Liên hoan Ca trù Hà Nội 2012 vừa chính thức làm lễ tổng kết và trao giải tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, HN. Không chỉ được xem là một trong những cái nôi của Ca trù, HN chính là mảnh đất mà Ca trù đang “sống khỏe” và mang nhiều phong cách nhất nước.
Xứng danh “thủ đô của Ca trù”
Liên hoan Ca trù Hà Nội 2012 diễn ra trong hai ngày 20 – 21.12 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám HN hơn cả một cuộc gặp gỡ giao lưu của các nghệ nhân theo nghiệp hát ả đào mà đã trở thành một cuộc kiểm kê hay biểu dương sức mạnh đầy ấn tượng của Ca trù thủ đô. Không chỉ khá đông đảo về số lượng CLB, giáo phường, phong cách trình diễn cũng như mô hình hoạt động của các ca nương, kép đàn nơi thủ đô ngàn năm văn hiến cũng thật sự sống động, đa dạng và mang nhiều màu sắc khác nhau. Thật không quá khi GS.TSKH Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian VN chắc mẩm như đinh đóng cột: “Hà Nội là nơi có nhiều phong cách Ca trù nhất nước”.
Đơn cử như xuất xứ và mô hình hoạt động của 5 CLB, giáo phường Ca trù tham gia Liên hoan Ca trù Hà Nội 2012, mỗi nhóm mang màu sắc, đặc trưng rất khác nhau. Nếu CLB Ca trù Hà Nội được Sở Văn hóa - Thông tin HN (nay là Sở VHTTDL HN) cho phép thành lập và chính thức ra mắt từ ngày 28.4.1999 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám HN thì Giáo phường Ca trù Lỗ Khê được Phòng Văn hóa huyện Đông Anh và Phòng Văn hóa xã Liên Hà thành lập năm 1995. Giáo phường Ca trù Thái Hà từ lâu đã được biết đến là nhóm Ca trù “độc nhất vô nhị” mà toàn bộ thành viên đều là người trong một nhà. Tính từ thủa Thủ khoa năm Nhâm Tý 1852 Nguyễn Đức Ý đưa Ca trù về với dòng họ, đến nay Giáo phường Ca trù Thái Hà đã trải qua 7 đời làm nghề và truyền nghề Ca trù liên tục trong một dòng họ.
Chuyện CLB Ca trù Chanh Thôn “phát lộ” như một sự tích của làng Ca trù. Giữa lúc cả nước rầm rộ kiểm kê, chấn hưng Ca trù để làm hồ sơ quốc gia trình UNESCO xét tặng danh hiệu di sản thế giới thì giữa HN, Ca trù Chanh Thôn vẫn “biệt vô âm tín”. Các cụ nghệ nhân làng Chanh Thôn nhiều năm liền cứ thế mặc nhiên “tom chát” với nhau trong im lặng. Trước lúc hồ sơ Ca trù chính thức đệ trình UNESCO vào năm 2008, tình cờ nghe một người mách bảo, GS.TSKH Tô Ngọc Thanh lặng lẽ tìm về làng nhỏ của huyện Phú Xuyên và thực sự sững sờ phát hiện ra “ngọc quý” của Ca trù thủ đô. Gần như ngay lập tức, CLB Ca trù Chanh Thôn đã được công nhận là địa chỉ đỏ của văn hóa dân gian, bổ sung ngay vào hồ sơ quốc gia trình UNESCO. Tại LH Ca trù Toàn quốc năm 2009 và 2011, tài năng của nghệ nhân Vũ Văn Khoái sinh năm 1925, nghệ nhân Nguyễn Thị Vượn sinh năm 1925 và nghệ nhân Nguyễn Thị Khướu sinh năm 1927 đã được khẳng định với 4 HCV và giấy khen.
