Cập nhật: 10/07/2013 14:11:49 Article Rating
Xem cỡ chữ

Mới đây, tại Trung tâm Văn hóa Pháp Hà Nội đã diễn ra buổi tọa đàm “Một mình ở Châu Âu hay cuộc hành trình nội tâm".

Tọa đàm diễn ra với sự tham gia của nhà văn Phan Việt, tác giả cuốn “Một mình ở Châu Âu” và Giáo sư Ngô Bảo Châu. Bên cạnh đó, tọa đàm còn có sự góp mặt của dịch giả Lâm Vũ Thao.

 

Phan Việt là một cái tên quen thuộc trong giới nhà văn đương đại Việt Nam. Cô còn là nhà văn yêu thích của nhiều độc giả, trong đó có những độc giả trẻ. Nhà văn nữ sinh năm 1978 này là tác giả của các tập truyện ngắn đã được xuất bản trước đó, tiêu biểu là “Phù phiếm truyện”, “Nước Mỹ, nước Mỹ”, “Tiểu thuyết tiếng người”. Bên cạnh đó, cô còn là người đồng sáng lập tủ sách “Cánh cửa mở rộng”  với nhà toán học Ngô Bảo Châu, cũng là người bạn thân thiết với cô, nhằm dịch và giới thiệu sách hay tới bạn đọc Việt Nam.

 

Gần đây, độc giả yêu thích các tác phẩm của Phan Việt lại có cơ hội đón nhận tác phẩm mới mang tên “Một mình ở Châu Âu”. Đây cũng là cuốn sách đầu tiên nằm trong bộ sách “Bất hạnh là một tài sản” mà tác giả dự kiến sẽ tiếp tục giới thiệu tới độc giả những cuốn tiếp theo.

 

Mặc dù đã được NXB Trẻ xuất bản từ đầu năm 2013, nhưng những ảnh hưởng và sự đam mê của độc giả với cuốn sách nói riêng cũng như với phong cách văn chương của Phan Việt nói chung vẫn luôn gây thu hút và tò mò. Vì thế tại buổi tọa đàm, cô và Giáo sư Ngô Bảo Châu đã có những chia sẻ gần gũi với độc giả về cuốn sách và về chính những trải nghiệm nội tâm của mình thông qua tác phẩm.

 

“Một mình ở Châu Âu” không đơn thuần chỉ là cuốn sách về đề tài du ký mặc dù tác phẩm là tập hợp những ghi chép của Phan Việt cách đây 4 năm, khi cô một mình ở Châu Âu trong vòng 1 tháng, ghi chép lại những câu chuyện hay những hình ảnh cô bắt gặp tại các thành phố lớn như Paris của Pháp, Venice hay Roma của Italia, Copenhaghen của Đan Mạch…

 

Nhưng kín đáo song hành với những cuộc hành trình vật chất này lại là hành trình nội tâm dai dẳng, đau đớn của một người đàn bà nhỏ bé, mạnh mẽ, giàu xúc cảm sau những mất mát của cuộc hôn nhân. Với cô, hôn nhân là một hành trình, và ra đi khỏi hôn nhân cũng là một hành trình. Mặc dù vậy, lang thang trong hành trình mới cũng không giúp cô thoát khỏi những trăn trở đầy giằng xé của quá khứ.

 

Phát biểu tại tọa đàm, Phan Việt chia sẻ: “Bất hạnh là một tình cảm đau đáu trong lòng, nhưng nó làm cho tôi biết mình cần gì trong cuộc sống, cái gì mà mình không thể thỏa hiệp được. Vì thế, ngay từ tựa đầu của cuốn sách, tôi viết rằng ‘Bất hạnh là một tài sản’, đó là những gì tôi phải trải qua để tìm được hạnh phúc thật sự cho mình. Ban đầu, NXB Trẻ có đề nghị nên thay đổi câu này bằng ‘Bất hạnh như một tài sản’, bởi họ cho rằng câu này giống một câu châm ngôn “đập thẳng” ngay vào độc giả, hướng độc giả đến ý nghĩa câu chuyện hơi nặng nề. Tuy nhiên, tôi muốn giữ nguyên câu viết đó để thể hiện đúng về hành trình nội tâm của mình. Tôi muốn giữ thái độ trung dung, và khẳng định về điều mình đã có”.

 

Trong khi, là một người đã trải qua nhiều năm sinh sống ở Châu Âu, đặc biệt là Paris, Ngô Bảo Châu lại có cách nhìn nhận khác với Phan Việt: “Phan Việt là một du khách đến với Paris, với Châu Âu và mang trong mình nhiều tâm tư về tình yêu, về mất mát cảm xúc. Cô là một người lữ hành với trải nghiệm nội tâm của người đàn bà. Còn với tôi, nơi đó lại là nơi gắn bó với ký ức về những bữa ăn sinh viên, những niềm vui, nỗi buồn của cuộc sống thời gian ấy và có cả những ám ảnh về cái chết… Nhưng đọc cuốn sách của Phan Việt, tôi vẫn cảm thấy sự căng thẳng của tâm tư. Cô muốn tìm đến cho mình một hành trình mới để thoát khỏi điều đã qua và tìm kiếm niềm hạnh phúc trong hành trình một mình đó. Còn với tôi, khi làm một điều gì đó mình thích, như việc đọc cũng đã là niềm hạnh phúc cho riêng mình. Dĩ nhiên là hạnh phúc trong cuộc sống còn mang nghĩa rộng hơn nhiều”.

 

Phan Việt cũng cho biết cô không tự xếp cuốn “Một mình ở Châu Âu” của mình vào dạng sách văn học. Dịch giả Lâm Vũ Thao đồng tình, bộc lộ quan điểm: “Cuốn sách có cái tôi thích và có cái tôi không thích, trong đó có câu ‘Bất hạnh là tài sản’. Như thế khiến câu chuyện bị hướng nặng về ý nghĩa, mất đi chút lãng mạn, nhẹ nhõm mang tính văn học. Ở cuốn sách, cô thể hiện lối biểu đạt tự nhiên hơn nhưng nội dung câu chuyện hướng đến ý nghĩa có phần nặng nề hơn và bày tỏ nhiều trải nghiệm ẩn giấu hơn. Nó cũng cho thấy sự thay đổi của Phan Việt, không giống với lối viết nhẹ nhàng, duyên dáng trong những cuốn trước của cô”.

 

Có độc giả thì cho rằng cách giải thoát mình bằng cách tự ra đi và tự trải nghiệm như ở tác phẩm là cách Phan Việt khuyên độc giả giải quyết tinh thần trước những khó khăn tương tự trong cuộc sống. Tuy nhiên, Phan Việt cho rằng: “Nếu gọi là viết ra lời khuyên thì không, mà chỉ là tôi đang chia sẻ câu chuyện của mình. Còn về phía độc giả, các bạn đọc tác phẩm thế nào và cảm nhận thế nào, đó là cách các bạn hình dung cho câu chuyện của chính mình. Còn nếu có thể coi là thông điệp qua tác phẩm, tôi chỉ muốn gửi gắm lời khuyên các bạn nên đối mặt với sợ hãi như thế nào trong cuộc sống mà thôi. Đối với tôi, nỗi sợ hãi bất hạnh là nỗi sợ hãi phí phạm nhất đời người. Điều đó đồng nghĩa với việc bạn không dám đối mặt, dấn thân trước những bất hạnh, những hành trình áp lực của cuộc sống.”./.

 

 

Theo Thu Linh/VOV online

Tệp đính kèm