Liên hoan Ảo thuật xiếc toàn quốc lần thứ 2 do Hội Nghệ sĩ Sân khấu VN tổ chức đã khép lại. Có thể thấy một nghịch lý rất rõ, đó là khâu tổ chức bán vé thì rất thành công, khán giả tới xem nô nức chật kín các hàng ghế nhưng các tiết mục dự thi lại rơi vào tình trạng nghèo nàn, chưa hấp dẫn người xem.
Sự nghèo nàn tiết mục đã được báo động ngay từ số lượng chỉ có 13 tiết mục của 11 đơn vị nghệ thuật xiếc trên toàn quốc tham dự. Số tiết mục đều thuộc thể loại ảo thuật trắng bao gồm các trò ảo thuật có sử dụng đạo cụ, các trò ảo thuật khéo tay, thiếu vắng hẳn thể loại ảo thuật đen. Nguyên do là vì ảo thuật đen đòi hỏi phải có sự đầu tư lớn về kinh phí cũng như sân khấu riêng biệt nên không có đơn vị nào đăng ký tham dự. Vì vậy mà liên hoan thiếu những pha trình diễn ảo thuật ngoạn mục được xử lý công nghệ cao tạo ấn tượng và cảm giác mạnh với khán giả. Đã vậy chỉ có 13 tiết mục mà sự trùng lặp lên tới 4 - 5 tiết mục. Đánh giá những tồn tại của các tiết mục, TS Hoàng Minh Khánh - Chủ tịch Hội đồng giám khảo nhận định: “Một số trò diễn đơn điệu không chỉ về hình thức biểu diễn, về trang phục biểu diễn mà còn đơn giản cả về hình thức đạo cụ và mang tính chất phong trào. Do đó chưa phù hợp với hoạt động biểu diễn mang tính chuyên nghiệp trong giai đoạn hiện nay”. Mặt khác, thay vì dựng một sân khấu vuông để phù hợp với biểu diễn bộ môn ảo thuật thì sân khấu tròn của rạp xiếc cũng đã gây nhiều bất lợi cho các đơn vị biểu diễn. Vì không có ngăn sân khấu (tạo sân khấu hình quạt) đã dẫn tới việc nhiều tiết mục bị lộ trò diễn, phơi ra những kỹ thuật, kỹ xảo vụng về.
Trong số 3 HCV được trao lần này, ngoài tiết mục của nghệ sĩ Trần Định (Vũng Tàu) thì hai HCV thuộc về các nghệ sĩ trẻ, đó là: Cánh chim hòa bình của Nguyễn Phan Khánh, Hải Thanh, Nhật Huy, Thu Sáu (Liên đoàn Xiếc VN) và Sắc màu dân tộc của các nghệ sĩ Ánh Tuyết, Mỹ Hạnh, Văn Thắng (Đoàn xiếc TP.HCM). Sức hấp dẫn và mới mẻ với sự khéo léo của các nghệ sĩ trẻ có phần vượt hơn cả bậc nghệ sĩ đàn anh Trần Định. NSND Vũ Ngoạn Hợp, Giám đốc Liên đoàn Xiếc VN, thành viên HĐGK chia sẻ: “Sân khấu ảo thuật đang được các diễn viên trẻ đóng vai trò chủ đạo. Có thể các bạn diễn viên trẻ chưa đạt tới độ tinh xảo như các nghệ sĩ đàn anh, đàn chị nhưng điều này cho thấy ảo thuật đã có một thế hệ kế tiếp cũng như có trình độ chuyên nghiệp bởi sự đào tạo bài bản chính quy thay vì cách truyền nghề trước đây”.
Đội ngũ nghệ sĩ, ảo thuật gia tham gia liên hoan đã được trẻ hóa rất nhiều so với liên hoan trước, trong đó có 86% số nghệ sĩ lần đầu tham gia liên hoan. Điều đáng ghi nhận là một số đơn vị đã có sự chú ý xây dựng hình thức biểu diễn cho tiết mục. Đưa chủ đề, nội dung, đầu tư nhiều hơn về đạo cụ, âm nhạc, ánh sáng, trang phục đã tạo cho tiết mục có một cấu kết hoàn chỉnh từ nội dung cho tới hình thức, nổi trội ở xu hướng này chính là các tiết mục của Liên đoàn Xiếc VN, Trường Trung cấp NT Xiếc và Tạp kỹ VN, Đoàn văn công Hải Phòng, Đoàn xiếc TP.HCM...
Hầu hết các nghệ sĩ tham dự đều thuộc các đơn vị xã hội hóa, tư nhân nên việc rong ruổi biểu diễn theo hình thức “mãi võ” rất khó đòi hỏi họ có thể có những tiết mục ảo thuật tầm cỡ với các đạo cụ lớn. Kinh phí đầu tư hạn hẹp, độ hoành tráng tiết mục cũng bị giới hạn nên khó mà có được nhiều tiết mục “mãn nhãn” khán giả và đồng nghiệp từ nội dung cho tới hình thức. Cũng vì nhu cầu mưu sinh mà một số đơn vị đã không thể thu xếp để tham dự liên hoan. Nhưng rõ ràng có tổ chức liên hoan, có dự thi, người nghệ sĩ ảo thuật mới có cơ hội để nhìn nhận lại những thành quả sáng tạo của ngành mình, đồng nghiệp của mình để từ đó rút ra những bài học trong sự tìm tòi và phát triển nâng cao tính chuyên nghiệp cho bộ môn nghệ thuật này.
Theo Thúy Hiền/văn hóa Online