi chiếu, với số buổi chiếu phim Việt Nam chiếm 31%. Còn hệ thống rạp của công ty nước ngoài, liên doanh và tư nhân thực hiện tới 194.383 buổi chiếu, nhưng buổi chiếu phim Việt Nam chỉ chiếm 14,68%.

 

 

Theo Vương Hà/Báo điện tử ĐCSVN

Tệp đính kèm