Trong khi đó, Giáo phường Ca trù Thăng Long là “con đẻ” của “đệ nhất danh cầm” Nguyễn Phú Đẹ và Nghệ nhân dân gian Nguyễn Thị Chúc nổi danh làng Ca trù từ năm 2006. Cho đến nay, CLB Ca trù Thăng Long hay nói đúng hơn là đào nương Đặng Thị Huệ chính là người đầu tiên trong làng Ca trù thời hiện đại làm “lễ mở xiêm y”. Đây cũng là giáo phường trẻ trung bậc nhất với khoảng 15 thành viên có độ tuổi khoảng từ 12 đến 30. Điều thú vị là đa số ca nương, kép đàn của giáo phường đều là những người học hành bài bản về âm nhạc, có bằng Đại học của Học viện Âm nhạc Quốc gia VN nhưng say mê Ca trù như điếu đổ.
Khúc vui xin lại so dây cùng người
Theo BTC Liên hoan cho biết: “Mục đích của Liên hoan Ca trù HN 2012 nhằm kiểm kê và bảo tồn các làn điệu Ca trù HN cổ thuộc các loại hình Hát thờ, Hát cửa đình, Hát cửa quyền, Hát ca quán đang có nguy cơ bị mai một”. Đồng thời LH cũng khuyến khích các nhóm Ca trù trình diễn, tập luyện các làn điệu Ca trù cổ, mang sắc thái nghệ thuật riêng và động viên các cháu nhỏ tham gia biểu diễn. Hẳn nhiên Ca trù đang đứng trước nhiều nguy cơ bị mai một và mất mát thì UNESCO mới ghi danh loại hình này vào danh sách Di sản Văn hóa Phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Nhưng so với tất cả các địa phương có Ca trù thì HN thực sự là mảnh đất mà Ca trù đang “sống khỏe” và mang nhiều phong cách nhất nước.
Giáo phường Ca trù Thăng Long hiện vẫn biểu diễn thường xuyên vào các buổi tối thứ 3, 5, 7 tại 87 Mã Mây. Không chỉ là nhóm Ca trù thành công nhất trong việc trình diễn phục vụ du lịch, bán vé mà Giáo phường Ca trù Thăng Long còn là nhóm Ca trù duy nhất có đủ nghệ nhân, nghệ sĩ trình trong Dàn bát âm. Nhóm cũng có công lớn trong việc bảo tồn và phục dựng không gian Hát cửa đình tưởng đã lùi vào dĩ vãng. Trong khi đó, Giáo phường Ca trù Lỗ Khê có “đặc sản” là phục dựng thể cách múa bài bông và đặc biệt là sở hữu làn điệu Mai non hồng hạnh, chỉ dùng trong hát giỗ tổ của làng.
GS.TSKH Tô Ngọc Thanh khẳng định: “HN là nơi có nhiều phong cách Ca trù nhất nước”. Nói cho cùng bảo tồn và phát huy giá trị di sản chính là phục dựng, giữ gìn tính nguyên vẹn của di sản và tạo môi trường cho di sản đó “sống” trong cuộc sống đương đại. Với hàng loạt nghệ nhân tham gia LH như Nghệ nhân dân gian Nguyễn Phú Đẹ, Nguyễn Thị Chúc, Nguyễn Văn Mùi, Nguyễn Thị Vượn, Nguyễn Thị Khướu… Liên hoan Ca trù HN 2012 chính là “bức tranh sống động” của di sản Ca trù mà nhiều thế hệ sau phải xem đó là tính nguyên vẹn của Ca trù để có thể bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Với nhiều CLB, giáo phường Ca trù mang phương thức hoạt động, có xuất xứ cũng như sở hữu nhiều phong cách khác nhau… LH cũng chính là điểm hội tụ khẩn cấp để các nhà quản lý văn hóa, giới nghiên cứu văn hóa nhìn lại sức sống của Ca trù để xác định “con đường” chấn hưng Ca trù, đưa di sản này thoát khỏi tình trạng khẩn cấp mà UNESCO đã ghi danh.
Theo Phúc Nghệ/Văn hóa Online