Cập nhật: 14/09/2012 16:21:55 Article Rating
Xem cỡ chữ

Trong thời kỳ hội nhập và mở cửa, các trung tâm, nhà triển lãm, gallery giới thiệu tranh ngày càng nở rộ, tạo điều kiện cho các họa sĩ, giao lưu, giới thiệu những sáng tác của mình tới đông đảo công chúng.

Tuy nhiên, bên cạnh những triển lãm, gallery chất lượng cao vẫn còn không ít những triển lãm, gallery dễ dãi, chạy theo xu hướng thương mại hóa, khiến cho chất lượng tác phẩm tại các triển lãm rơi vào tình trạng “vàng thau lẫn lộn”.

 

Thị trường chi phối sáng tác của các họa sĩ

 

Nhìn lại lịch sử phát triển của mỹ thuật Việt Nam, chúng ta không khỏi tự hào khi nhắc tới những cái tên đã làm rạng danh nền mỹ thuật nước nhà như: Nguyễn Phan Chánh, Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Bùi Xuân Phái...Tiếc thay, những tên tuổi này hầu hết đều là những họa sĩ thế hệ thứ nhất thời kỳ Đông Dương đã xa chúng ta từ rất lâu. Ở thời kỳ này, theo họa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, họa sĩ ít và hiếm. Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương ngày xưa cả thảy chỉ đào tạo được 140 họa sĩ. Nhưng những họa sĩ này sau khi ra trường, hầu hết đều là những tên tuổi ghi dấu ấn trong lịch sử phát triển của mỹ thuật Việt Nam. Những tác phẩm của họ không nhiều, không xô bồ và cũng không phải là những bức tranh mang nặng định hướng chính trị, thẫm đẫm tinh thần chiến đấu như thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ sau này nhưng nó thực sự là “vàng ròng, vàng mười” của hội họa Việt Nam ngày xưa và cho tới tận bây giờ.

 

Ngày nay, mỹ thuật Việt Nam cũng rất đỗi tự hào khi chúng ta có cả một lực lượng hùng hậu kế cận, thế nhưng dường như những tên tuổi và tác phẩm có tiếng vang lại ngày càng thưa vắng. Nếu như thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, số lượng họa sĩ cả nước là hàng ngàn thì hiện nay đã lên tới hàng vạn. Mỗi năm các trường đại học lấy khoảng 5000 sinh viên Mỹ thuật. Với cơ chế mở, các họa sĩ được thỏa sức sáng tạo. Vì thế chưa bao giờ thị trường mỹ thuật lại sôi động, phong phú “trăm hoa đua nở” như bây giờ. Điều đáng buồn là trong vườn hoa đa sắc ấy lại rất ít những tác phẩm có thể gây được sự chú ý đối với công chúng.

 

Không có tác phẩm đỉnh cao, không phải các họa sĩ trẻ ngày nay không có tài, mà theo họa sĩ Trần Khánh Chương, vì mải lo miếng cơm manh áo, các họa sĩ lao vào cơ chế thị trường, chấp nhận uốn cong nét vẽ theo thị hiếu của một bộ phận công chúng. Tệ hại hơn, trong hàng vạn các họa sĩ trẻ hiện nay, lại có không ít các họa sĩ chấp nhận "bán mình" cho các gallery rẻ tiền, chuyên chép tranh, phỏng tranh và đạo tranh của các họa sĩ tên tuổi và ăn khách. Các họa sĩ này không chỉ đánh mất nhân cách cao quý của người họa sĩ mà còn góp phần làm tầm thường hóa mỹ thuật Việt Nam.

