Cập nhật: 04/07/2013 09:28:09 Article Rating
Xem cỡ chữ

“Văn học Áo ở Việt Nam” là cuộc hội thảo diễn ra sáng 2/7 tại Hà Nội nhằm mục đích giao lưu hai nền nền văn học Việt - Áo.

Nền văn học Áo có sự nối kết chặt chẽ với văn học Đức nói chung với những tên tuổi: Franz Kafka, Stevan Zweig,  Daniel Glatauer…Đây là đất nước chỉ với 8,5 triệu dân nhưng có một nền văn học lớn, giàu lòng tự tôn dân tộc.

 

Những tác phẩm văn học được dịch và giới thiệu tại Việt Nam phải kể đến như: “Bức thư của người đàn bà không quen”, “24 giờ trong đời một người đàn bà”, “Những cơn gió bấc”, “Tình ơi là tình”, “Đo thế giới”…

 

Tại hội thảo, dịch giả Lê Quang - tác giả bản dịch “Đo thế giới” nhận định: trong thế kỉ 20, sự ảnh hưởng của văn học và tâm lý học Áo khá đậm nét. Nhiều công trình nghiên cứu văn học vận dụng "Phân tâm học" của S.Freud, tiêu biểu là nhà nghiên cứu Trương Tửu, Đỗ Lai Thúy; nhà văn Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Xuân Khánh, Lê Minh Khuê... Stevan Zweig là gương mặt nhà văn Áo thân thuộc, gần gũi nhất với giới văn học Việt Nam.

 

Chỉ bằng hai truyện “Bức thư của người đàn bà không quen” và "Hai mươi tư giờ trong đời một người đàn bà", ông đã chinh phục bạn đọc Việt Nam bởi khả năng phân tích tâm lý con người một cách sâu thẳm và tinh tế. Còn dịch giả Dương Tường khẳng định: “Bức thư của người đàn bà không quen” là tác phẩm dịch đầu tiên đưa ông bước vào nền văn học Áo. Trong số gần 60 tác phẩm dịch của cuộc đời ông, "Bức thư của người đàn bà không quen" là một trong những tác phẩm dịch hài lòng nhất.

 

Dịch giả Dương Tường chia sẻ một kỉ niệm: “Trong chiến dịch Hà Nam Ninh, ở đồn Chùa Cao, tôi gặp Stevan ở đó - trên bàn giấy của viên đồn trưởng còn để lại một cuốn sách. Đó là một cuốn sách gồm 3 truyện vừa: "A-mốc", "Bức thư của người đàn bà không quen" và "Ngõ hẻm dưới ánh trăng".

 

“Tôi bắt đầu mê Stevan Zweig từ đó. Nhưng mãi tới gần 30 năm sau tôi mới dịch tác phẩm của Stevan Zweig. Tôi tìm đọc hầu hết các tác phẩm của ông có trong thư viện. Chính trong thời gian này tôi đã dịch Stevan. Tôi dịch ngay tại bàn làm việc trong phòng đọc - Thư viện. Tôi dịch ngay tại chỗ, ngòi bút cứ lia đi một cách tự động. Tôi dịch trong 3 ngày, khi đọc lại hầu như không phải sửa lại đoạn nào.”

 

Nhân dịp này, Nhà xuất bản Trẻ cho ra mắt hai tác phẩm “Bức thư của người đàn bà không quen” – bản dịch của dịch giả Dương Tường và “24 giờ trong đời một người đàn bà” do Lê Phát dịch./.

 

 

Theo Phương Thúy/ vov.vn

Tệp đính kèm