Việt Nam vinh dự trở thành nước chủ nhà và có nhiều tiết mục đặc sắc được tham dự Liên hoan múa rối quốc tế lần III- 2012.
Liên hoan múa rối quốc tế là một sự kiện văn hóa nhằm thúc đẩy mối quan hệ hợp tác trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật giữa Việt Nam và các nước trên thế giới, đồng thời là cơ hội để Việt Nam giới thiệu vẻ đẹp văn hóa, đất nước và con người tới bạn bè quốc tế.
Cùng nhìn lại 8 tác phẩm của đoàn Việt Nam tham dự Liên hoan múa rối quốc tế lần III.
Tác phẩm “Không gian trắng”- NSƯT Vương Duy Biên
Tác phẩm là câu chuyện kết hợp nhiều nội dung với biển, trời, nước mênh mông,…“Mây trắng bồng bềnh trôi. Trắng lòng người, xóa nhòa bọt biển. Cuộc sống trắng tinh khôi. Tia nắng vàng phủ một màu nắng ấm”.
… Và những vấn đề gìn giữ, bảo vệ môi trường sống , cuộc sống trở nên bình yên khi cái ác không tồn tại. “Bao la tình cảm phủ kín nhân loại. Không gian sinh tồn là của chung. Hãy yêu cuộc sống, yêu không gian trắng trong”.
Tác phẩm còn ẩn chứa thông điệp đánh thức lòng nhân ái của loài người đang sinh sống trên toàn cầu. “Nhân loại ơi! Hãy nhân ái. Giữ cho không gian trắng đầy đặn tình người. Mãi mãi bình yên, mãi mãi đẹp tươi. Mãi mãi…Lòng nhân ái sưởi ấm miền băng gió”.
Tác phẩm “A la đanh và cây đèn thần”- NSƯT Nguyễn Tiến Dũng
Được xây dựng dựa theo truyện cổ tích cùng tên “A la đanh và cây đèn thần”- một trong những truyện cổ tích nổi tiếng nhất thế giới “Nghìn lẻ một đêm”. Tác phẩm mô phỏng về một thế giới hư vô, thế giới mà ở đó tồn tại sự sống giữa thần tiên và con người,
“A la đanh và cây đèn thần” mang tính giáo dục sâu sắc như một minh chứng được đúc kết: Cuộc sống luôn tồn tại cái tốt và cái xấu, dù là trong thế giới ảo hay thế giới hiện đại, cái thiện luôn chiến thắng cái ác, người tốt luôn gặp may mắn, kẻ xấu sẽ bị trừng phạt.
Tác phẩm “Bí ẩn 2/3”- NSƯT Phương Nhi
Tạo hóa ban tặng cho loài người biết bao điều kỳ diệu: bầu trời xanh trong, sông núi bao la, đất đai màu mỡ, đại dương mênh mông,…Trong đó, đại dương chiếm 2/3 diện tích trái đất, chứa đựng những điều bí ẩn mà con người chưa khám phá hết. Nhưng sự thờ ơ vô trách nhiệm của con người đã và đang tự hủy hoại đi nguồn sống của chính mình.
Tính ích kỷ và thiếu hiểu biết đã dẫn đến những việc làm đáng tiếc: đánh bắt hải sản vô tội vạ, thả chất thải bừa bãi gây ô nhiễm môi trường. Vở diễn như một lời cảnh tỉnh cấp thiết tới nhân loại: Hãy dừng lại ngay khi chưa muộn”.
|
Một cảnh trong "Sắc màu Tây Nguyên" |
Tác phẩm “Ngàn vàng khôn cuộc”- Lê Thu Huyền
Hồ Nguyệt Cô là một con Cáo, tu luyện ngàn năm trở thành người. Trong một lần ra trận, nàng đã phải lòng một dũng tướng có tên gọi Tiết Giao.
Yêu và khát khao với tình yêu cháy bỏng, nàng đã yêu hết mình để rồi trao trọn cả ngọc quý hộ thân. Khi ngọc quý mất đi, nàng mới bừng tỉnh ngộ, trở về kiếp Cáo, nàng đau đớn thốt lên: “Ngàn năm thâu góp báu càn khôn. Một phút tan tành trường phong nguyệt”.
Tác phẩm “Linh thiêng hai tiếng đồng bào”- NSƯT Hoàng Tuấn
Trong tiếng Việt hai tiếng “Đồng bào” có ý nghĩa là những người sinh ra từ một nguồn gốc. Truyện dân gian kể rằng: Lạc Long Quân và vợ là Âu Cơ- tổ tiên của người Việt sinh ra một cái bọc 100 trứng nở ra thành 100 người con. Vì vậy hai từ “đồng bào” có ý nghĩa biểu tượng sâu sắc về cội nguồn, về tình cảm gắn bó giữa con người với con người, đã và đang chung sống trên cùng một dải đất hình chữ S.
“Thiêng liêng hai tiếng đồng bào. Triệu con tim chung dòng máu thắm. Việt Nam ơi, đầu ngẩng cao kiêu hãnh. Lưng tựa Trường Sơn, chân đạp sóng biển Đông. Đất nước ngàn năm rạng rỡ giống Tiên- Rồng”.
Tác phẩm “ Giai điệu ký ức”- NSƯT Vương Duy Biên
Ở một làng quê, nét truyền thống luôn được các thế hệ coi trọng, giữ gìn, người với người sống đậm tình làng nghĩa xóm, hòa thuận, sẻ chia. Và làng quê Việt không thể khép mình mãi mà đã mở rộng đón nhận những nét đẹp mới. Con người nhân ái, đùm bọc, hòa chung giai điệu đẹp về nhân gian, về sức mạnh của văn minh làng xã, đem đến những thăng hoa trong cuộc sống nhọc nhằn để hướng tới sự thánh thiện đẹp đẽ hơn.Và ký ức của mỗi người là mỗi giai điệu được hòa thành âm hưởng chung- nơi có ánh sáng chứa chan.
Hãy cùng nhau giữ gìn những âm hưởng đó để nó ngân mãi, ngân mãi…cho ai cũng được nghe, ai cũng được thấy… ngay nơi mình, xung quanh và lan tỏa tràn khắp thế gian này.
Tác phẩm “Sắc màu Tây Nguyên”- NSƯT Hồng Hà
Hoạt cảnh “Sắc màu Tây Nguyên” truyền tải những thông điệp văn hóa đặc trưng của Tây Nguyên. Được thể hiện qua các con rối, với hình thức biểu diễn mới lạ, mô phỏng những nghi lễ tiêu biểu: lễ hội đâm trâu, cồng chiêng, mừng lúa mới,..
Sự kết hợp độc đáo giữa dàn rối chân và dàn rối que trên nền nhạc rộn rã, mang tới cho người xem một không khí tưng bừng, đậm đà bản sắc văn hóa của vùng đất cao nguyên đầy nắng và gió.
Tác phẩm “Nét Hồng Lam”- NSƯT Nguyễn Tiến Dũng
Những con rối được tạo ra bằng vật dụng đời thường, xuất phát từ cuộc sống của người dân Hà Tĩnh, gợi trong chúng ta tình yêu quê hương tha thiết, gắn bó nghĩa tình- bình dị mà sâu sắc của con người nơi đây.
Các tiết mục được xâu chuỗi kết hợp giữa nghệ thuật múa rối với những làn điệu dân ca Xứ Nghệ, tất cả tạo nên Nét Hồng Lam./.Liên hoan múa rối và trò chơi dân gian phía Nam
Theo Kim Dung- Thu Linh/ VOV Online