 

Tuy nhiên, cũng phải kể tới một nguyên nhân dẫn tới tình trạng này, đó là trong cơ chế thị trường, dòng tranh chính thống vẫn được đánh giá cao từ trước tới nay không còn được tôn sùng như trước nữa. Đặc biệt, thị trường tranh kháng chiến giờ đây hoàn toàn là thị trường của người nước ngoài. Các họa sĩ vẽ tranh về đề tài này không những không bán được trong nước, mà cho, hay hiến tặng cũng không đắt. Theo họa sĩ Trần Khánh Chương, hiện cả nước duy nhất chỉ có một bảo tàng mua tranh kháng chiến của các họa sĩ nhưng với giá không đủ để các họa sĩ trang trải sơn màu và vận chuyển tranh. Vì thế, trong cuộc chiến với miếng cơm manh áo, chúng ta cũng phải chia sẻ phần nào với các họa sĩ khi bị cơ chế thị trường đốn gục, chi phối sáng tác của họ.

 

Tác phẩm triển lãm “vàng thau lẫn lộn”

 

Một khi sáng tác của các họa sĩ đã bị chi phối bởi cơ chế thị trường thì đương nhiên các triển lãm cũng mang nặng tính thương mại. Nếu ví triển lãm giống như một phiên chợ mà ở đó đa số người mua toàn là những khách hàng bình dân, có nhu cầu mua những thứ bình dân, thì có ai dại gì lại mang trưng những đồ cao cấp ở đó để bị đánh đồng, bán với giá bình dân? Chính vì thế, các triển lãm, gallery hiện nay cũng chia làm hai loại rõ ràng, tạm gọi là loại bình dân và loại cao cấp. Loại cao cấp chuyên trưng bày, giới thiệu, công bố tranh có chất lượng cao của những họa sĩ tên tuổi. Triển lãm đơn thuần chỉ nhằm mục đích giới thiệu, quảng bá, cổ vũ những tác giả, tác phẩm xuất sắc, không quan tâm đến việc có bán được hay không. Còn triển lãm thứ hai gồm “thượng vàng hạ cám”, giới thiệu tất cả các tác giả, tác phẩm với mục tiêu thương mại là chính.

 

Thực tế hiện nay, với sự bùng nổ về tác giả, tác phẩm, dẫn tới nhu cầu giới thiệu, công bố các sáng tác của các họa sĩ là rất lớn. Vì thế càng ngày càng có nhiều gallery mọc lên. Các trung tâm, nhà triển lãm cũng không còn tình trạng “năm thì mười họa” mới có dịp nhộn nhịp, sáng đèn mà mở cửa liên tục giới thiệu sáng tác của các họa sĩ ở khắp mọi miền đất nước. Thế nhưng những triển lãm cao cấp, thực sự mang ý nghĩa tích cực đang bị lấn át bởi các triển lãm thương mại khác. Theo họa sĩ Trần Khánh Chương, nếu như trước đây cả nước mỗi năm chỉ có khoảng chục triển lãm thì bây giờ lên tới 300 triển lãm lớn nhỏ, đấy là chưa kể tới các trưng bày tại các khách sạn, công viên, đường phố, gallery, quán cà phê... không xin phép cơ quan chủ quản.

 

Với việc nở rộ các trung tâm triển lãm, gallery...nhất là từ khi một số nhà triển lãm xóa bỏ cơ chế bao cấp, trao quyền tự quyết cho các cơ quan chủ quản là các hội, các sở... đã tạo điều kiện cho các họa sĩ ở khắp mọi miền đất nước, dù nổi tiếng hay chưa nổi tiếng, từ thành phố tới nông thôn, từ Trung ương, tới địa phương đều có thể tự tổ chức triển lãm, công bố, giới thiệu sáng tác của mình miễn là có đủ kinh phí trả cho các nơi trưng bày. Với cơ chế mở hiện nay, các tác phẩm tham gia triển lãm dù chất lượng có thấp nhưng nếu không vi phạm chủ trương, đường lối, chính sách....thì vẫn có thể trưng bày như thường. Thậm chí, nhiều tác phẩm bị cấm ở triển lãm này nhưng lại có thể đem trưng bày ở triển lãm khác. Chính vì sự dễ dãi trong hoạt động triển lãm hiện nay đã làm cho chất lượng các tác phẩm ngày càng đi xuống. Theo họa sĩ Trần Khánh Chương, hiện chỉ còn một số triển lãm tên tuổi là vẫn đảm bảo được chất lượng tác phẩm vì có hội đồng tuyển chọn khắt khe là: triển lãm mỹ thuật toàn quốc, các cuộc triển lãm khu vực và các cuộc triển lãm các tác phẩm tham gia các cuộc thi có uy tín..., còn lại hầu hết những triển lãm chỉ có từ 7-10% tác phẩm có đề tài đạt chất lượng là đã tốt lắm rồi.

 

Một nghịch lý đáng buồn nữa trong hoạt động triển lãm hiện nay là những tác giả tên tuổi, có chỗ đứng trong làng mỹ thuật hoặc những tác giả có năng lực, bán được tranh lại rất ít tổ chức triển lãm. Những họa sĩ tầm tầm, ít người biết tới, cần phô trương, quảng bá lại hay tổ chức triển lãm. Cũng vì cơ chế thị trường nên nhiều khi những tác giả có những tác phẩm tốt nhưng vì điều kiện kinh tế eo hẹp, không có kinh phí tổ chức triển lãm nên không thể giới thiệu những sáng tác chất lượng tới công chúng. Chính vì vậy, vô hình chung, tuy hoạt động triển lãm hiện nay được mở rộng nhưng công chúng lại rất ít được thưởng thức “đặc sản” mà toàn những món ăn bình thường nên nhu cầu thưởng thức nghệ thuật không những không được thỏa mãn mà còn phần nào ảnh hưởng tới thẩm mỹ của công chúng.

 

Cần tìm đầu ra cho tác phẩm?

 

Sở dĩ phần đa các họa sĩ hiện nay chạy theo cơ chế thị trường, lao vào tìm kiếm những cái mới, cái lạ, cái độc... để câu khách là vì ngoài nhu cầu nghệ thuật họ cũng còn phải sống. Tổ chức triển lãm ngoài việc để phô trương thân thế, tên tuổi cũng còn là một hình thức để quảng bá và rao bán tác phẩm. Vì thế, để nâng cao chất lượng mỹ thuật nói chung và tác phẩm triển lãm nói riêng, ngoài việc phải nâng cao ý thức trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp của các họa sĩ, vấn đề cốt lõi là phải tìm được đầu ra cho tác phẩm. Thực tế hiện nay không hiếm những tác phẩm chất lượng của những tác giả tên tuổi tham gia các triển lãm danh tiếng nhưng sau triển lãm là bỏ đó, không có khách hàng ngó ngàng tới, các bảo tàng thì từ chối treo vì diện tích có hạn... Thử hỏi, dù có yêu nghề, say nghề đến mấy nhưng liệu có họa sĩ nào có thể "uống nước lã" để vẽ tranh suốt đời?

 

Không có cơ chế khuyến khích hợp lý và không tìm được đầu ra cho tác phẩm trong nước, mỹ thuật Việt Nam còn phải đối mặt với nguy cơ "chảy máu báu vật". Vì thực tế hiện nay, những tác phẩm có giá trị phần nhiều đều rơi vào tay những người nước ngoài có đủ tiềm lực kinh tế và có năng lực thẩm định tác phẩm.

 

Để công chúng trong nước có điều kiện thưởng thức những tác phẩm giá trị, ngoài việc tổ chức nhiều cuộc thi, nhiều sân chơi sáng tác, có tổng kết và triển lãm, chúng ta cũng nên có đầu tư, hỗ trợ xứng đáng cho công tác quảng bá và công bố tác phẩm, đặc biệt là những tác phẩm chất lượng./.

 

 

Theo Kim Thoa/ĐCSVN

Tệp đính kèm